Mất nửa tỷ 'đổ' đơn hàng đầu, 9X xuất hàng triệu đôi đũa gỗ từ làng đi Hàn, Nhật
Tốt nghiệp Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội, sau đó trở về làm công nhân rồi thành ông chủ cửa hàng điện tử, điện lạnh với thu nhập khá nhưng Nguyễn Ngọc Ánh (SN 1990, ở khu 3, xã Minh Lương, huyện Đoan Hùng, Phú Thọ) vẫn khao khát giấc mơ khởi nghiệp để giúp người dân nơi đây thay đổi cuộc sống.
Vậy là năm 2016, do cơ duyên quen biết một ngươi bạn, anh Ngọc Ánh quyết định bắt tay với mô hình sản xuất đũa công nghiệp với số vốn đầu tư mà anh vay mượn được gần 3 tỷ đồng.
“Sau khi tốt nghiệp đại học, tôi có thời gian dài làm công nhân trong khu công nghiệp. Thế nhưng, làm mãi cũng chán, tôi quyết định trở về Phú Thọ để mở cửa hàng kinh doanh thiết bị điện tử.
Thời gian đó công việc kinh doanh cũng khá ổn nhưng vốn học ngành kinh doanh nên tôi nghĩ mình phải nỗ lực hơn nữa tạo ra nhiều giá trị khác cho xã hội.
Sau đó nhờ quen biết một người bạn và biết đến mô hình sản xuất đũa dùng 1 lần tôi đã bàn với gia đình về việc chuyển hướng kinh doanh”, Ngọc Ánh kể.
Ngọc Ánh chia sẻ, phần lớn số vốn đầu tư gần 3 tỷ đồng đều là số tiền mà anh đi vay, vì thế cũng khá áp lực.
“Với mong muốn mang đến thị trường sản phẩm có chất lượng tốt nhất, ngay từ ngày đầu bắt tay vào làm, tôi đã mạnh dạn đầu tư mua dây chuyền sản xuất hiện đại.
Những ngày đầu làm thì vô cùng khí thế và nhiệt huyết nhưng ngay trong tháng đầu tiên tôi đã sốc vì đơn hàng đầu tiên thua lỗ lên đến 500 triệu đồng do chưa làm chuẩn quy trình.
Bởi trong quá trình sản xuất gỗ cần phải luộc và bóc vỏ bằng tay nhưng tôi lại dùng máy bóc vỏ trước sau đó mới cho gỗ vào luộc dẫn đến sản phẩm làm ra bị thâm đen nên đơn hàng đầu tiền bị đổ”, Ngọc Ánh chia sẻ.
Bước đầu làm nhưng lãi không thấy đâu mà còn lỗ 500 triệu đồng, thấy vậy, gia đình và bạn bè Ngọc Ánh ai cũng khuyên rằng làm giàu không hề dễ vì nếu dễ thì thiên hạ giàu hết rồi không còn đến lượt mình nữa. Thế nhưng, với nhiệt huyết của tuổi trẻ, khát vọng làm giàu, Ngọc Ánh vẫn quyết tâm và tự đặt cho mình mục tiêu là bằng mọi cách phải tiến lên, không thể thấy thua mà bỏ dở.
Hỡn nữa, Ngọc Ánh vẫn kiên trì giữ niềm tin vào đôi đũa gỗ, tin rằng sản phẩm này sẽ giúp người dân nơi đây thay đổi cuộc sống.
Chính vì thế, anh và các cộng sự của mình dành thời gian nghiên cứu lại và tìm ra công thức sản xuất chuẩn. Vừa làm, vừa mày mò hoàn thiện dần, mất đến khoảng 2 năm mới cho ra đời quy trình sản xuất cho sản phẩm.
Hiện Ngọc Ánh có 2 nhà xưởng sản xuất đũa gỗ ở Phú Thọ và Tuyên Quang với 3 dây chuyền và hơn 100 công nhân chủ yếu là lao động tại địa phương.
Hiện nay mỗi tháng 2 xưởng của Ánh sản xuất và tiêu thụ 10 container gỗ, mỗi container khoảng 5 triệu đôi đũa được xuất sang thị trường Nhật Bản và Hàn Quốc.
Không chỉ tập trung kinh doanh, Ngọc Ánh luôn tích cực tham gia ủng hộ các phong trào thi đua của khu, xã phát động, quyên góp, ủng hộ các quỹ vì người nghèo tại địa phương.
“Ngay sau quãng thời gian xảy ra dịch Covid-19 khiến nhiều người lâm cảnh khó khăn, sau khi công ty đi vào sản xuất ổn định tôi đã hướng đến nhiều hoạt động phúc lợi xã hội như chăm lo tết cho người nghèo, đỡ đầu những học sinh nghèo vượt khó.
Năm học vừa rồi chúng tôi đã trao gần 100 suất quà cho những học sinh hiếu học trên địa bàn xã Minh Lương”, Ngọc Ánh nói.
Đặc biệt, Ngọc Ánh thường phổ biến kinh nghiệm sản xuất, kinh doanh cho hàng chục hộ gia đình, giúp đỡ nhiều hộ nghèo, khó khăn về vốn phát triển sản xuất.
Chia sẻ về kinh nghiệm của mình với cộng đồng khởi nghiệp, đặc biệt là đối với những người trẻ, Ngọc Ánh cho rằng sẽ không có một công thức chung nào về cách thức khởi nghiệp hay cách làm giàu, bởi thị trường, xu hướng cũng như nhu cầu khách hàng liên tục thay đổi. Điều những bạn trẻ cần là kiên trì, sáng tạo không ngừng và biết nắm bắt thời cơ đúng lúc.
Hoàng Thanh