Lăng kính chứng khoán 14/10: Chờ đợi cú hích từ kết quả kinh doanh quý III
Thị trường chứng khoán trải qua tuần hồi phục tích cực khi có thời điểm vượt ngưỡng 1.290 điểm. Mùa báo cáo kết quả kinh doanh quý III sắp tới sẽ phần nào trả lời cho nhà đầu tư về những lo ngại gần đây xung quanh ảnh hưởng của siêu bão Yagi đến tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
Với thị trường nước ngoài, nhà đầu tư cũng hướng sự chú ý tới những diễn biến mới của nền kinh tế Mỹ cũng như cuộc họp chính sách của Ủy ban thị trường mở FOMC vào đầu tháng 11.
Hiện thị trường vẫn tin vào khả năng Fed sẽ tiếp tục cắt giảm 0,25 điểm % lãi suất điều hành trong cuộc họp sắp tới. Hơn thế nữa, sự kiện bầu cử Tổng thống Mỹ vào tháng 11 tới cũng sẽ những tác động nhất định tới thị trường tài chính toàn cầu.
Tuần qua, một số mã gây chú ý như FPT lập đỉnh lần thứ 35 trong năm và cũng là mức giá cao nhất kể từ khi niêm yết 18 năm vào phiên ngày 10/10. Bộ ba cổ phiếu họ Vingroup cũng khởi sắc và là bệ đỡ cho thị trường vào phiên cuối tuần.
Trong khi đó, mã HPG lại "đỏ" khi đón loạt tin vui như sẽ chạy thử nóng lò cán đầu tiên (Dự án Dung Quất 2) vào cuối năm 2024, kết quả kinh doanh sơ bộ tích cực, giá thép tiếp tục phục hồi trong thời gian tới.
Các nhân tố chính hỗ trợ thị trường là VHM tăng 5,1%, MSN tăng 7,3% và FPT tăng 4,1%. Ngược lại, VCB giảm 0,9%, MWG giảm 2,9% và VNM giảm 1,2% là các mã gây áp lực lên chỉ số.
Kết tuần, VN-Index tăng 17,8 điểm so với tuần trước, tương ứng 1,4% lên mức 1.288,4 điểm, HNX-Index giảm 0,56% xuống 231,37 điểm và UPCoM-Index tăng 0,2% lên mức 92,6 điểm.
Thanh khoản trung bình tuần này lại giảm 17,9% xuống 15.230 tỷ đồng/phiên. Khối ngoại bán ròng 664,1 tỷ đồng trên cả 3 sàn trong tuần, trong đó bán ròng 303,8 tỷ đồng trên HoSE, bán ròng 287,8 tỷ đồng trên HNX và bán ròng 72,5 tỷ đồng trên UPCoM.
Đánh giá về diễn biến tuần qua, ông Nguyễn Anh Khoa - Trưởng phòng Nghiên cứu CTCK Agriseco cho rằng, dòng tiền vẫn liên tục xoay vòng giữa các nhóm ngành hút thanh khoản như ngân hàng, chứng khoán, thép, áp lực bán có dấu hiệu gia tăng vào các phiên cuối tuần khi Vn-Index tiến sát vùng kháng cự nhạy cảm 1.295 - 1.300 điểm.
Tuy nhiên, với quy mô thanh khoản của thị trường đang có dấu hiệu cải thiện trong thời gian gần đây cùng nền kinh tế vĩ mô thế giới và trong nước tích cực, thì xu hướng tăng điểm của thị trường vẫn được bảo toàn, nhưng trạng thái giằng co vẫn có thể tiếp diễn trong các phiên đầu tuần, đặc biệt khi chỉ số đang tiến gần hơn tới vùng kháng cự tâm lý 1.300 điểm.
Với trạng thái thị trường được dự báo sẽ giằng co trong ngắn hạn khi tiệm cận vùng kháng cự 1.300 điểm trong tuần giao dịch tới, ông Khoa khuyến nghị nhà đầu tư không nên vội vàng mở vị thế trading tại các nhịp tăng điểm sớm của thị trường, xu hướng tăng vẫn đang được bảo toàn, nhà đầu tư có thể tiếp tục nắm giữ cổ phiếu với tỷ trọng phù hợp.
Trong kịch bản VN-Index quay trở lại các ngưỡng hỗ trợ sâu hơn quanh khu vực 1.265 điểm để kiểm định lại cực cầu, nhà đầu tư năng động có thể cân nhắc mở vị thế trading ngắn hạn đối với các mã cổ phiếu thu hút dòng tiền trong thời gian gần đây như ngân hàng, chứng khoán, thép hoặc các nhóm cổ phiếu được dự báo có tăng trưởng lợi nhuận tích cực so với cùng kỳ như bán lẻ, chăn nuôi, vận tải biển,…
Còn ông Đinh Quang Hinh - Trưởng bộ phận vĩ mô và chiến lược thị trường CTCK VNDirect kỳ vọng bức tranh lợi nhuận toàn thị trường quý III sẽ duy trì tích cực, được thúc đẩy bởi đà tăng trưởng của nền kinh tế trong quý vừa qua và mức nền so sánh thấp của cùng kỳ năm ngoái.
"Nếu bức tranh lợi nhuận của thị trường tích cực như kỳ vọng sẽ là cú hích tinh thần mạnh mẽ cho nhà đầu tư và xu hướng thị trường chứng khoán trong giai đoạn từ nay tới cuối năm 2024", ông Hinh nhận định.
Trong bối cảnh nhà đầu tư đang nghe ngóng và chờ đợi những diễn biến quan trọng tới đây, việc thị trường giao dịch chậm và thận trọng có thể tiếp diễn trong tuần tới.
Theo chuyên gia từ VNDirect, nhiều khả năng chỉ số VN-Index có thể tiếp tục dao động trong biên độ hẹp tại 1.260 - 1.300 điểm. Do đó, nhà đầu tư nên duy trì tỷ trọng cổ phiếu trong danh mục đầu ở mức hợp lý, có thể cân nhắc hạ tỉ trọng cổ phiếu khi chỉ số VN- Index tiệm cận vùng cận trên quanh 1.300 điểm.
Ngược lại, nhà đầu tư có thể mua vào, gia tăng tỉ trọng cổ phiếu nếu chỉ số lùi về hỗ trợ quanh 1.260 điểm, ưu tiên những nhóm ngành có triển vọng kinh doanh cải thiện trong 2 quý cuối năm, bao gồm ngân hàng, bất động sản nhà ở và nhóm xuất nhập khẩu như dệt may, thủy sản, đồ gỗ.
Trần Thị Tú Anh