1. Chứng khoán

Lựa chọn khó khăn

Điểm đáng chú ý ở chỗ trong cùng một ngành, sự phân hóa là rất lớn, không phải doanh nghiệp nào cũng “nước lên, thuyền lên”. Điều này thấy rất rõ ở mọi ngành từ ngân hàng, bất động sản, tài nguyên cơ bản, chứng khoán, dệt may…

Sức bật của cổ phiếu có kết quả kinh doanh quý III tăng mạnh cũng không kéo dài, thường chỉ được 1-2 phiên, sau đó vận động theo thị trường. Thanh khoản và diễn biến của chỉ số khiến những nhà đầu tư có kinh nghiệm đánh giá “dòng tiền lớn chưa nhập cuộc, chủ yếu loanh quanh tiền hiện hữu mua/bán”. Chuyên mục Tiêu điểm của Đầu tư Chứng khoán trong số báo này đưa thêm những lát cắt về kết quả kinh doanh quý III của các doanh nghiệp niêm yết để bạn đọc có thêm thông tin lý giải diễn biến thị trường.

Khi 3/4 quãng đường của năm trôi qua, ngay cả các chuyên gia dạn dày với hàng chục năm kinh nghiệm thị trường đều phải thừa nhận, giai đoạn này khác với năm 2020. Khi đó, đồng pha với chính sách tiền tệ thế giới, Việt Nam nới lỏng chính sách tiền tệ rõ ràng. Hiện chính sách tiền tệ tiếng là “nới lỏng”, nhưng van vẫn khóa, sức hấp thụ tín dụng của thị trường yếu vì cầu vốn các ngành có nhu cầu cao như bất động sản vẫn “ngủ đông”.

Điểm khó không chỉ đến từ thị trường trong nước mà còn chịu tác động mạnh mẽ từ các yếu tố quốc tế. Dư cung và năng lực sản xuất của Trung Quốc, sức cầu yếu thị trường châu Âu, Mỹ… khiến quỹ đạo tăng trưởng của khối doanh nghiệp niêm yết chưa thể trở lại. Thậm chí, nếu kinh tế đi vào pha khó, ngay cả chính sách nới lỏng tiền tệ thực thụ cũng chưa hẳn đã khiến doanh nghiệp có khả năng vươn lên. Chứng khoán là hàn thử biểu của nền kinh tế đã đi trước điều đó.

Sức cầu đến từ nhóm nhà đầu tư chuộng phong cách dòng tiền hữu hạn, nhóm chuộng mua cổ phiếu có định giá thấp cũng không dễ lựa chọn. Thực tế, định giá của những cổ phiếu thuộc nhóm sản xuất, công nghệ thông tin đã ở mức rất cao từ 22-30x, trong khi trung bình PE của VN-Index hiện là 13x. Nhóm định giá thấp như ngân hàng, bất động sản lại có những mối lo hiện hữu, bao gồm cả thủ tục pháp lý và nội tại tài chính của các doanh nghiệp. Bởi thế, nhà đầu tư rất phân vân khi lựa chọn cơ hội giải ngân.

Sau khi hiện thực hóa lợi nhuận 3 triệu cổ phiếu một mã chứng khoán nọ sau hơn 2 năm đầu tư, nhà đầu tư A. cho biết, anh chưa lọc được mã nào ưng ý, có 2 mã được đưa vào danh sách xem xét nhưng cũng chỉ mang tính lướt lát ngắn hạn theo thị trường.

Không thể kỳ vọng con sóng mạnh mẽ như năm 2020; lợi nhuận 5-6% cũng khó kiếm, thậm chí chọn sai rất dễ mất vốn. Nhiều nhà đầu tư đã lựa chọn đứng ngoài, gửi tiền ngân hàng dù lãi suất thấp nhưng tạm chờ qua bão, bảo toàn vốn khi khó khăn.

Với đặc tính biến động lớn lại dễ quan sát, tính toán của thị trường chứng khoán, câu chuyện quản trị rủi ro tưởng cũ nhưng vẫn luôn mới với mọi thành viên thị trường.

Người quan sát

Tin khác