Lợi nhuận quý 3/2024 của LPBank tăng gấp đôi so với cùng kỳ
Ngân hàng Thương mại Cổ phần Lộc Phát Việt Nam (LPBank - mã chứng khoán: LPB) vừa công bố báo cáo tài chính quý 3/2024 với thu nhập lãi thuần đạt hơn 3.777 tỷ đồng, tăng 43,5% so với cùng kỳ năm ngoái.
Bên cạnh đó, các khoản thu ngoài lãi hầu hết ghi nhận tăng trưởng ấn tượng. Trong đó, lãi từ hoạt động dịch vụ đạt 1.016 tỷ đồng, gấp 6,2 lần cùng kỳ quý 3/2023. Lãi từ hoạt động mua bán chứng khoán kinh doanh đạt 12,2 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm trước không ghi nhận khoản mục này.
Đồng thời, LPBank cũng ghi nhận khoản lãi từ hoạt động khác đạt 118,9 tỷ đồng, tương ứng tăng 6,3%.
Trong kỳ, chi phí hoạt động đạt 1.537 tỷ đồng, tăng 14,7%. Chi phí dự phòng rủi ro tín dụng cũng tăng 18,6% lên mức 631,8 tỷ đồng. Cùng với đó, chi phí hoạt động khác tăng gấp 4,7 lần lên hơn 62,7 tỷ đồng.
Kết quả, LPBank báo lãi trước thuế đạt 2.899 tỷ đồng và lãi sau thuế đạt 2.330 tỷ đồng trong quý 3/2024, lần lượt tăng 133,8% và 135% so với quý 3/2023.
Lũy kế 9 tháng năm 2024, LPBank mang về 10.887 tỷ đồng thu nhập lãi thuần, tăng 38,6% so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế cũng tăng 139,5% lên mức 7.051 tỷ đồng.
Đại diện LPBank cho biết, lợi nhuận 1úy 3 và lũy kế 9 tháng đầu năm 2024 tăng trưởng mạnh so với cùng kỳ được hỗ trợ từ việc đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng ngay từ những tháng đầu năm.
Bên cạnh đó, ngân hàng kiểm soát tốt chi phí với tỷ lệ CIR (chi phí hoạt động/tổng thu nhập thuần) ở mức 29%, giảm 7,7% so với cuối năm trước và giảm tới 16,4% so với cùng kỳ năm 2023.
Đồng thời nỗ lực đa dạng hóa nguồn thu, thúc đẩy bán chéo các sản phẩm dịch vụ như dịch vụ kinh doanh ngoại tệ, kiều hối, xuất nhập khẩu, chuyển tiền … với tỷ trọng thu từ nguồn phi tín dụng so với tổng thu nhập tăng đáng kể từ 13,98% lên 23,64%.
Tính đến cuối quý 3 năm nay, LPBank đã duy trì tỷ lệ an toàn vốn (CAR) vượt ngưỡng 13%, tiếp tục khẳng định vị thế trong nhóm các ngân hàng có tỷ lệ CAR cao so với mặt bằng chung của thị trường, đồng thời góp phần quan trọng vào việc đảm bảo an toàn và duy trì sự ổn định bền vững cho hoạt động của ngân hàng.
Tính đến hết tháng 9/2024, dư nợ cho vay khách hàng tăng 16,1% lên mức hơn 319.770 tỷ đồng. Tiền gửi của khách hàng cũng đạt 271.302 tỷ đồng, tăng 14,3% so với cuối năm 2023.
Tại thời điểm ngày 30/9/2024, tổng nợ xấu của LPBank ở mức 6.272 tỷ đồng, tăng 70,1% so với cùng kỳ. Về cơ cấu nợ xấu, nợ nhóm 3 (nợ dưới tiêu chuẩn) đạt mức hơn 1.380 tỷ đồng, tăng 69,9% so với cùng kỳ. Nợ nhóm 4 (nợ nghi ngờ) tăng 27,4% lên 2.174 tỷ đồng và nợ nhóm 5 (nợ có khả năng mất vốn) đạt 2.717 tỷ đồng, tăng 132,4% so với thời điểm cuối năm 2023.
Một thông tin đáng chú ý khác liên quan đến ngân hàng này, ngày 15/11 tới đây, LPBank sẽ tổ chức Đại hội đồng cổ đông bất thường năm 2024 nhằm thông qua phương án trả cổ tức bằng cổ phiếu, bầu bổ sung thành viên Hội đồng quản trị nhiệm kỳ IV (2023 - 2028) và mua tối đa 5% vốn của Công ty Cổ phần FPT (mã chứng khoán: FPT).
Cụ thể, LPBank có kế hoạch bầu thêm hai thành viên độc lập Hội đồng quản trị là bà Vương Thị Huyền và ông Yew Teong Soon Alan. Sau khi bổ sung hai ứng viên trên, số thành viên Hội đồng quản trị của LPBank sẽ lên con số 9 người, trong đó 3 thành viên độc lập.
Về kế hoạch mua tối đa 5% vốn cổ phần FPT, LPBank cho biết việc ngân hàng này đầu tư vào cổ phiếu niêm yết sẽ giúp LPBank đa dạng hóa kênh đầu tư và tối ưu hóa vốn góp của cổ đông.
Theo đánh giá của LPBank, Công ty Cổ phần FPT là công ty công nghệ hàng đầu Việt Nam, có nền tảng kinh doanh vững vàng với tốc độ tăng trưởng cao được duy trì trong thời gian dài. Công ty Cổ phần FPT ngày càng dịch chuyển cao hơn trên chuỗi giá trị công nghệ nhờ tập trung vào AI, Cloud, Big Data và những lĩnh vực chuyên ngành nhiều tiềm năng phát triển.
Bên cạnh đó, cổ phiếu FPT là một trong số ít cổ phiếu duy trì đà tăng giá ổn định các năm, chi trả cổ tức đều đặn. Hiện nay, cổ phiếu FPT đang có thanh khoản tốt, thuộc danh mục thành phần chỉ số VN30, đại diện cho những cổ phiếu hàng đầu, có sức hút lớn với các nhà đầu tư nước ngoài trong trung hạn và dài hạn.
Trên thị trường chứng khoán, trong phiên giao dịch ngày 18/10, cổ phiếu LPB đang giao dịch quanh mức 32.350 đồng/cổ phiếu. Tính từ đầu năm đến nay, thị giá cổ phiếu LPB đã tăng gấp đôi. Tính riêng quý 3 vừa qua, thị giá cổ phiếu LPB đã tăng 15,6%. Theo đó, vốn hóa của ngân hàng trên thị trường cũng tăng lên mức 82.738 tỷ đồng.
BSC Research đánh giá, cổ phiếu LPB có khả năng "soán ngôi" cổ phiếu POW của PV Power để gia nhập rổ chỉ số VN30. Tính đến ngày 30/9, cổ phiếu LPB đã đáp ứng đủ tiêu chí để tham gia VN30 khi LPBank lọt vào top 20 về vốn hóa thị trường.
Thời điểm chốt số liệu cho kỳ đánh giá tháng 1/2025 của bộ chỉ số VN30 sẽ là ngày 31/12/2024. “Nếu cổ phiếu LPB tiếp tục duy trì mức vốn hóa cao như hiện tại trong hơn 60 phiên giao dịch của quý 4/2024, khả năng cao cổ phiếu này sẽ được đưa vào rổ VN30”, BSC Research nhận định.
Hiền Dương