1. Tài chính

Lạm phát tại khu vực đồng Euro giảm mạnh, ủng hộ ECB tạm dừng tăng lãi suất

Lạm phát vẫn ở mức trên 2% ở hầu hết các nền kinh tế thuộc khu vực đồng Euro. Nguồn: Bloomberg

Lạm phát khu vực đồng Euro chạm mức thấp nhất trong hai năm

Theo dữ liệu được Eurostat, cơ quan thống kê của EU, công bố ngày 29/9, giá tiêu dùng tại khối đồng tiền chung châu Âu đã tăng 4,3% trong năm (tính đến tháng 9), giảm từ mức 5,2% trong tháng 8 và thấp hơn nhiều so với ước tính trung bình 4,8% trong một cuộc khảo sát của các nhà kinh tế trước đó. Lần cuối cùng lạm phát thấp hơn là vào tháng 10/2021.

Lạm phát chung giảm từ 5,2% xuống 4,3%, mức thấp nhất trong gần hai năm, do chi phí năng lượng giảm, nhưng dịch vụ cũng chậm lại đáng kể.

Dữ liệu ngày 29/9 đã đưa ra dấu hiệu rõ ràng nhất cho thấy tốc độ tăng giá cơ bản, một thước đo quan trọng khi chính sách tiền tệ được thắt chặt, đang trên đà hạ nhiệt. Tuy nhiên, với cả hai biện pháp, chỉ số giá vẫn cao hơn gấp đôi mục tiêu 2% của ECB và các thị trường vẫn đang sẵn sàng các điều kiện đón nhận mức lãi suất cao hơn trong thời gian dài hơn, đã được các quan chức ECB nhấn mạnh trước đó.

Trái phiếu chính phủ của Đức đã tăng điểm sau khi dữ liệu lạm phát được công bố. Lợi suất trái phiếu 10 năm giảm 8 điểm cơ bản trong ngày, mức giảm lớn nhất kể từ tháng 8. Sự phục hồi diễn ra sau khi lãi suất tăng lên gần 3% vào thứ Năm - mức đạt được lần cuối vào năm 2011 - trong bối cảnh lo ngại ECB sẽ phải duy trì chính sách hạn chế lâu hơn để kiềm chế lạm phát.

Lạm phát giảm mạnh làm tăng thêm hy vọng của các nhà đầu tư rằng, ECB sẽ chấm dứt chuỗi 10 lần tăng lãi suất liên tiếp chưa từng có khi hội đồng quản trị họp tại Athens vào ngày 26/10 tới.

Nhiều nhà hoạch định chính sách cũng đồng ý với quan điểm này, ngay cả khi một số người tiếp tục cảnh báo rằng những cú sốc, chẳng hạn như giá dầu đạt 100 USD một thùng, vẫn có thể đảm bảo cho những hành động tiếp theo.

Tình trạng tương tự cũng xảy ra ở Mỹ, nơi lạm phát đã giảm xuống dưới 4% trong tháng 8 và các quan chức FED đã báo hiệu tỷ lệ này ít nhất đã gần đạt đến mức đỉnh.

Ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy, các hành động của ECB đang củng cố thêm khả năng tạm dừng tăng lãi suất. Dữ liệu công bố trong tuần này cho thấy hoạt động vay mượn của các công ty trong tháng 8 đã tăng với tốc độ chậm nhất trong gần 8 năm, trong khi niềm tin giảm sút tháng thứ 5 liên tiếp. Tuy nhiên, tiền lương tăng có thể thúc đẩy sự phục hồi trong chi tiêu và giúp tăng trưởng trở lại vào cuối năm.

Tuy nhiên, áp lực lương như vậy có thể cản trở con đường giảm phát. Kinh tế trưởng Philip Lane của ECB cho biết, phải đến năm 2024 mới có thể đánh giá đầy đủ về mức độ giá tiêu dùng giảm nhanh như thế nào.

Lạm phát giảm mở đường cho ECB ngừng tăng lãi suất

ECB đã tăng lãi suất tiền gửi từ mức thấp nhất mọi thời đại là âm 0,5%, lên mức cao kỷ lục 4% sau 10 lần tăng liên tiếp kể từ tháng 7/2022, nâng chi phí vay cho các hộ gia đình, doanh nghiệp và chính phủ trong nỗ lực hạn chế hoạt động và hạ nhiệt áp lực giá cả.

ECB đã tăng lãi suất 10 lần liên tiếp kể từ tháng 7/2022, đưa lãi suất tiền gửi lên mức cao kỷ lục là 4%.

Thống đốc Ngân hàng trung ương Pháp Francois Villeroy de Galhau cho biết, mức chi phí vay hiện tại là “phù hợp” do dữ liệu khu vực đồng Euro ngày 29/9 đã tăng thêm niềm tin để ECB có thể đưa lạm phát trở lại mục tiêu.

