Lượng tiền gửi vào ngân hàng tiếp tục đạt kỷ lục mới
Số liệu được Ngân hàng Nhà nước công bố, tính đến cuối tháng 8/2024, lượng tiền gửi tiết kiệm của dân cư đạt 6,92 triệu tỷ đồng, tăng 6% so với cuối năm 2023.
Nếu so với cuối tháng 7, lượng tiền gửi tiết kiệm của dân cư trong tháng 8 đã tăng thêm 86.475 tỷ đồng. Bình quân mỗi ngày trong tháng 8/2024 có 2.882 tỷ đồng được gửi vào ngân hàng.
Với nhóm doanh nghiệp và các tổ chức kinh tế, lượng tiền gửi tiết kiệm vào hệ thống ngân hàng của đối tượng này tính đến cuối tháng 8 đạt 6,84 triệu tỷ đồng, giảm nhẹ so với cuối năm 2023. Tuy nhiên, trong 3 tháng từ tháng 6-8/2024, tiền gửi của doanh nghiệp và tổ chức kinh tế đang có xu hướng quay trở lại hệ thống ngân hàng.
Như vậy, tổng lượng tiền gửi tiết kiệm của cả dân cư và doanh nghiệp, tổ chức kinh tế đến cuối tháng 8 đạt kỷ lục hơn 13,76 triệu tỷ đồng. Đây là mức cao nhất từ trước đến nay.
Chia sẻ với Mekong ASEAN về nguyên nhân lượng tiền đổ vào hệ thống ngân hàng lên cao kỷ lục, Chuyên gia kinh tế Lê Xuân Nghĩa cho rằng, việc lãi suất huy động có xu hướng tăng kể từ tháng 4 đã làm tăng sức hấp dẫn của kênh tiền gửi.
Hiện tại, mặt bằng lãi suất huy động đã có xu hướng tăng nhẹ, lãi suất tiết kiệm ở một số ngân hàng lớn trong tháng 11 đã có sự điều chỉnh đáng kể, với mức tăng từ 0,1 đến 0,3% tại các kỳ hạn ngắn và trung hạn, đưa mức lãi suất tiết kiệm kỳ hạn 1 tháng lên khoảng 3,5% - 3,8%, và kỳ hạn 6 tháng dao động từ 4,5% đến 5,3%/năm tùy ngân hàng.
Cũng theo ông Nghĩa, trong bối cảnh các kênh như chứng khoán, bất động sản nhiều rủi ro, dòng tiền sẽ tìm đến ngân hàng để bảo toàn giá trị, chờ đợi các cơ hội đầu tư khác.
Chưa kể, kênh đầu tư truyền thống cùng với gửi ngân hàng là vàng năm 2024 chịu nhiều biến động mạnh. Vàng chịu tác động bởi giá vàng thế giới, không thể khẳng định được giá vàng khi nào sẽ được điều chỉnh giảm hay tăng, nếu đầu tư vào vàng lúc này sẽ tiềm ẩn nhiều rủi ro. Vì thế, nhà đầu tư chưa nhìn thấy nhiều cơ hội sinh lời tốt từ kênh này.
KIỀU CHINH