Lợi nhuận tăng, cổ phiếu quay xe lao đầu giảm, vì đâu nên nỗi?
Thị trường đang vào mùa cao điểm công bố kết quả kinh doanh. Tính đến thời điểm hiện tại đã có gần 300 doanh nghiệp công bố lợi nhuận quý 3/2024 với sự phân hóa sâu sắc ở các nhóm ngành. Trong khi ngân hàng vẫn ghi nhận lợi nhuận tăng trưởng tốt thì chứng khoán giảm tốc và bất động sản chưa có dấu hiệu tích cực. Về tổng thể, tăng trưởng thị trường chung vẫn ước khoảng 31%, theo số liệu của FiinTrade.
LỢI NHUẬN TĂNG CỔ PHIẾU QUAY ĐẦU GIẢM
Mặc dù vậy, thị trường vẫn trong xu hướng điều chỉnh ngắn hạn, VN-Index giảm nhiều phiên liên tiếp với thanh khoản về vùng thấp trung bình 17-18.000 tỷ đồng/phiên. Đáng lưu ý, nhiều doanh nghiệp ra kết quả kinh doanh tăng trưởng rất tốt, cổ phiếu vẫn cắm đầu, lao đốc.
Đơn cử như FPT vừa công bố sơ bộ kết quả 9 tháng đầu năm 2024, với doanh thu 45.241 tỷ đồng và lãi trước thuế 8.111 tỷ đồng, lần lượt tăng 19% và 20% so với cùng kỳ năm trước. Trong 9 tháng, FPT lãi ròng 5.762 tỷ đồng, tăng gần 22% so với cùng kỳ, EPS tương ứng mức 3.945 đồng/cổ phiếu.
Riêng quý 3, Công ty ước đạt 15.903 tỷ đồng doanh thu và 2.090 tỷ đồng lãi ròng, lần lượt tăng 16% và 21% so với cùng kỳ. Đây cũng là doanh thu và lợi nhuận cao nhất từ trước đến nay của Doanh nghiệp tính theo quý. Trên thị trường cổ phiếu FPT giảm từ đỉnh 141 nghìn đồng/cổ phiếu xuống còn 134 nghìn đồng/cổ phiếu.
Tương tự, Tập đoàn Hòa Phát (HPG) vừa công bố kết quả kinh doanh ấn tượng trong quý 3/2024. Doanh thu đạt 34.000 tỷ đồng, tăng 19% so với cùng kỳ năm trước. Đáng chú ý, lợi nhuận sau thuế đạt 3.022 tỷ đồng, tăng mạnh 51% so với cùng kỳ. Lũy kế 9 tháng đầu năm, Hòa Phát ghi nhận doanh thu 105.000 tỷ đồng tương đương 4 tỷ USD, tăng 23% so với cùng kỳ 2023; Lợi nhuận sau thuế đạt 9,210 tỷ đồng, tăng 140% so với cùng kỳ năm trước và thực hiện 92% kế hoạch lợi nhuận năm. Trên thị trường chứng khoán, thị giá cũng quay xe lao đầu giảm trong suốt một tuần vừa qua.
Với nhóm bất động sản, ngoại trừ VHM nhờ câu chuyện mua cổ phiếu quỹ thì hầu hết đều cắm đầu chủ yếu do kết quả kinh doanh vẫn khó khăn, thua lỗ. Bất động sản Nam Long báo lỗ sau thuế cổ đông công ty mẹ 52 tỷ đồng, thị giá cổ phiếu giảm từ 42.000 đồng xuống còn 38.000 đồng/cổ phiếu.
Nhóm chứng khoán cũng gặp tình trạng tương tự khi lợi nhuận ra giá cổ phiếu đồng loạt giảm.
VÌ ĐÂU NÊN NỖI?
