Lợi nhuận ngân hàng được thúc đẩy bởi sự phục hồi mạnh mẽ của tín dụng
Nhiều trợ lực cho lợi nhuận ngân hàng
Kết thúc quý III/2024, bức tranh ngành ngân hàng dần hiện ra với tổng lợi nhuận các nhà băng đã tăng khoảng 4,9% so với cùng kỳ, đạt khoảng gần 218.350 tỷ đồng.
Trong tổng số 28 ngân hàng, có 22 ngân hàng ghi nhận lợi nhuận tăng trưởng dương. Trong đó, ngân hàng có mức tăng trưởng lợi nhuận trước thuế nhiều nhất là BVBank với mức tăng 198% so với cùng kỳ lên 182 tỷ đồng. Tiếp đó là LPBank với khoản lãi 8.818 tỷ đồng, tăng 139% so với cùng kỳ.
Ngược lại, 6 ngân hàng ghi nhận lợi nhuận đi lùi là VIB, MSB, OCB, PGBank, ABBank và Saigonbank. Trong đó, lợi nhuận của ABBank giảm 66% so với cùng kỳ xuống còn 239 tỷ đồng.
Nhờ đà tăng mạnh lợi nhuận, kỳ này, LPBank đã góp mặt trong top 10 ngân hàng quý này. Vietcombank tiếp tục duy trì vị trí độc tôn đầu bảng với khoản lãi trước thuế đạt 20.835 tỷ đồng, tăng 7% so với cùng kỳ năm trước.
Dù còn cách một khoảng khá lớn so với Vietcombank, Techcombank đã vượt qua các ông lớn còn lại trong nhóm quốc doanh để vươn lên vị trí thứ hai trong bảng xếp hạng với lợi nhuận sau trước thuế tăng 33% so với cùng kỳ lên 22.842 tỷ đồng.
BIDV xếp thứ 3 với khoản lãi trước thuế sát nút Techcombank là 22.047 tỷ đồng, tăng 12% so với cùng kỳ.
Đứng thứ 4 trong bảng xếp hạng tiếp tục là một ngân hàng tư nhân. Cụ thể, MB kết thúc 9 tháng đầu năm 2024 với khoản lợi nhuận 20.736 tỷ đồng, tăng 4% so với cùng kỳ. VietinBank đứng vị trí thứ 6 với lợi nhuận trước thuế tăng 12% so với cùng kỳ lên 19.513 tỷ đồng.
Những vị trí còn lại trong top 10 lợi nhuận lần lượt thuộc về ACB (15.335 tỷ đồng), VPBank (13.861 tỷ đồng), HDBank (12.655 tỷ đồng), SHB (9.048 tỷ đồng) và LPBank (8.818 tỷ đồng).
Nói về động lực tăng trưởng lợi nhuận của các ngân hàng trong quý III/2024, ông Lê Hoài Ân, Founder IFSS, Giảng viên Đại học Ngân hàng Tp.HCM nhận định, lợi nhuận được thúc đẩy bởi sự phục hồi mạnh mẽ của tín dụng.
Trong bối cảnh nền kinh tế dần hồi phục, nhu cầu vay vốn của doanh nghiệp và cá nhân tăng cao, đặc biệt ở các lĩnh vực sản xuất và tiêu dùng. Nhiều ngân hàng ghi nhận tăng trưởng tín dụng vượt 10% so với cùng kỳ, tạo động lực lớn cho lợi nhuận từ hoạt động cho vay.
Thêm vào đó, tỉ lệ trích lập dự phòng thấp hơn so với tốc độ tăng trưởng tín dụng đã giúp giảm áp lực chi phí và cải thiện lợi nhuận ròng. Điều này cho thấy các ngân hàng đã quản lý rủi ro tín dụng tốt hơn, đồng thời tận dụng cơ hội từ tăng trưởng tín dụng để cải thiện hiệu quả tài chính.
Cuối cùng, quản trị chi phí hiệu quả cũng là yếu tố quan trọng. Một số ngân hàng có tỉ lệ chi phí hoạt động trên thu nhập (CIR) giảm đáng kể nhờ đầu tư vào công nghệ và tối ưu hóa quy trình hoạt động. Điều này không chỉ giúp nâng cao hiệu quả mà còn tạo điều kiện để các ngân hàng duy trì đà tăng trưởng lợi nhuận bền vững.
