1. Tài chính

Mở rộng đầu tư dịp cuối năm: Doanh nghiệp e dè 'xuống tiền'

Công nhân Công ty May mặc Dony tích cực sản xuất cho đơn hàng xuất khẩu dịp cuối năm. Ảnh: Quốc Hải

Theo các chuyên gia kinh tế, động lực đầu tư từ phía doanh nghiệp tư nhân chậm lại và sức mua trên thị trường sụt giảm là “nút thắt” ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế.

Ngại vay vốn

Đơn hàng tăng trở lại, thị trường tiêu thụ dần phục hồi nhưng nhiều doanh nghiệp cho biết hiện không có kế hoạch mở rộng sản xuất kinh doanh. Ông Phạm Quang Anh - Tổng Giám đốc Công ty May mặc Dony (TPHCM) cho hay, từ đầu năm đến nay mặc dù thị trường có tín hiệu tốt nhưng Dony vẫn không dám mở rộng sản xuất vì “không cảm thấy an toàn”.

“Từ sau thời điểm dịch Covid-19, tôi học ra bài học rằng nhiều khi chấp nhận bỏ lỡ cơ hội còn hơn mở rộng nhà máy và tuyển dụng quá nhiều”, ông Quang Anh chia sẻ.

Theo vị này, tăng trưởng của Dony hiện nay vẫn chủ yếu đến từ xuất khẩu, trong khi khách hàng nội địa thì tăng trưởng không mạnh. “Qua quan sát nhiều năm qua, tôi thấy kinh tế Việt Nam có độ trễ hơn so với nước ngoài, khi họ khó khăn thì Việt Nam phải 1 - 2 năm mới thấy khó khăn, ngược lại khi họ phục hồi thì chúng ta cũng phải cần 1 - 2 năm mới lấy lại được đà tăng trưởng”, CEO Công ty May mặc Dony giải thích.

Ông Trần Việt Anh - Tổng Giám đốc Công ty Nam Thái Sơn (TPHCM) cũng cho biết, doanh nghiệp đang rất thận trọng trong việc vay vốn, chỉ mong muốn tiền khách hàng trả về và tái đầu tư, không muốn vay thêm vì sẽ tăng chi phí. “Các doanh nghiệp nhỏ và vừa ổn định sẽ không muốn vay thêm vốn do nhu cầu từ thị trường trong nước và quốc tế yếu. Vì vậy, doanh nghiệp cố gắng tự xoay xở, giảm nợ vay ngân hàng để giảm áp lực tài chính”, ông Việt Anh nói.

Ông Trương Chí Thiện - Tổng Giám đốc Công ty Thực phẩm Vĩnh Thành Đạt thông tin, sức mua chưa có sự cải thiện. Hiện, việc tiêu thụ sản phẩm trứng gia cầm của doanh nghiệp ở các kênh siêu thị, chợ truyền thống không giảm nhưng kênh tiêu thụ ở các doanh nghiệp thực phẩm, doanh nghiệp lớn lại giảm. Lý do là sức mua đang yếu nên các doanh nghiệp cũng sản xuất cầm chừng.

Cũng theo ông Thiện, vài năm nay có một điều khá lạ là càng vào dịp cao điểm như lễ, tết thì doanh nghiệp càng đẩy mạnh kích cầu, tăng khuyến mãi. Nguyên do là doanh nghiệp bình ổn thì phải tích trữ hàng để kịp thời cung ứng cho thị trường, nhưng sức mua yếu thì càng cao điểm càng phải khuyến mãi vì mặt hàng thực phẩm có thời hạn sử dụng. “Các doanh nghiệp kinh doanh thịt, trứng gia cầm chỉ mong sức mua trong dịp Tết Nguyên đán năm nay đừng giảm chứ không dám kỳ vọng sẽ tăng”, ông Thiện nói.

Báo cáo của Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR) cho thấy, trong 9 tháng năm 2024, tổng số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường đã tiệm cận mức của cả năm 2023 với con số 163,76 nghìn. So sánh với cùng kỳ năm trước, số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường trong 3 quý đầu năm 2024 đã tăng đến 21,2%. Bình quân mỗi tháng có 18,2 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.

