1. Tài chính

Lạm phát 'cứng đầu', Fed có thể 'hãm phanh' lãi suất

Người tiêu dùng mua hàng hóa trong siêu thị ở Burlingame, California, Mỹ ngày 14/11/2023. Ảnh: THX/TTXVN

Cơ quan Thống kê Lao động thuộc Bộ Lao động Mỹ cho biết, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) đã tăng 0,2% trong tháng thứ tư liên tiếp, phù hợp với dự báo của các chuyên gia kinh tế. Trong đó, đáng chú ý là mức tăng 0,4% trong chi phí nhà ở, trong đó có tiền thuê nhà, khách sạn và nhà nghỉ, chiếm hơn một nửa mức tăng CPI hàng tháng. Trước đó, chi phí nhà ở đã tăng 0,2% trong tháng Chín.

So với cùng kỳ năm ngoái, CPI tháng 10 tăng 2,6% sau khi tăng 2,4% trong tháng Chín. Mức tăng này đã chậm lại đáng kể so với mức đỉnh 9,1% vào tháng 6/2022, nhưng vẫn ở trên mục tiêu 2% của Fed.

Một số điểm lạm phát “cứng đầu” vẫn còn. Loại trừ các thành phần dễ biến động là thực phẩm và năng lượng, chỉ số CPI cốt lõi tăng 0,3% trong tháng 10, đánh dấu tháng thứ ba liên tiếp duy trì mức tăng này. Trong đó, lạm phát giá nhà ở là yếu tố thúc đẩy CPI cốt lõi. So với cùng kỳ năm ngoái, CPI cốt lõi đã tăng 3,3%, tương tự mức tăng trong tháng Chín. Tính trong ba tháng vừa qua, CPI cốt lõi tăng 3,6% so với cùng kỳ năm 2023.

Dựa trên dữ liệu CPI, các chuyên gia kinh tế ước tính chỉ số giá chi tiêu tiêu dùng cá nhân (PCE) cốt lõi tháng 10 tăng 0,2-0,26%. Chỉ số PCE cốt lõi là một trong những thước đo lạm phát được Fed theo dõi để hoạch định chính sách tiền tệ. Chỉ số này đã tăng 0,3% trong tháng Chín.

Lạm phát PCE cốt lõi được dự báo tăng 2,8% trong tháng 10 so với cùng kỳ năm ngoái, sau khi ghi nhận mức tăng 2,7% trong cả ba tháng trước đó. Dữ liệu giá sản xuất tháng 10 dự kiến được công bố vào ngày 14/11 có thể thay đổi những ước tính này.

Ông Conrad DeQuadros, cố vấn kinh tế cấp cao tại Brean Capital, cho rằng việc lạm phát cốt lõi chưa có dấu hiệu giảm như vậy sẽ khiến các nhà hoạch định chính sách lo ngại rằng tiến trình hướng tới mục tiêu lạm phát 2% có thể đã bị chững lại, và chính sách tiền tệ hiện tại có thể cũng không thắt chặt như phần lớn các thành viên Fed nghĩ. Điều này có nghĩa là việc giảm mạnh lãi suất có thể không còn quá cần thiết.

Hơn nữa, các chuyên gia kinh tế dự báo lạm phát sẽ tăng cao hơn trong năm tới nếu Tổng thống đắc cử Donald Trump tiếp tục thực hiện các chính sách kinh tế của mình, trong đó có cắt giảm thuế và tăng thuế quan đối với hàng nhập khẩu. Ông cũng cam kết trục xuất hàng loạt người nhập cư bất hợp pháp, điều mà các nhà kinh tế cho rằng sẽ làm giảm nguồn cung lao động, từ đó khiến chi phí của doanh nghiệp tăng lên và sau đó “gánh nặng” này lại được chuyển sang người tiêu dùng.

Tuy nhiên, trong ngắn hạn, báo cáo trên không làm thay đổi các dự đoán rằng Fed sẽ cắt giảm lãi suất lần thứ ba vào tháng 12 trong bối cảnh thị trường lao động đang suy yếu. Theo công cụ FedWatch của CME Group, thị trường tài chính đang dự đoán khoảng 82,3% khả năng Fed sẽ cắt giảm lãi suất 0,25 điểm phần trăm tại cuộc họp chính sách ngày 17-18/12, cao hơn mức xác suất 58,7% trước khi dữ liệu lạm phát nói trên được công bố.

Mặc dù Fed được dự đoán sẽ tiếp tục hạ lãi suất vào tháng 12, nhưng các chuyên gia kinh tế cho rằng khả năng cắt giảm thêm trong năm tới đã bị hạn chế. Lợi suất trái phiếu chính phủ của Mỹ đã tăng vọt khi các nhà đầu tư kỳ vọng các chính sách của tổng thống đắc cử sẽ được thực hiện mà không gặp trở ngại, trong bối cảnh Đảng Cộng hòa đã kiểm soát Thượng viện và đang trên đà giành được Hạ viện.

Ông Richard de Chazal, nhà phân tích vĩ mô của công ty William Blair, nhận định rằng nhiều chính sách của ông Trump sẽ đem đến tác động lạm phát hơn là giảm phát, ít nhất là trong ngắn hạn. Ông cho rằng rủi ro lần này là người tiêu dùng đã không còn nhiều khả năng và sự sẵn sàng để hấp thụ một đợt lạm phát như trước.

Ông Michael Pugliese, chuyên gia kinh tế cấp cao tại Wells Fargo, nhận định rằng tiến trình giảm lạm phát đã bắt đầu chững lại. Ông cho rằng Fed sắp phải phát đi tín hiệu về việc giảm tốc độ hạ lãi suất, có thể xuống mức cứ hai cuộc họp lại giảm một lần, bắt đầu từ năm 2025.

Khánh Ly/TTXVN (Theo Reuters)

Tin khác