Lạm phát ở Đức xuống mức thấp nhất kể từ tháng 2/2022
Theo phóng viên TTXVN tại Berlin, giá tiêu dùng ở Đức vẫn ở mức cao nhưng tỷ lệ lạm phát đang tiếp tục có xu hướng giảm mạnh và trong tháng 9 đã xuống mức thấp nhất kể từ khi cuộc xung đột bùng phát ở Ukraine.
Số liệu sơ bộ của Cục Thống kê liên bang Đức công bố ngày 28/9 cho biết trong tháng 9, giá tiêu dùng chỉ tăng trung bình 4,5% so với cùng kỳ năm ngoái, sau khi đạt 6,1% trong tháng 8.
Mức lạm phát trong tháng 9 này là mức thấp nhất kể từ tháng 2/2022 - thời điểm lạm phát chỉ ở mức 4,3%. Sau khi cuộc xung đột bùng phát ở Ukraine, giá năng lượng tăng nhanh đã thúc đẩy lạm phát tăng cao.
Hiện tốc độ tăng giá năng lượng đã chậm lại đáng kể khi giá năng lượng sử dụng cho hộ gia đình và nhiên liệu chỉ tăng 1% so với một năm trước. Giá dịch vụ cũng cao hơn 4% so với cùng kỳ năm 2022. Tỷ lệ lạm phát cơ bản (không tính giá thực phẩm và năng lượng biến động mạnh) đã giảm từ 5,5% xuống 4,6%.
Tuy nhiên, lý do khiến tỷ lệ lạm phát giảm đáng kể lại do cách thống kê, trong đó việc Chính phủ Đức đưa ra chương trình giảm giá nhiên liệu và vé 9 euro từ tháng 6-8/2022 nhằm giảm bớt gánh nặng cho người tiêu dùng lại không được đưa vào thống kê dùng để so sánh với mức lạm phát của năm trước. Chính điều này đã khiến cho tỷ lệ lạm phát giảm mạnh.
Theo nhà kinh tế Salomon Fiedler của Ngân hàng Berenberg, lạm phát ở Đức sẽ tiếp tục xu hướng giảm và đến cuối năm 2024, tỷ lệ lạm phát có thể giảm xuống dưới 2,5%.
Trong khi đó, nhà kinh tế trưởng Jürgen Michels của Ngân hàng BayernLB nhận định các hiệu ứng cơ bản sẽ tiếp tục có tác động trong những tháng tới, nhưng tỷ lệ lạm phát sẽ khó có thể duy trì ở mức trên dưới 2% cho đến năm 2025.
Trước đó, Ngân hàng trung ương Đức Bundesbank cũng dự báo lạm phát ở Đức có thể tiếp tục giảm trong năm nay./.
Mạnh Hùng/TTXVN