Nhận định về xu hướng này, ông Trần Hoàng Sơn – Giám đốc Chiến lược thị trường Công ty CP Chứng khoán VPBank cho biết trong giai đoạn vừa rồi, nhà đầu tư không cầm cổ phiếu ngân hàng thì hiệu quả thấp, thậm chí lỗ.
Trong mùa báo cáo tài chính đang diễn ra, rất nhiều cổ phiếu, đặc biệt là cổ phiếu bất động sản rất yếu. Thậm chí, có cổ phiếu bật tăng vài phiên song sau đó quay lại xu hướng lình xình. Mặc dù không có thông tin ảnh hưởng rõ ràng nhưng có những thông tin âm thầm khiến nhiều cổ phiếu bất động sản đang trong trend đi xuống. Ngược lại, nhiều doanh nghiệp đón nhận kết quả kinh doanh tốt như công nghệ hay thép, song cổ phiếu cũng tăng rất nhẹ.
Điều này có thể được lý giải bởi khẩu vị đầu tư có sự khác biệt, nhà đầu tư gần như dồn toàn bộ thanh khoản cho nhóm ngân hàng nên các nhóm các cổ phiếu khác không đón nhận dòng tiền. Hoặc là cổ phiếu đã tăng rất nóng trước đó, kết quả kinh doanh quý III tăng trưởng tích cực phần nào làm hợp lý hóa đà tăng nóng của cổ phiếu giai đoạn trước, FPT là một ví dụ.
Nhìn vào tương lai, yếu tố kết quả kinh doanh tốt sẽ củng cố đà tăng giá cổ phiếu trong trung và dài hạn. Một ví dụ điển hình là cổ phiếu HPG tạo đỉnh và đáy rất bám sát với kết quả kinh doanh.
Theo số liệu 207 doanh nghiệp đã công bố báo cáo tài chính thì lợi nhuận giảm khoảng 9,3% so với quý liền trước, nhóm chứng khoán có mức giảm 35,8% so với quý liền trước. Sự sụt giảm này là do diễn biến thị trường không quá thuận lợi, cho vay margin trong giai đoạn vừa rồi tăng nhưng lợi nhuận tự doanh kém đi. Một số doanh nghiệp ra kết quả kinh doanh đột biến nhưng cổ phiếu chỉ tăng 2 - 3%, điều đó cho thấy nhà đầu tư tương đối thận trọng với thông tin về kết quả kinh doanh.
Đối với ngân hàng, nếu có kết quả kinh doanh tốt thì có thể có nhịp tăng tiếp theo. Song, đến thời điểm hiện nay, nhóm ngân hàng cũng đã lên đến tiệm cận ngưỡng cản mạnh. Nhà đầu tư cân nhắc chốt lời nhóm này và chờ thị trường điều chỉnh để mua vào cho nhịp tăng mới.
Cũng theo ông Sơn, thị trường chứng khoán Việt Nam thì đang chịu sự chi phối của nhóm vốn hóa lớn gồm ngân hàng, bất động sản và tài chính chue yếu chứng khoán. Trong 3 nhóm này, nhóm VN30 vượt đỉnh phần lớn nhờ ngân hàng, còn lại bất động sản đi xuống trong khi midcap điều chỉnh và đi ngang.
Trong thời gian vừa qua, dòng tiền tập trung mạnh vào nhóm ngân hàng nhưng chỉ số vẫn chưa vượt qua vùng 1.300 điểm. Gần đây, nhóm ngân hàng bắt đầu chững lại khiến thị trường chậm lại một chút, và chúng ta có thể phải xây dựng kịch bản thận trọng hơn. "Bởi, theo dữ liệu của chúng tôi thì thanh khoản thị trường đã có dấu hiệu giảm sang tháng thứ 3 liên tiếp. Thị trường muốn vượt 1.300 điểm thì thanh khoản phải tăng và tăng rất mạnh, thường trung bình trên mốc 25.000 tỷ đồng, còn hiện tại đang khoảng 16.000 – 17.000 tỷ đồng", ông Sơn nhấn mạnh.
Thu Minh