“Có lẽ chúng ta đã xong việc tăng lãi suất” - Bostjan Vasle, người đứng đầu Ngân hàng trung ương Slovenia phát biểu trong một cuộc thảo luận trước đó. “Chúng tôi đang thấy một số dấu hiệu lạm phát giảm xuống, cũng như một số dấu hiệu đầu tiên về tính bền vững của xu hướng này, nhưng mặt khác, vẫn còn nhiều yếu tố không chắc chắn” - ông Vasle nói.

Jack Allen-Reynolds - nhà kinh tế tại nhóm nghiên cứu Capital Economics cũng cho rằng: “Điều này củng cố quan điểm của chúng tôi về việc ECB đã hoàn tất chiến dịch tăng lãi suất. Tuy nhiên, chúng tôi tiếp tục cho rằng ngân hàng sẽ không bắt đầu cắt giảm lãi suất cho đến cuối năm 2024”.

“ECB đã ám chỉ sau lần tăng lãi suất mới nhất rằng, đây có thể là lần cuối cùng trong chu kỳ này - mức giảm lạm phát nhiều hơn dự kiến trong tháng 9 sẽ làm tăng niềm tin của Hội đồng Quản trị rằng không cần thắt chặt hơn nữa” - Maeva Cousin, chuyên gia kinh tế cấp cao khu vực đồng Euro nhận định.

Mặc dù không thể loại trừ hoàn toàn việc tăng lãi suất trong tương lai, nhưng lãi suất có thể sẽ duy trì ở mức hiện tại “trong một thời gian”, Thống đốc Ngân hàng trung ương Latvia Martins Kazaks cho biết hôm thứ Sáu tại Riga.

Lạm phát ở khu vực đồng Euro đã giảm từ mức đỉnh 10,6% vào năm ngoái. Áp lực giá trong khối đã giảm chậm hơn so với ở Mỹ, nơi báo cáo lạm phát là 3,7% trong tháng 8, nhưng nhanh hơn ở Anh, nơi lạm phát là 6,7% vào tháng trước.

Trái phiếu chính phủ châu Âu tăng điểm sau khi số liệu tốt hơn dự kiến về lạm phát của khu vực đồng Euro và Pháp được công bố, trong khi thị trường chứng khoán mạnh lên.

Sau tình trạng hỗn loạn trên thị trường trái phiếu châu Âu ngày 28/9, lãi suất trái phiếu chính phủ kỳ hạn 10 năm của Ý đã giảm 0,15 điểm phần trăm xuống 4,76% vào ngày 29/9, giảm từ mức cao nhất trong một thập kỷ. Lợi suất trái phiếu 10 năm của Đức giảm 0,1 điểm phần trăm xuống 2,85%, sau khi đạt mức cao nhất 10 năm trong phiên giao dịch trước đó.

Đồng Euro tăng 0,4% so với đồng Đô la lên 1,0603 USD. Trên thị trường chứng khoán, chỉ số Stoxx 600 toàn khu vực của Châu Âu tăng thêm 1% và chỉ số Dax của Đức tăng 0,6%. FTSE 100 của London tăng 0,6%, trong khi chỉ số Cac 40 của Pháp tăng 0,7%.

Tăng trưởng giá tiêu dùng cũng đã chậm lại ở 15 trong số 20 thành viên khu vực đồng Euro và đạt dưới mục tiêu 2% của ECB ở hai trong số đó. Giá tiêu dùng ở Hà Lan đã giảm 0,3% so với một năm trước. Tỷ lệ lạm phát cao nhất trong khối là 8,9% ở Slovakia. Việc loại bỏ vé giao thông công cộng giá rẻ và giá nhiên liệu của Đức năm ngoái khỏi rổ chỉ số so sánh hàng năm đã đẩy lạm phát xuống của nước này, trong khi việc Pháp cắt giảm trợ cấp điện gần đây đã nâng giá năng lượng.

Nền kinh tế khu vực đồng Euro được dự đoán sẽ suy giảm trong quý III và dữ liệu riêng biệt được công bố cùng ngày 29/9 đã làm tăng thêm những lo ngại này sau khi doanh số bán lẻ của Đức giảm tháng thứ ba liên tiếp trong tháng 8, giảm 1,2% so với tháng 7. Chi tiêu hộ gia đình Pháp giảm 0,5% trong cùng kỳ.

Bất chấp giá dầu tăng vọt gần đây, chi phí năng lượng ở khu vực đồng Euro đã giảm 4,7% trong năm tính đến tháng 9, mức giảm nhanh hơn so với tháng trước. Lạm phát thực phẩm, rượu và thuốc lá cũng giảm xuống 8,8% và lạm phát hàng hóa xuống 4,2%. Lạm phát dịch vụ chậm lại ở mức 4,7%, do giá vé máy bay hàng tháng giảm mạnh./.

Hoàng Lê (theo The Financial Times/Bloomberg)

Tin khác