Đặc biệt, xu hướng doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn ngày càng tăng cao với con số 86,9 nghìn, tăng 14,6% so với cùng kỳ. Các doanh nghiệp lựa chọn đứng ngoài thị trường để xem xét tình hình, chờ đợi thời cơ và tìm kiếm các cơ hội kinh doanh thích hợp.

Tìm giải pháp gỡ vướng cho doanh nghiệp

Ông Trương Chí Thiện cho hay, sau một thời gian tăng khuyến mãi, tăng quảng cáo, bán hàng qua các kênh online, doanh nghiệp nào cũng đuối về vốn. “Lượng hàng tồn kho của các doanh nghiệp đang rất lớn, kéo theo chi phí kho bãi, nhân công nhiều. Do đó, các doanh nghiệp mong cơ quan Nhà nước hỗ trợ doanh nghiệp giải quyết các thủ tục công nợ, thủ tục vận chuyển, thanh toán; hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa đẩy mạnh hơn nữa các hoạt động kết nối trực tuyến thay vì trực tiếp để sớm giải phóng hàng tồn”, ông Thiện kiến nghị.

Ông Trương Hiền Phương - Giám đốc cấp cao Chứng khoán KIS Việt Nam cho hay, thời gian qua Ngân hàng Nhà nước đã chỉ đạo các ngân hàng kéo dài thực hiện cơ cấu, giãn hoãn nợ để hỗ trợ doanh nghiệp đến cuối năm 2024 thay vì kết thúc vào tháng 6/2024, đã phần nào giúp ích các doanh nghiệp đang gặp khó khăn.

Tuy vậy, chuyên gia này đề nghị, trong bối cảnh kinh tế tiếp tục khó khăn như hiện nay, chính sách gia hạn nợ cần đi kèm với chính sách ân hạn nợ, tức doanh nghiệp được phép trả nợ tại năm cuối của kỳ hạn vay thay vì phải trả ngay khi hết thời hạn gia hạn cơ cấu nợ là rất cần thiết. “Điều này sẽ giúp doanh nghiệp giảm áp lực dòng tiền phải trả trong năm tiếp theo, từ đó có cơ hội phục hồi sau thời gian khó khăn vừa qua”, ông Phương nhận định.

Ông Nguyễn Đức Lệnh - Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh TPHCM cho hay, thời điểm kết thúc năm không còn nhiều, vì vậy việc đáp ứng nhu cầu vốn để tạo động lực tăng trưởng kinh tế, hoàn thành nhiệm vụ kế hoạch của năm là rất quan trọng. Bên cạnh đáp ứng tốt vốn cho lĩnh vực xuất khẩu tăng trưởng phát triển, còn phải thúc đẩy tăng trưởng tín dụng.

“Việc đáp ứng vốn cho lĩnh vực xuất khẩu không chỉ vốn Việt Nam đồng mà còn vốn ngoại tệ và rất nhiều cơ chế chính sách. Ngay cả các tổ chức tín dụng cũng luôn chủ động cung cấp, đáp ứng tốt nhất các dịch vụ ngân hàng cho lĩnh vực này. Hiện nay, có hai chính sách lớn cho xuất khẩu.

Thứ nhất, lĩnh vực xuất khẩu nằm trong 5 nhóm ngành lĩnh vực ưu tiên được áp dụng lãi suất cho vay ngắn hạn bằng Việt Nam đồng 4%/năm. Thứ hai, doanh nghiệp xuất khẩu hoàn toàn có thể lựa chọn ngoại tệ cho nhu cầu sản xuất, kinh doanh và xuất khẩu - doanh nghiệp có thể vay bằng Việt Nam đồng hoặc ngoại tệ đúng với nhu cầu của doanh nghiệp”, ông Lệnh thông tin.

Theo Tổng cục Thống kê, 10 tháng năm 2024, cả nước có hơn 202,3 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và quay trở lại hoạt động, tăng 9,1% so với cùng kỳ năm 2023; bình quân một tháng có hơn 20,2 nghìn doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động. Tuy nhiên, số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường cũng tăng mạnh, với con số là 173,2 nghìn doanh nghiệp, tăng 18,4% so với cùng kỳ năm trước; bình quân một tháng có 17,3 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.

Quốc Hải

Tin khác