1. Tài chính

'Lợi ích sát sườn' trong chuyện M&A của Tập đoàn Thành Công

'Lợi ích sát sườn' trong chuyện M&A của Tập đoàn Thành Công

Tiền nhiều để làm gì?

Bên cạnh Tasco (xem thêm: 'Sóng thần' HUT và thương vụ đình đám tại Tasco), một trong những câu chuyện M&A nội địa nổi bật nhất trong vài năm qua thuộc về Tập đoàn Thành Công. Khác với Tasco khi động lực M&A đến từ việc thâm nhập thị trường mới (thu phí không dừng - ETC) với thị phần chi phối, từ đó cố gắng tạo ra sức mạnh tổng hợp (synergy) bằng cách sáp nhập SVC Holdings nhưng giá trị cộng hưởng còn khá mơ hồ và mang nhiều tính giả định, thì việc Tập đoàn Thành Công lấn sân sang mảng tài chính lại đến từ lợi ích sát sườn.

Trong cả chục năm nay, Tập đoàn Thành Công nổi lên như là một trong những doanh nghiệp kinh doanh thành công nhất Việt Nam. Năm 2022, tập đoàn này cho biết đã bán ra thị trường hơn 81.500 ô tô Hyundai các loại, tăng 15,6% so với năm 2021 và tăng nhẹ so với năm 2020. Lượng xe bán ra của Tập đoàn Thành Công chiếm khoảng 16% doanh số toàn thị trường ô tô Việt Nam trong năm ngoái. Theo tiết lộ từ phía Tập đoàn Thành Công, doanh thu năm 2022 của tập đoàn lên đến 118.000 tỷ đồng và đóng góp 22.000 tỷ đồng cho ngân sách nhà nước.

Trước đó, vào năm 2019, với doanh thu bán xe khoảng trên 40.000 tỷ đồng, mức lợi nhuận mà Tập đoàn Thành Công thu về đã lên đến trên 4.000 tỷ đồng. Điều này phần nào cho thấy mức độ “nhiều tiền” của tập đoàn thuộc sở hữu của doanh nhân Nguyễn Anh Tuấn.

Nhiều tiền nên tập đoàn này liên tục mở rộng đầu tư trong lĩnh vực cốt lõi là kinh doanh xe ô tô. Sau khi khánh thành nhà máy Hyundai Thành Công Việt Nam số 2 (HTMV2) tại tỉnh Ninh Bình vào tháng 11/2022 với tổng mức đầu tư hơn 3.200 tỷ đồng, Tập đoàn Thành Công tiếp tục xây dựng nhà máy ô tô Thành Công - Việt Hưng tại Quảng Ninh với tổng mức đầu tư lên đến hơn 8.600 tỷ đồng. Nhà máy tại Quảng Ninh sẽ là nơi sản xuất, lắp ráp các mẫu xe mang thương hiệu Škoda.

Với các doanh nghiệp “nhiều tiền”, ngoài việc tái đầu tư vào hoạt động kinh doanh cốt lõi, đa phần còn có 2 nhu cầu khác. Một là đầu tư ra ngoài ngành. Hai là “buôn tiền”. Đặc biệt, “buôn tiền” không chỉ là nhu cầu của doanh nghiệp mà còn là nhu cầu của giới chủ doanh nghiệp. Cách thức “buôn tiền” rất đa dạng, có thể là đầu tư tài chính (gửi tiền ngân hàng, đầu tư trái phiếu, đầu tư cổ phiếu) hay cho vay (thông qua các nghiệp vụ repo, cho vay trực tiếp…). Giới chủ doanh nghiệp thậm chí còn lập ra các công ty quản lý tài sản riêng như family office mà một trong những nhiệm vụ chính là “buôn tiền”.

Bên cạnh nhu cầu “buôn tiền”, nhu cầu đầu tư ra ngoài ngành, nhất là thực hiện các thương vụ M&A, cũng khiến các doanh nghiệp “nhiều tiền” khao khát sở hữu các định chế tài chính.

Việc Tập đoàn Thành Công lấn sân sang mảng tài chính bằng việc đưa Công ty Chứng khoán DSC vào hệ sinh thái, dù nhìn ở góc độ nào đối với một doanh nghiệp “nhiều tiền”, cũng là bước đi hợp lý.

Thành Công hiện đặt mục tiêu trở thành tập đoàn đầu tư – thương mại – công nghiệp hàng đầu Việt Nam với 3 trụ cột chính. Thứ nhất là công nghiệp ô tô với đầu tàu là TC Motor. Thứ hai là bất động sản với đầu tàu là TC Land, hiện cũng đang là công ty quản lý ngành nhằm hệ thống hóa các công ty con trong mảng đầu tư, xây dựng, xây lắp, vốn đã được thành lập từ những ngày đầu của tập đoàn này. Thứ ba là dịch vụ với thương hiệu TC Services, bao gồm dịch vụ nghỉ dưỡng với thương hiệu The Five (như The Five Residences, The Five Villas & Resorts…) và dịch vụ chứng khoán với thương hiệu DSC.