Còn theo PGS.TS Phạm Mạnh Hùng - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu khoa học Ngân hàng, Học viện Ngân hàng, có 2 nguyên nhân quan trọng tác động đến đà tăng của lợi nhuận ngân hàng. Thứ nhất, chi phí lãi giảm do so với quý III/2023, lãi suất huy động tại các ngân hàng đã giảm đáng kể .
Thứ hai, tăng trưởng tín dụng mạnh mẽ ngay từ những tháng đầu năm 2024. Đến cuối tháng 9, dư nợ tín dụng đã tăng trưởng 9% so với đầu năm và 16% so với cùng kỳ năm trước. Con số tăng trưởng so với cùng kỳ còn lớn hơn cả mục tiêu tăng trưởng của năm.
Lợi nhuận ngân hàng sẽ đối mặt với nhiều thách thức hơn trong năm 2025
Dự báo về lợi nhuận trong thời gian tới, ông Hùng cho rằng, trên nền tốt của quý III/2024, các ngân hàng có thể đạt được mục tiêu lợi nhuận cho cả năm 2024 như đã đặt ra từ đầu năm.
Ngành Ngân hàng sẽ tiếp tục duy trì xu hướng tăng trưởng trong giai đoạn cuối năm 2024 và kéo dài sang năm 2025.
Trong bối cảnh nhiều biến động như lãi suất, tỉ giá, quy định bảo hiểm, cùng với sự bất ổn của thị trường bất động sản và trái phiếu doanh nghiệp, lợi nhuận của ngành ngân hàng ngày càng phụ thuộc nhiều vào hoạt động tín dụng. Lãi suất được duy trì ở mức thấp cũng sẽ hỗ trợ cho lợi nhuận của ngân hàng tuy nhiên không lớn như năm 2023-2024.
Đồng quan điểm với ông Hùng, ông Ân dự báo lợi nhuận ngân hàng trong quý IV/2024 dự kiến sẽ tiếp tục duy trì đà tăng trưởng tốt nhờ vào tăng trưởng tín dụng ổn định.
Nhu cầu vốn tăng cao trong dịp cuối năm, đặc biệt từ các doanh nghiệp, sẽ giúp các ngân hàng tăng doanh thu từ lãi. Đồng thời, nợ xấu có thể được cải thiện khi các biện pháp cơ cấu nợ tiếp tục phát huy hiệu quả, giúp giảm áp lực chi phí trích lập dự phòng.
Năm 2025, triển vọng lợi nhuận sẽ đối mặt với nhiều thách thức hơn. Thị trường bất động sản là yếu tố quan trọng cần theo dõi. Dù đã có những dấu hiệu tích cực như các dự án được tháo gỡ, sức cầu vẫn là một vấn đề lớn. Nếu thị trường bất động sản không phục hồi mạnh mẽ, rủi ro tín dụng sẽ gia tăng, ảnh hưởng trực tiếp đến lợi nhuận.
Ngoài ra, lợi nhuận còn phụ thuộc vào chính sách tiền tệ của NHNN và các yếu tố kinh tế vĩ mô khác như lạm phát, tỉ giá và biến động thị trường quốc tế.
Để duy trì và tăng trưởng lợi nhuận, ông Ân khuyến nghị các ngân hàng cần tập trung vào kiểm soát chất lượng cho vay, đặc biệt trong bối cảnh kinh tế trong nước còn nhiều bất ổn. Việc thẩm định kỹ càng và theo dõi sát sao các khoản vay sẽ giúp giảm thiểu rủi ro nợ xấu, từ đó ổn định nguồn thu từ hoạt động tín dụng.
Thứ hai, đẩy nhanh tiến trình số hóa và ứng dụng AI. Đây là chìa khóa giúp các ngân hàng tối ưu hóa hoạt động, nâng cao trải nghiệm khách hàng và tiết kiệm chi phí.
Các công nghệ này không chỉ giúp tự động hóa quy trình mà còn cung cấp các công cụ phân tích dữ liệu mạnh mẽ để hỗ trợ quản lý rủi ro và ra quyết định tài chính nhanh chóng.
Ngoài ra, các ngân hàng cần đa dạng hóa nguồn thu, không chỉ dựa vào tín dụng mà còn phát triển các sản phẩm tài chính mới như quản lý tài sản, bảo hiểm, và dịch vụ tư vấn đầu tư. Điều này giúp giảm sự phụ thuộc vào một nguồn thu duy nhất, tạo sự ổn định cho lợi nhuận trong dài hạn.
Nguyễn Thị Thu Hương