1. Chứng khoán

Lỗ lũy kế hơn 277 tỷ đồng, lãnh đạo Angimex (AGM) nói công ty vẫn có thể tiếp tục hoạt động

Công ty cổ phần Xuất Nhập Khẩu An Giang (Angimex, mã ck: AGM) mới đây đã có văn bản số 461/CV-XNK ngày 15/11/2024 gửi Sở Giao dịch Chứng khoán TP. Hồ Chí Minh (HOSE) giải trình về tình hình khắc phục tình trạng cổ phiếu bị cảnh báo và kiểm soát.

Cổ phiếu AGM bị HOSE đưa vào diện bị kiểm soát và cảnh báo. Cụ thể, cổ phiếu AGM bị đưa vào diện kiểm soát từ ngày 5/4/2024 do lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ trên báo cáo tài chính kiểm toán trong 2 năm gần nhất (2022, 2023) là số âm; từ ngày 9/8/2024 do vốn chủ sở hữu âm tính trên báo cáo tài chính hợp nhất kỳ gần nhất trừ báo cáo tài chính kiểm toán năm; từ ngày 10/9/2024 do lỗ lũy kế vượt quá vốn điều lệ thực góp tại báo cáo tài chính hợp nhất bán niên soát xét năm 2024.

Cổ phiếu bị đưa vào diện cảnh báo từ ngày 5/4/2024 do tổ chức kiểm toán có ý kiến ngoại trừ đối với Báo cáo tài chính năm 2023 được kiểm toán.

Theo thông tin từ Angimex, Công ty khắc phục tình trạng cổ phiếu bị kiểm soát bằng các giải pháp như: sắp xếp tổ chức bộ máy nhân sự tinh gọn trên cơ sở vẫn bảo đảm hoạt động hiệu quả; tăng cường đôn đốc thu hồi những khoản nợ khó đòi, thanh lý tài sản để cơ cấu dần các khoản nợ, đồng thời đã và đang tiếp tục thực hiện thoái vốn tại một số công ty con.

Cùng với đó, Angimex tiếp tục thực hiện tái cơ cấu hoạt động kinh doanh, ví như tăng cường bán hàng, tiết giảm chi phí và sử dụng chi phí một cách hợp lý trong quá trình sản xuất kinh doanh, tối ưu việc dự trữ hàng tồn kho… Tuy nhiên, do kết quả kinh doanh những năm qua không thuận lợi nên Angimex rất khó khăn trong việc huy động được nguồn vốn vay nên sản lượng kinh doanh không nhiều.

Ngoài việc huy động vốn từ các tổ chức tín dụng, các cá nhân có năng lực cho vay, Công ty cũng tính đến việc huy động vốn qua việc phát hành cổ phiếu riêng lẻ cho nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp, tuy nhiên hiện tại kế hoạch này chưa thực hiện được.

Về tình hình khắc phục tình trạng cổ phiếu bị cảnh báo, Angimex vẫn chưa liên hệ được với khách hàng để gửi hồ sơ đối chiếu công nợ, thực hiện xác nhận số dư cho báo cáo tài chính bán niên soát xét năm 2024. Do đó, các khoản công nợ này buộc phải trích lập dự phòng nợ phải thu khó đòi 100%.

Trước nghi ngờ về khả năng hoạt động liên tục, lãnh đạo Angimex khẳng định nhóm công ty vẫn có thể tiếp tục hoạt động liên tục. Để bổ sung nguồn vốn lưu động duy trì hoạt động, Công ty đã thoái một phần vốn đầu tư vào công ty con, công ty liên doanh liên kết và đang trong quá trình thanh lý một số tài sản cũng như tiếp tục thoái vốn đầu tư, đồng thời huy động vốn từ các tổ chức, cá nhân khác.

Về tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh, theo báo cáo tài chính quý III/2024, Angimex đạt doanh thu thuần 58,9 tỷ đồng, giảm 73% so với quý III/2023.

Đáng chú ý, giá vốn bán hàng lên tới 60,1 tỷ đồng khiến lợi nhuận gộp âm hơn 1,2 tỷ đồng. Dù chi phí tài chính và chi phí bán hàng giảm mạnh, nhưng lợi nhuận thuần của Angimex báo âm 13,3 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ là âm 10 tỷ đồng.

Kết quả là, AGM báo lỗ sau thuế 13,2 tỷ đồng, giảm mạnh so với khoản lãi 1,2 tỷ đồng.

Việc lợi nhuận sau thuế của quý III/2024 giảm mạnh kéo theo lũy kế 9 tháng đầu năm 2024 của AGM âm 111,5 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, trong khi đó con số cùng kỳ âm 51 tỷ đồng. Qua đó đẩy lỗ lũy kế của Angimex tại ngày 30/9/2024 lên hơn 277 tỷ đồng, vượt vốn điều lệ thực góp là 182 tỷ đồng.

Tính đến ngày 30/9/2024, Angimex ghi nhận tổng nguồn vốn hơn 1.154 tỷ đồng, trong đó vốn chủ sở hữu được xác nhận là âm 95,5 tỷ đồng. Công ty ghi nhận khoản nợ phải trả đạt 1.250 tỷ đồng, trong đó chiếm tới hơn 90% là nợ ngắn hạn với 1.229 tỷ đồng.

An An

Tin khác