1. Chứng khoán

Lý do bất thường khiến cổ phiếu Eximbank bị bán tháo ngay phiên đầu tuần

Ảnh: Eximbank

Khối ngoại bán ròng 5,3 triệu cổ phiếu EIB trước tin đồn

Là một nhà đầu tư quyết định bán tháo cổ phiếu EIB hôm nay, chị Minh Nguyệt (36 tuổi, Q.Thanh Xuân, Hà Nội) đã chấp nhận lỗ. "Thông tin này bắt đầu lan truyền vào phiên sáng khiến cổ phiếu EIB lao dốc, tâm lý nhiều người lo sợ, mức giá sẽ còn giảm hơn nữa. Đồng thời, tôi tự đặt nghi vấn về vấn đề nội bộ nhà băng nữa nên là động thái bán tháo xuất hiện. Tôi cũng đã bán bớt nghìn cổ phiếu EIB, chấp nhận lỗ", chị Nguyệt nói.

Kết thúc phiên hôm nay (14/10), gần 42,7 triệu cổ phiếu EIB (Eximbank, HOSE) được giao dịch khớp lệnh, giá trị tương ứng với gần 780 tỷ đồng, khối ngoại bán ròng với hơn 5,3 triệu đơn vị, tương đương với 97 tỷ đồng.

EIB trở thành cổ phiếu có ảnh hưởng tiêu cực lớn thứ 2 cho phiên giao dịch 14/10 với lượng giao dịch tăng đột biến

Đồng thời, EIB cũng trở thành cổ phiếu có giao dịch thỏa thuận mạnh nhất phiên với giá trị 1.050 tỷ đồng, chiếm gần 36% tổng giá trị giao dịch thỏa thuận trên HOSE.

Diễn biến này được cho là đến từ tin đồn Ban Kiểm soát Eximbank có văn bản kiến nghị và phản ánh gửi các cơ quan chức năng về việc ngân hàng này cho vay không an toàn.

Điều này phần nào ảnh hưởng trực tiếp tới tâm lý nhà đầu tư, đặc biệt là nhóm nhà đầu tư đang nắm giữ cổ phiếu EIB.

Eximbank lên tiếng

Liên hệ với Eximbank, phía doanh nghiệp cho biết, hình ảnh chụp văn bản được lan truyền trên mạng chỉ có một phần nên hiện ngân hàng chưa thể khẳng định thông tin trên là đúng hay không. Ban lãnh đạo doanh nghiệp vẫn đang kiểm tra, rà soát.

Về tình hình kinh doanh, 6 tháng đầu năm, Eximbank đạt 1.170 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, tăng nhẹ 4,6% so với cùng kỳ.

Trước đó, nhiều cổ phiếu sàn chứng khoán từng "lao đao" khi xuất hiện những tin đồn tiêu cực. Dù chưa chắc chắn tin đồn đó là đúng hay sai, song, hầu hết đều ảnh hưởng đáng kể tới tâm lý thị trường, cũng như là diễn biến và thị giá của cổ phiếu tại sàn.

Gần đây, cùng hoàn cảnh, cổ phiếu TCH (CTCP Đầu tư Dịch vụ Tài chính Hoàng Huy, HOSE) cũng đã từng bị bán tháo vào phiên 8/8/2024 khi xuất hiện "tin đồn" tại các hội nhóm về việc doanh nghiệp bị Ủy ban Chứng khoán điều tra giao dịch trong giai đoạn 2021-2022.

Ngay sau đó, ngày 9/8, phía UBCK đã lên tiếng, đây là hoạt động kiểm tra định kỳ theo quy định đối với doanh nghiệp niêm yết.

Dù vậy, sức ảnh hưởng của tin đồn cũng đã khiến TCH giảm hơn 6,74% trong phiên 8/8, về mức giá 16.600 đồng/cp. Vốn hóa tại TCH "bốc hơi" khoảng 1.000 tỷ đồng.

