1. Tài chính

Làm sao để người dân ngừng đổ xô mua vàng tích trữ?

Giá vàng trở thành chủ đề quan tâm của mọi người mọi nhà

Suốt nhiều tháng qua, chuyện giá vàng nhảy múa không ngừng, chuyện người dân xếp hàng chầu chực mua vàng từ sáng sớm mà không được đã trở thành chủ đề quan tâm của mọi người mọi nhà. Từ người không có tiền để mua vàng đến người có tiền mà chưa mua được vàng đều sốt ruột trước hiện tượng giá vàng tăng liên tục, còn thị trường lại ngày càng khan hiếm khi người muốn mua thì nhiều còn bán ra thì rất ít.

Hiện tượng giá vàng tăng liên tục, còn thị trường lại ngày càng khan hiếm khi người muốn mua thì nhiều còn bán ra thì rất ít đã xảy ra.

Vì thế, trong phiên chất vấn và trả lời chất vấn kỳ họp Quốc hội, nhiều đại biểu đã đề nghị Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng đưa ra những giải pháp để bình ổn thị trường vàng mà quan trọng nhất là làm sao để tăng nguồn cung.

Thống đốc Ngân hàng Nguyễn Thị Hồng cho biết: Từ năm 2014 đến năm 2019, thị trường vàng Việt Nam tương đối ổn định và nhu cầu mua vàng của người dân giảm. Nhưng từ năm 2021, giá vàng thế giới tăng cao kéo theo giá vàng trong nước đi lên không ngừng nhưng thời điểm này, Ngân hàng Nhà nước chưa can thiệp thị trường.

Từ tháng 4/2024 đến nay, giá vàng thế giới lập đỉnh cao, chênh lệch giá vàng thế giới và trong nước quá mạnh nên Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước đã nhanh chóng vào cuộc.

Từ cuối tháng 4, Ngân hàng Nhà nước tổ chức đấu thầu vàng miếng với mục tiêu tăng cung để giảm chênh lệch giá với thế giới. Nhưng giá vàng trong nước vẫn ngày càng tăng, có thời điểm vàng miếng SJC vượt 92 triệu đồng một lượng buộc buộc nhà điều hành phải có biện pháp khác. Ngân hàng Nhà nước chuyển bán vàng miếng ra thị trường qua 4 ngân hàng thương mại Nhà nước và Công ty Vàng bạc Đá quý SJC.

“Do đó, khoảng cách chênh lệch giữa giá vàng trong nước và quốc tế từ khoảng 15-18 triệu đồng/lượng đến nay chỉ còn khoảng 3-4 triệu/lượng”, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết.

Mở rộng nhập khẩu vàng là con đường hữu hiệu

Tuy Ngân hàng Nhà nước đã chỉ đạo kịp thời để giải quyết một phần tình trạng bất ổn của thị trường vàng, nhưng thành quả này mới được 50%. Giờ đây, Ngân hàng Nhà nước cần xử lý được nguồn cung vàng, bởi nhu cầu mua vàng của người dân rất lớn mà thị trường không đáp ứng được. Vì Việt Nam không tự sản xuất vàng, nên biện pháp hữu hiệu là tăng nhập khẩu vàng quốc tế.

Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu - chuyên gia tài chính ngân hàng ủng hộ quan điểm cho phép doanh nghiệp nhập khẩu vàng khi mang lại lợi ích cho người tiêu dùng và ổn định thị trường nhưng cũng phải dựa trên các cơ sở khoa học để tránh ảnh hưởng tới tỷ giá, ngoại hối.

Khi nguồn cung dồi dào, khách hàng là người được hưởng lợi nhiều nhất vì nguồn cung đủ đáp ứng nhu cầu nên họ không phải giao dịch trên “chợ đen” tiềm ẩn nhiều rủi ro như hàng kém chất lượng. Tuy nhiên, ông Hiếu nhấn mạnh tăng cung vàng nhờ nhập khẩu sẽ có lợi cho người tiêu dung nhưng sẽ hao hụt phần nào dự trữ ngoại hối.

Tiến sĩ Hiếu hiến kế Ngân hàng Nhà nước đầu tiên phải tính toán lượng ngoại hối rồi trên cơ sở đó, Ngân hàng Nhà nước giao quota cho các nhà kinh doanh vàng, cho phép họ nhập khẩu theo quota Ngân hàng Nhà nước ấn định. Điều này đã thực hiện trong quá khứ. “Phần bất lợi không nhiều trong khi có lợi cho người dân, cho thị trường lại rất lớn. Nhờ đó, thị trường vàng ổn định, không lên xuống quá mạnh”, ông Hiếu bình luận.

Trước đó, ông Huỳnh Trung Khánh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam (VGTA) khi tham gia hội nghị Kim loại quý Châu Á - Thái Bình Dương (APPMC) cũng hy vọng Chính phủ Việt Nam sẽ cho phép các công ty nhập khẩu vàng trực tiếp. Đầu năm 2024, VGAT đã có đề xuất nhập khẩu 10 tấn vàng để phục vụ chế tác trang sức và mỹ nghệ. Theo ông Khánh, 10 tấn vàng không phải là con số quá lớn và không gây ảnh hưởng đến tỷ giá cũng như dự trữ ngoại hối quốc gia.

Ông Huỳnh Trung Khánh cho rằng, theo Nghị định 24, Ngân hàng Nhà nước có thể ủy quyền cho các doanh nghiệp khác nhập khẩu vàng khi cần thiết, phục vụ cho nhu cầu sản xuất nên đã đến lúc mở cửa cho các doanh nghiệp nhập khẩu vàng về để chế tác trang sức. Bởi tăng nguồn cung vẫn là biện pháp hữu hiệu nhất để giảm chênh lệch giá vàng cũng như giảm tình trạng khan hiếm như hiện nay.

Lê Trang

Tin khác