Lo ngại lạm phát tăng và chu kỳ cắt giảm lãi suất chậm lại
Áp thuế nhập khẩu
Với sự ủng hộ của đa số Thượng viện Hoa Kỳ do đảng Cộng hòa kiểm soát, chiến thắng lịch sử của Donald Trump đã đưa ông vào vị thế mạnh mẽ để thực hiện chương trình kinh tế có phần táo bạo của mình. Thị trường chứng khoán Mỹ đã mở cửa ngày 6/11 với mức tăng mạnh nhờ chiến thắng quyết định của ông Trump. Lợi suất trái phiếu kho bạc cũng đã tăng vọt, trong khi đồng USD tăng giá so với các đồng tiền lớn khác, một phần do các nhà giao dịch dự đoán lạm phát sẽ tăng cao hơn và do đó sẽ ít có các đợt cắt giảm lãi suất từ Cục Dự trữ Liên bang (Fed) hơn.
Các chính sách kinh tế được ông Trump đề xuất - bao gồm trục xuất người nhập cư, áp thuế trên diện rộng và tăng cường ảnh hưởng chính trị lên Fed - nếu được thực hiện đầy đủ sẽ “có khả năng dẫn đến sụt giảm đáng kể” trong sản lượng kinh tế của Hoa Kỳ và “gia tăng lạm phát lớn”, theo giáo sư kinh tế Antonio Fatás tại INSEAD, một trường kinh doanh có trụ sở tại Pháp.
Susannah Streeter, Trưởng bộ phận tiền tệ và thị trường tại nền tảng đầu tư Hargreaves Lansdown, cũng có ý kiến tương tự. “Đồng USD mạnh hơn phản ánh kỳ vọng rằng ông Trump sẽ cắt giảm thuế (ý nói thuế trong nước), tăng thuế nhập khẩu và siết chặt chính sách nhập cư…, tất cả đều gây ra lạm phát và có thể dẫn đến lãi suất cao hơn trong những năm tới”, bà Susannah viết trong một báo cáo mới đây. "Các nhà đầu tư đang chuẩn bị cho các mức thuế quan… điều này sẽ đẩy giá hàng hóa nhập khẩu lên", chuyên gia này cho biết và bổ sung, lời hứa của ông Trump về việc trục xuất người nhập cư với quy mô lớn có thể cũng có những tác động kinh tế, tiềm ẩn nguy cơ đẩy lương công nhân lên cao hơn.
Trong chiến dịch vận động tranh cử trước đó, ông Trump đã đề xuất mức thuế từ 10-20% đối với tất cả hàng hóa nhập khẩu - tăng mạnh so với mức trung bình hiện tại là 2% hoặc trong nhiều trường hợp là 0%. Đối với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc, ông còn đề xuất mức thuế cao hơn, ít nhất là 60%. Thêm vào đó, ông đã đề cập đến mức thuế 100% hoặc 200% đối với xe hơi sản xuất tại Mexico hoặc các sản phẩm của các công ty đã chuyển sản xuất từ Hoa Kỳ sang Mexico. Thuế quan đối với hàng nhập khẩu ảnh hưởng đến người tiêu dùng cũng như các doanh nghiệp phụ thuộc vào nguyên liệu thô và các loại hàng hóa trung gian nhập khẩu cần thiết để sản xuất sản phẩm hoàn chỉnh.
“Chúng tôi hiện chỉ dự báo một lần cắt giảm lãi suất của Fed vào năm 2025, với chính sách tiền tệ sẽ giữ nguyên cho đến khi cú sốc lạm phát từ thuế quan qua đi”, các nhà phân tích của Nomura viết trong một báo cáo gần nhất.
Áp lực lạm phát có thể tăng trở lại trên toàn cầu
Sự “đau đớn” từ thuế quan của ông Trump sẽ lan tỏa ra ngoài biên giới Hoa Kỳ. Nếu các đối tác thương mại của Hoa Kỳ đáp trả bằng các biện pháp thuế quan riêng đối với hàng nhập khẩu từ Hoa Kỳ, “lạm phát toàn cầu sẽ tăng đáng kể, trong khi sự suy giảm thương mại thế giới sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến tăng trưởng kinh tế”, theo nhận định của ông Philip Shaw, Kinh tế trưởng tại Investec, và nhà kinh tế học Ellie Henderson.
Đồng USD mạnh hơn cũng có thể tạo áp lực tăng lạm phát trên toàn cầu. “Khi đồng USD tăng, các quốc gia nhập khẩu hàng hóa được định giá bằng USD cũng có thể chứng kiến giá cả tăng lên, điều mà các công ty có thể sẽ phải gánh chịu hoặc chuyển sang khách hàng”, bà Susannah cho biết. Mặt khác, ở các quốc gia có mức thuế thấp hơn so với Mỹ, tốc độ lạm phát có thể chậm lại (giảm tốc độ lạm phát) nếu hàng hóa dư thừa từ Trung Quốc tràn vào (khiến giá cả không tăng nhanh như trước hoặc có thể còn giảm nhẹ do cung hàng hóa tăng), theo ông Anthony Kettle, nhà quản lý danh mục thị trường mới nổi cao cấp tại RBC Global Asset Management.
Theo BMI, một công ty nghiên cứu thị trường thuộc Fitch Solutions, Mexico và Canada có thể nằm trong “tầm ngắm trực tiếp” khi nói đến thuế quan vì các nền kinh tế này phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu sang Hoa Kỳ. “Chúng tôi cũng tin rằng, ông Trump có thể quyết định áp mức thuế cao hơn đối với các nền kinh tế có thặng dư thương mại lớn với Hoa Kỳ. Mexico có thặng dư thương mại lớn với Mỹ, cùng với các quốc gia khác như Trung Quốc, Nhật Bản, Đức và Hàn Quốc, có thể chịu thêm áp lực để tăng cường nhu cầu (nhập khẩu) đối với hàng hóa của Hoa Kỳ”, các nhà phân tích của BMI viết trong một báo cáo vào thứ Tư. BMI cũng dự báo, nếu mức thuế 60% đối với hàng hóa Trung Quốc được áp dụng sẽ làm giảm tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc từ 0,5 - 0,8% trong hai năm tới.
Đối với các nhà xuất khẩu Đức, Hoa Kỳ là thị trường lớn nhất ngoài Liên minh châu Âu nên cũng được dự đoán “tổn thất nặng nề” nếu Trump áp đặt mức thuế 20% đối với tất cả các đối tác thương mại, theo cảnh báo từ Viện nghiên cứu kinh tế Ifo có trụ sở tại Munich vào thứ Tư. Viện này ước tính, xuất khẩu của Đức sang Hoa Kỳ có thể giảm khoảng 15% do kết quả của điều này. "Chính sách kinh tế của Donald Trump sẽ gây ra những vấn đề lớn đối với Đức và Liên minh châu Âu", viện Ifo nhận định.
Hồng Quân