Lý do cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008 có thể trở lại lần nữa
Cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008 bắt nguồn từ thị trường nhà đất tại Mỹ và nhanh chóng lan rộng ra toàn cầu, gây ra những hậu quả sâu rộng cho hệ thống tài chính và nền kinh tế thế giới.
Nguyên nhân một phần nằm ở việc hệ thống giám sát tài chính không theo kịp sự phức tạp của các sản phẩm tài chính mới.
Sau cuộc khủng hoảng tài chính 2008, Mỹ đã đưa ra những luật mới, ví dụ Đạo luật Dodd-Frank. Luật này giúp Tổng công ty bảo hiểm tiền gửi liên bang (FDIC) có thêm nhiều quyền hơn.
Nhờ đó, khi một ngân hàng lớn, có ảnh hưởng đến cả hệ thống tài chính gặp vấn đề và có nguy cơ phá sản, FDIC sẽ có nhiều cách hơn để xử lý và ngăn chặn những hậu quả xấu lan rộng.
Tiến sĩ William D O'Connell, Đại học Columbia (Mỹ) cho biết, cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008 có thể trở lại lần nữa. Mối lo ngại này gia tăng xuất phát từ thuế quan của ông Trump đang tạo ra những biến động trên thị trường tài chính. Thứ hai, cơ quan giám sát thị trường tài chính Mỹ đang thiếu người.
Vào tháng 2 vừa qua, Bộ Hiệu quả Chính phủ Mỹ (DOGE) đã cắt giảm hơn 1.000 nhân viên của FDIC.
DOGE tiếp tục có xu hướng cắt giảm nhân viên của Tổng công ty bảo hiểm tiền gửi liên bang (FDIC), cơ quan Hoa Kỳ chịu trách nhiệm bảo vệ tiền gửi và quản lý tình trạng phá sản của ngân hàng.
Chẳng hạn, nếu một ngân hàng phá sản, FDIC sẽ chi trả 250.000 USD cho người gửi tiền.
Động thái này nhằm bảo vệ những người gửi tiền tiết kiệm bình thường và các doanh nghiệp nhỏ khỏi những rủi ro. Đồng thời ngăn chặn làn sóng rút tiền khỏi ngân hàng gây ra các hiệu ứng tiêu cực trên thị trường tài chính.
Trên thị trường tài chính, sự giám sát rất quan trọng vì giúp đảm bảo an toàn cho nhà đầu tư. Ảnh AI: PHƯƠNG MINH
Theo tiến sĩ William D O'Connell, hãy tưởng tượng FDIC như một lính cứu hỏa cho hệ thống ngân hàng. Nếu lực lượng cứu hỏa này bị yếu đi (ít người, ít quyền hơn), thì khi một ngân hàng lớn gặp nạn, họ sẽ khó mà dập tắt được đám cháy và nó có thể lan ra cả hệ thống kinh tế. Việc giảm người khiến quyền giám sát của FDIC bị hạn chế thì giống như quay lại thời trước năm 2008.
Khi đó, các ngân hàng lớn thường nghĩ rằng nếu họ gặp rắc rối, chính phủ sẽ bơm tiền cứu họ. Điều này rất nguy hiểm vì bây giờ nhiều ngân hàng đang có quy mô rất lớn và liên kết với nhau chặt chẽ hơn trước. Nếu một ngân hàng lớn sụp đổ, hậu quả sẽ còn nghiêm trọng hơn nhiều.
"Các nước khác cũng tin tưởng vào FDIC để biết tình hình sức khỏe của các ngân hàng Mỹ và chi nhánh ngân hàng nước ngoài ở Mỹ. Sự hợp tác này đã giúp giải quyết êm đẹp vụ sụp đổ của Ngân hàng Credit Suisse năm 2023.
Nếu FDIC không còn đáng tin cậy và độc lập, sự hợp tác này có thể đổ vỡ. Khi đó, thế giới sẽ có ít cách hơn để ngăn chặn một cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu khác xảy ra" - tiến sĩ William D O'Connell nói.
PHƯƠNG MINH
CNA