Tham vọng lớn hơn

Theo kế hoạch, ngày 23/10/2023, The Five Villas & Resort Ninh Bình (xã Yên Thắng, huyện Yên Mô, tỉnh Ninh Bình) của Tập đoàn Thành Công sẽ đón đông đảo các nhà đầu tư tham gia đại hội đồng cổ đông thường niên của Ngân hàng TMCP Xăng dầu Petrolimex (PG Bank). Tại đây, cổ đông PGBank sẽ kiện toàn nhân sự HĐQT, ban kiểm soát, thay đổi tên thương mại và địa điểm đặt trụ sở chính của ngân hàng, cũng như phương án cơ cấu lại gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021 – 2025. Một nội dung đáng chú ý khác sẽ được thảo luận tại đại hội lần này là việc tăng vốn điều lệ.

Trước thềm đại hội, Công ty TNHH Xuất nhập khẩu và Phát triển thương mại Gia Linh, Công ty Cổ phần Quốc tế Cường Phát và Công ty Cổ phần Thương mại Vũ Anh Đức đã hoàn tất mua vào cổ phiếu PG Bank và trở thành cổ đông lớn với tổng tỷ lệ sở hữu khoảng 40%. Cả 3 pháp nhân này đều có những mối liên quan nhất định tới Tập đoàn Thành Công.

Trước khi hiện thực hóa tham vọng lấn sấn mảng ngân hàng, Tập đoàn Thành Công cũng từng có động thái muốn “kết duyên” với Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) nhưng rốt cuộc không đi đến “hôn nhân”, trong bối cảnh nội bộ cổ đông của ngân hàng này quá rối ren.

Khác với các loại hình công ty mục tiêu khác, ngân hàng là loại hình công ty mục tiêu mà có lẽ bất kỳ doanh nghiệp nào thực hiện M&A cũng có thể nhận thấy ngay giá trị cộng hưởng, đặc biệt là doanh nghiệp lớn. Ngoài các lợi ích trực tiếp, nói không ngoa, việc có sự xuất hiện của ngân hàng giúp nâng tầm hệ sinh thái doanh nghiệp, cũng là nâng cao vị thế trên thương trường của giới chủ doanh nghiệp. Chính vì thế mà rất nhiều doanh nghiệp lớn khát khao có được ngân hàng trong hệ sinh thái của mình.

Tuy nhiên, không phải vì thế mà lúc nào sự kết hợp này cũng là “1+1>2” mà trong nhiều trường hợp còn là “1+1<2”. Việc M&A thất bại không phải là hiếm, thậm chí số lượng thương vụ M&A thất bại còn lớn hơn cả thành công theo nhiều thống kê nước ngoài. Ngay trong ngành ngân hàng Việt Nam, các thương vụ sáp nhập các ngân hàng yếu kém trước đây cũng để lại không ít “sẹo” đối với các ngân hàng nhận sáp nhập.

Nợ xấu thường là vấn đề lớn nhất đối với các ngân hàng là mục tiêu sáp nhập, bởi rất hiếm có ai đó bán đi một ngân hàng có tài chính thực sự khỏe mạnh. Trên thực tế, ngay cả với các thương vụ M&A ngoài ngân hàng vẫn xảy ra tình trạng “trong chán ngoài thèm”, nhiều vấn đề lớn mà chủ mới vào tiếp nhận rồi mới thực sự nhận ra. Bên cạnh đó, các xung đột trong quản trị, văn hóa, nhân sự cũng có thể khiến sự kết hợp sau M&A kém hiệu quả. Ngoài ra, ngay chính bản thân hệ sinh thái doanh nghiệp - ngân hàng cũng không có nhân sự “đủ tâm, đủ tầm” để dẫn dắt quá trình tái cơ cấu sau M&A.

Dù vậy, đôi khi ngay cả khi thương vụ M&A được cho là thất bại, không có gì đảm bảo nếu không thực hiện bước đi như vậy, doanh nghiệp sẽ thành công hơn, thậm chí có thể vướng phải sai lầm nghiêm trọng hơn nhiều.

Với thương vụ PG Bank, thành công sẽ phụ thuộc vào sức khỏe tài chính thực sự hiện nay của ngân hàng này, cũng như khả năng quản trị hậu M&A, đặc biệt quan trọng trong đó là đội ngũ nhân sự dẫn dắt tiến trình tái cơ cấu.

Thanh Long

Tin khác