Làn sóng bán tháo cổ phiếu từ giới lãnh đạo doanh nghiệp: chuyện gì đang diễn ra
Loạt lãnh đạo doanh nghiệp và người nhà liên tục bán tháo cổ phiếu đã mang đến một bức tranh nhiều ẩn số, phản ánh sự dịch chuyển đáng chú ý trong chiến lược cá nhân cũng như sức khỏe nội tại của doanh nghiệp.
Trong vòng một tháng qua, ông Lê Minh Tuân, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Phát triển Đô thị Từ Liêm (Lideco, mã chứng khoán: NTL) đã hoàn tất bán ra 2 triệu cổ phiếu NTL như đã đăng ký.
Thương vụ này diễn ra trong giai đoạn từ 10/4 đến 9/5, giúp ông Tuân tạm thu về khoảng 30 tỷ đồng nếu tính theo giá đóng cửa ngày cuối cùng là 15.000 đồng/cổ phiếu. Tỷ lệ sở hữu của ông tại doanh nghiệp này cũng giảm mạnh từ 3,34% xuống còn 1,72%.
Động thái này đặc biệt gây chú ý bởi ông Tuân chỉ mới đảm nhiệm chức Chủ tịch chưa đầy một năm, kế nhiệm ông Nguyễn Văn Kha, người từng giữ ghế lãnh đạo hơn 20 năm. Không những vậy, quyết định bán cổ phiếu lại trùng khớp với thời điểm cổ phiếu NTL đã sụt giảm hơn 17% kể từ đầu năm cho thấy triển vọng kinh doanh của doanh nghiệp đang không mấy sáng sủa.
Không riêng Lideco, làn sóng thoái vốn cũng lan rộng đến những cái tên gắn với những kỳ vọng “hồi sinh” như PVR. Bà Trần Thị Thắm, vợ của ông Bùi Văn Phú, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Đầu tư PVR Hà Nội vừa đăng ký bán toàn bộ gần 12,5 triệu cổ phiếu đang nắm giữ, tương ứng 24% vốn điều lệ công ty. Mục đích được công bố là để tái cơ cấu danh mục đầu tư.
Nếu giao dịch diễn ra thành công trong khoảng thời gian từ 15/5 đến 13/6, bà Thắm sẽ không còn sở hữu cổ phiếu nào tại doanh nghiệp. Tuy nhiên, điều đáng nói là lần bán cổ phiếu này không phải là đầu tiên, bà từng thất bại khi muốn bán số lượng tương tự vào năm ngoái vì thanh khoản quá thấp. Thị giá PVR hiện dậm chân tại 1.100 đồng/cổ phiếu trong bối cảnh công ty đang tạm ngừng hoạt động kinh doanh, và cổ phiếu bị đưa vào diện hạn chế giao dịch.
Câu chuyện bán ra cổ phần không dừng lại ở những cá nhân đơn lẻ mà còn xuất hiện ở quy mô tổ chức. Nhóm cổ đông lớn tại Novaland, trong đó có NovaGroup và Diamond Properties đã đồng loạt đăng ký bán gần 19 triệu cổ phiếu NVL. Mục tiêu được lý giải là nhằm “cân đối danh mục và hỗ trợ tái cơ cấu nợ”.
5 cổ đông liên quan Chủ tịch Bùi Thành Nhơn đăng ký bán ra gần 19 triệu cổ phiếu Novaland
Cụ thể, NovaGroup, cổ đông lớn nhất của NVL sẽ bán hơn 3,9 triệu cổ phiếu, trong khi Diamond Properties dự kiến thoái hơn 3,2 triệu đơn vị. Ba cá nhân là người thân ông Bùi Thành Nhơn (bao gồm bà Sương, ông Bùi Cao Nhật Quân và Bùi Cao Ngọc Quỳnh) cũng cùng lúc muốn bán tổng cộng gần 11,6 triệu cổ phiếu. Sau giao dịch, nhóm cổ đông có liên quan đến ông Nhơn sẽ chỉ còn nắm giữ 6,818% vốn tại Novaland.
Diễn biến này xảy ra giữa lúc NVL đang trải qua chuỗi ngày biến động mạnh. Cổ phiếu từng lao dốc xuống mức thấp kỷ lục 8.100 đồng, đáy lịch sử kể từ khi niêm yết năm 2016 trước khi phục hồi nhẹ lên 12.450 đồng vào giữa tháng 5.
Tại Hòa Phát, tập đoàn công nghiệp lớn nhất Việt Nam làn sóng chuyển nhượng cũng không nằm ngoài xu thế. Ông Nguyễn Ngọc Quang, thành viên Hội đồng quản trị, kiêm người có thâm niên lâu năm tại Tập đoàn, vừa đăng ký bán ra 8,5 triệu cổ phiếu HPG, trị giá ước tính hơn 200 tỷ đồng. Giao dịch dự kiến thực hiện từ 14/5 đến 12/6 thông qua hình thức thỏa thuận với mục tiêu “chuyển nhượng cho người thân trong gia đình”.
Sau khi hoàn tất, tỷ lệ sở hữu của ông Quang sẽ giảm từ 1,77% còn khoảng 1,63%. Mặc dù đây được xem là hoạt động chuyển nhượng nội bộ, nhưng việc cổ đông lớn liên tục giảm sở hữu trong bối cảnh thị trường đang trong trạng thái nhạy cảm càng khiến nhà đầu tư thêm phần dè dặt.
Cuối tháng 5, thông tin từ Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM cho thấy Tập đoàn Hưng Thịnh, công ty mẹ đã đăng ký bán hơn 4,6 triệu cổ phiếu HTN của Công ty Cổ phần Hưng Thịnh Incons. Giao dịch dự kiến diễn ra từ ngày 27/5 đến 25/6 thông qua phương pháp khớp lệnh và thỏa thuận. Nếu thương vụ được thực hiện thành công, tỷ lệ sở hữu của Tập đoàn Hưng Thịnh tại Incons sẽ giảm từ 25,04% xuống còn 19,79%.
Không chỉ đơn thuần là một khoản đầu tư, Hưng Thịnh Incons là công ty thành viên của Tập đoàn Hưng Thịnh, với mối quan hệ quản trị chặt chẽ. Chủ tịch HĐQT của Incons, ông Nguyễn Đình Trung, đồng thời cũng là Chủ tịch Tập đoàn Hưng Thịnh, đang trực tiếp nắm giữ gần 15 triệu cổ phiếu HTN, tương ứng tỷ lệ sở hữu 16,83%.
Đáng chú ý, không chỉ có Tập đoàn Hưng Thịnh, một thành viên khác trong hệ sinh thái là Công ty Cổ phần Hưng Thịnh Investment cũng đang là cổ đông lớn tại Incons đã có động thái tương tự từ năm 2023. Cụ thể, doanh nghiệp này đã bán ra gần 9 triệu cổ phiếu HTN, hạ tỷ lệ sở hữu từ mức 24,04% xuống chỉ còn 14,03% hiện tại.
Dù các giao dịch được lý giải là nhằm “cơ cấu lại danh mục đầu tư”, việc một loạt tổ chức và cá nhân liên quan trong cùng tập đoàn đồng loạt bán ra cổ phiếu đang đặt ra nhiều nghi vấn. Đặc biệt trong bối cảnh thị trường bất động sản vẫn chưa phục hồi hoàn toàn, động thái này có thể phản ánh những thay đổi chiến lược quan trọng hoặc áp lực tái cấu trúc tài chính trong nội bộ hệ sinh thái Hưng Thịnh.
Thiên Ân