Đến nay, TCH đã có giai đoạn hồi phục về ngưỡng 17.000 – 18.000 đồng/cp. Song, TCH tiếp tục giảm mạnh 6,27% trước áp lực bán phiên hôm nay, về lại ngưỡng 16.450 đồng/cp với thông tin điều tra sai phạm liên quan đến việc thu hồi đất tại dự án 275 Nguyễn Trãi.

Các chuyên gia khuyến nghị, nhà đầu tư cần bình tĩnh kiểm chứng trước những tin đồn không chính thống lan truyền trên mạnh xã hội.

Nhà băng với nhiều biến động

Một trong những thay đổi lớn của Eximbank luôn thu hút sự quan tâm của giới đầu tư và thị trường, liên quan tới vị trí "ghế nóng". Chỉ trong vòng hơn 1 năm qua, vị trí chủ tịch HĐQT tại Eximbank đã được "thay" 3 lãnh đạo.

Cuối tháng 6/2023, bà Đỗ Hà Phương, nữ lãnh đạo 8x được bổ nhiệm vào vị trí chủ tịch Eximbank, thay cho bà Lương Thị Cẩm Tú.

Song, chưa đầy 1 năm, ngày 26/4/2024, Eximbank bất ngờ thông báo miễn nhiệm bà Đỗ Hà Phương theo đơn từ nhiệm vị trí Chủ tịch Hội đồng quản trị (HĐQT); bổ nhiệm ông Nguyễn Cảnh Anh đảm nhận vị trí Chủ tịch HĐQT nhiệm kỳ VII (2020-2025) từ ngày 26/4.

Liên quan đến cuộc chiến quyền lực tại Eximbank, trước bà Phương, bà Lương Thị Cẩm Tú, chủ tịch cũ Eximbank, đã từng 2 lần giữ vị trí này. Lần đầu vào tháng 3/2019, quyết định chưa kịp hoàn tất thì gặp tranh cãi khi ông Lê Minh Quốc (người tiền nhiệm) khởi kiện, tòa án đã đề nghị ngừng thực hiện bổ nhiệm này.

Sau đó, bà Tú trở lại vị trí chủ tịch lần 2 vào tháng 2/2022, cùng thời điểm bà Đỗ Hà Phương đắc cử vào HĐQT.

Ngoài ra, mới đây, chỉ trong 2 tuần đầu tháng 10, Eximbank tiếp tục có biến động nhân sự cấp cao. Cụ thể, EIB đã tái bổ nhiệm ông Nguyễn Hoàng Hải làm Quyền Tổng Giám đốc với thời hạn 3 năm vào 3/10. Kế tiếp là bổ nhiệm ông Phạm Đăng Khoa làm Phó Tổng Giám đốc từ 11/10 với nhiệm kỳ 3 năm.

Diễn biến này được thực hiện ngay trước Đại hội đồng cổ đông bất thường diễn ra vào ngày 28/11/2024 sắp tới của nhà băng, nhằm thảo luận về việc thay đổi trụ sở chính và các nội dung quan trọng. Khác với nhiều năm trước, đại hội lần này được diễn ra tại Hà Nội, nhưng chưa có thông tin về địa điểm cụ thể.

Đồng thời, một thay đổi lớn khác tại EIB trong thời gian tới là dời trụ sở chính hiện nay đến một địa điểm khác nhưng tới nay, địa điểm trụ sở mới cũng chưa được Eximbank đề cập.

Những biến động thời gian qua tại Eximbank xuất hiện từ khi nhà băng đón cổ đông mới, cũng là cổ đông lớn của ngân hàng (tỷ lệ nắm giữ 10%) - CTCP Tập đoàn Gelex (GEX, HOSE). Tại sàn, cổ phiếu GEX cũng có phiên giao dịch không mấy tích cực, giảm 2%, xuống 20.800 đồng/cp.

Tuệ Anh

Tin khác