1. Tài chính

'Mất an toàn về tài chính' ở Công ty Thủy điện huyện Mường Tè

Hình ảnh chỉ mang tính chất minh họa cho bài viết (Ảnh: Báo Lao động)

Lỗ lũy kế ngày một tăng, không bảo toàn được vốn nhà nước

Công ty TNHH thủy điện huyện Mường Tè được thành lập theo Quyết định số 1358/QĐ-UBND ngày 15/9/2009 và Quyết định số 202/QĐ-UBND ngày 04/3/2020 của UBND tỉnh Lai Châu, là doanh nghiệp 100% vốn nhà nước.

Bộ máy Công ty có 11 người, quản lý vận hành 7 công trình thủy điện, trong đó 1 nhà máy sản xuất kinh doanh chính là thủy điện Nậm Sì Lường công suất 0,5MW được đấu nối lên lưới điện quốc gia và 6 nhà máy còn lại phục vụ các bản vùng sâu vùng xa khi chưa có điện lưới quốc gia.

Vừa qua, UBND tỉnh Lai Châu đã có Báo cáo Kết quả giám sát đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp; giám sát tài chính, đánh giá hiệu quả hoạt động năm 2022 của doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp có vốn nhà nước do UBND tỉnh Lai Châu làm chủ sở hữu.

Đáng chú ý, tại Báo cáo nêu trên, Công ty TNHH thủy điện huyện Mường Tè đã bị phân loại là “mất an toàn về tài chính”.

Công ty TNHH thủy điện huyện Mường Tè mất an toàn về tài chính.

Bên cạnh đó, về thuế và thu nộp ngân sách, Công ty TNHH thủy điện huyện Mường Tè cũng bị đánh giá là chưa thực hiện đầy đủ nghĩa vụ với nhà nước theo quy định.

Về kết quả thanh tra, kiểm tra, Công ty chưa thực hiện đầy đủ Kết luận Thanh tra kiểm toán số 1086/KT-STC ngày 4/12/2017 về Công tác chấp hành pháp luật về tài chính tại Công ty TNHH thủy điện huyện Mường Tè từ năm 2010 đến hết năm 2016.

Vậy tại sao một doanh nghiệp có 100% vốn nhà nước do UBND tỉnh Lai Châu làm chủ sở hữu, đang quản lý vận hành đến 7 công trình thủy điện lại rơi vào tình trạng này? Hãy cùng nhìn vào kết quả hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp này trong năm vừa qua.

Công ty liên tiếp thua lỗ qua các năm.

Trong năm 2022, Công ty TNHH thủy điện huyện Mường Tè đã kinh doanh thua lỗ, làm ăn kém hiệu quả, dẫn đến lợi nhuận âm hơn 3,38 tỷ đồng, trong khi doanh thu chỉ vỏn vẹn gần 2,1 tỷ đồng.

“Doanh nghiệp làm ăn kém hiệu quả do, thua lỗ do trích khấu hao tài sản cố định lớn”, Báo cáo Giám sát tải chính năm 2022 của UBND tỉnh Lai Châu cho biết.

Cần phải lưu ý, đây đã là năm thứ năm liên tiếp doanh nghiệp này báo lỗ, khi lần lượt lỗ hơn 4,37 tỷ đồng (năm 2021); 5,75 tỷ đồng (năm 2020); 6,12 tỷ đồng (năm 2019) và 7,05 tỷ đồng (năm 2018).

Tại ngày 31/12/2022, Công ty TNHH thủy điện huyện Mường Tè ghi nhận tổng tài sản là hơn 24,4 tỷ đồng, giảm 13% so với thời điểm hồi đầu năm.

Ở phía bên kia bảng cân đối kế toán, Công ty đang ghi nhận khoản nợ phải trả là hơn 2,4 tỷ đồng.

Vốn chủ sở hữu liên tục bị "ăn mòn" và giảm qua các năm.

Một điểm đáng lưu ý trong hoạt động kinh doanh của Công ty TNHH thủy điện huyện Mường Tè, đó là tình trạng lỗ lũy kế đang tiếp tục gia tăng, “ăn mòn” vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp – chính là phần vốn nhà nước do UBND tỉnh Lai Châu làm chủ sở hữu.

Tại ngày 31/12/2022, Công ty TNHH thủy điện huyện Mường Tè ghi nhận khoản lỗ lũy kế lên đến hơn 19,5 tỷ đồng, khiến cho vốn chủ sở hữu giảm từ 25,5 tỷ đồng hồi đầu năm xuống còn 22 tỷ đồng tại thời điểm kết thúc năm 2022.

Về vốn chủ sở hữu và bảo toàn vốn, tại thời điểm ngày 31/12/2022, doanh nghiệp ghi nhận nguồn vốn đầu tư xây dựng cơ bản là hơn 41,5 tỷ đồng, nhưng vốn chủ sở hữu chỉ còn 22 tỷ đồng.

Như vậy Công ty TNHH thủy điện huyện Mường Tè đã không bảo toàn được vốn nhà nước đầu tư xây dựng cơ bản tại doanh nghiệp.

Có đến 6/7 nhà máy ngừng hoạt động, thủy điện Nậm Sì Lường hoạt động kém hiệu quả

Quay trở lại với hoạt động sản xuất chính của Công ty TNHH thủy điện huyện Mường Tè đó là quản lý vận hành 7 công trình thủy điện. Tuy nhiên, việc Công ty TNHH thủy điện huyện Mường Tè thua lỗ triền miên qua các năm cũng cho thấy, doanh nghiệp có 100% vốn nhà nước do UBND tỉnh Lai Châu làm chủ sở hữu này đang gặp không ít khó khăn.

Theo Báo cáo tài chính năm 2022, thủy điện Nậm Sì Lường bị đánh giá có hiện trạng hoạt động kém hiệu quả do công suất thấp, máy móc thiết bị lạc hậu.

Tình trạng hoạt động của 7 nhà máy theo Báo cáo tài chính năm 2022.

Còn đối với 6/7 nhà máy đã ngừng hoạt động, hiện trạng cũng không mấy sáng sủa, có thể kể đến như: Thủy điện Mù Cả (23 KW – hiện trạng nhà máy: Máy móc thiết bị hỏng hóc, không thể khai thác do thiếu nguồn nước); Thủy điện Nà Hừ (26 KW – hiện trạng nhà máy không hoạt động do không đủ công suất phục vụ 200 hộ dân); Thủy điện Thu Lũm (50 KW - hiện trạng không hoạt động, máy móc hỏng hóc nhiều) hay Thủy điện Bản Giằng (26 KW – hiện trạng nhà máy không hoạt động do không có nguồn nước, máy móc hỏng, không còn đường dây và khu vực đã có điện lưới)…

Vừa qua, UBND tỉnh Lai Châu đã ban hành Đề án cơ cấu lại doanh nghiệp Nhà nước giai đoạn 2021 – 2015 của Công ty TNHH thủy điện huyện Mường Tè.

Đáng chú ý, Đề án đã chỉ ra tồn tại của Công ty đó là công suất 6/7 nhà máy phục vụ cấp điện cho các bản vùng sâu, vùng xa của huyện Mường Tè, sau khi các bản có điện lưới quốc gia đến nay các nhà máy đã ngừng hoạt động.

Trong khi đó, công suất các nhà máy được đánh giá là quá nhỏ không thể nâng cấp cải tạo được, hoạt động chính là nhà máy Nậm Sì Lường với công suất 0,5 MW hòa lưới điện quốc gia nên kết quả sản xuất, kinh doanh chủ yếu dựa vào doanh thu của nhà máy Nậm Sì Lường.

Công ty TNHH thủy điện huyện Mường Tè là doanh nghiệp xếp loại C.

Với kết quả sản xuất, kinh doanh trong năm 2022 vừa qua, Công ty TNHH thủy điện huyện Mường Tè là trường hợp doanh nghiệp xếp loại C và là doanh nghiệp mất an toàn về mặt tài chính.

Với việc doanh nghiệp xếp loại C, theo Điều 14, Thông tư số 200/2015/TT-BTC ngày 15/12/2015 hướng dẫn một số nội dung về giám sát đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp; giám sát tài chính, đánh giá hiệu quả hoạt động và công khai thông tin tài chính của doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp có vốn nhà nước, có nêu rõ: Đối với Xếp loại người quản lý doanh nghiệp, sẽ bị xếp loại Không hoàn thành nhiệm vụ trong trường hợp Doanh nghiệp xếp loại C.

Được biết, bộ máy Công ty TNHH thủy điện huyện Mường Tè gồm có 11 người, gồm có 10 người lao động và 1 Giám đốc. Tại thời điểm UBND tỉnh Lai Châu ban hành Báo cáo Kết quả giám sát, Giám đốc Công ty TNHH thủy điện huyện Mường Tè là ông Vũ Văn Bồi.

Còn theo Điều 8, Thông tư số 200/2015/TT-BTC ngày 15/12/2015 hướng dẫn một số nội dung về giám sát đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp; giám sát tài chính, đánh giá hiệu quả hoạt động và công khai thông tin tài chính của doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp có vốn nhà nước, có nêu rõ:

Cơ quan đại diện chủ sở hữu quy định bằng văn bản về vai trò, trách nhiệm, phân cấp, phân quyền, cơ chế báo cáo, phản hồi của Người đại diện; quy chế phối hợp giữa đơn vị được giao là đầu mối tổng hợp kết quả giám sát với Người đại diện.

Trường hợp doanh nghiệp có dấu hiệu hoạt động kém hiệu quả và có khả năng mất an toàn về tài chính, cơ quan đại diện chủ sở hữu chỉ đạo Người đại diện thực hiện các quyền của cổ đông theo quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 114 Luật Doanh nghiệp năm 2014, cụ thể là yêu cầu Ban Kiểm soát kiểm tra cụ thể các vấn đề liên quan đến quản lý, điều hành hoạt động của doanh nghiệp hoặc yêu cầu Hội đồng quản trị/Hội đồng thành viên triệu tập Đại hội đồng cổ đông/các thành viên trong các trường hợp Hội đồng quản trị/Hội đồng thành viên vi phạm nghiêm trọng quyền của cổ đông/thành viên, nghĩa vụ của người quản lý hoặc ra quyết định vượt quá thẩm quyền được giao.

Đồng thời cơ quan đại diện chủ sở hữu yêu cầu Người đại diện hàng quý báo cáo về tình hình tài chính của doanh nghiệp để có ý kiến chỉ đạo kịp thời.

Về kế hoạch sản xuất, kinh doanh năm 2023, Công ty TNHH thủy điện huyện Mường Tè đặt nhiệm vụ đạt tổng doanh thu là 1,8 tỷ đồng, nộp ngân sách 450 triệu đồng.

Đáng chú ý, với lợi nhuận trước thuế và sau thuế, Công ty TNHH thủy điện huyện Mường Tè chỉ đặt chỉ tiêu kế hoạch năm 2023 là giảm lỗ, chưa chưa đặt mục tiêu có lãi.

Lê Hải - Thanh Bình

Tin khác