Làm gì để nguồn 'tiền chết' trong vàng chảy vào nền kinh tế
Nền kinh tế khát vốn, tiền “nằm chết” trong vàng
Sau phiên chất vấn Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đầu tuần này, nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng, nền kinh tế vẫn chưa có lời giải rõ ràng về việc làm sao để khuyến khích người dân bán vàng, chuyển vàng thành tiền đồng để đưa vào sản xuất - kinh doanh.
“Chia lửa” với Thống đốc NHNN trong phiên chất vấn, Phó thủ tướng Hồ Đức Phớc cho hay, cầu vốn của nền kinh tế rất lớn, nhất là vốn đầu tư hạ tầng. Vì vậy, giải pháp chuyển hóa vàng thành tiền để đưa vào sản xuất là rất quan trọng.
Chất vấn Thống đốc NHNN, đại biểu Dương Khắc Mai (Đắk Nông) bày tỏ trăn trở về việc làm thế nào để người dân yên tâm về sự ổn định của VND, từ bỏ tâm lý “tích cốc phòng cơ”, lao vào tích trữ vàng thay vì để dành nguồn lực cho phát triển. Thống đốc NHNN khẳng định, quan điểm của NHNN là chống vàng hóa, các giải pháp đưa ra sẽ khiến vàng không trở thành mặt hàng hấp dẫn để đầu cơ.
Theo Thống đốc NHNN, khi người dân nắm giữ vàng, thì số tiền đó trở thành “tiền chết”, nhưng nếu chuyển hóa sang VND, thì sẽ có cơ hội để kinh doanh, đầu tư vào các lĩnh vực khác như gửi tiền vào ngân hàng để ngân hàng cho vay sản xuất - kinh doanh, hoặc đầu tư vào cổ phần, cổ phiếu, thị trường chứng khoán để phục vụ sản xuất - kinh doanh.
Thế nhưng, trả lời câu hỏi của đại biểu về các giải pháp khuyến khích người dân chuyển đổi vàng sang nắm giữ VND, NHNN vẫn chưa đưa ra câu trả lời rõ ràng. Thống đốc NHNN cho biết, đang nghiên cứu sửa đổi Nghị định 24/2012/NĐ-CP với tinh thần hạn chế người dân nắm giữ vàng.
Về vấn đề này, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị NHNN nghiên cứu giải pháp khuyến khích người dân bán vàng đầu tư vào sản xuất, kinh doanh; tiến hành tổng kết Nghị định 24/2012/NĐ-CP trong năm 2025 để đề xuất sửa đổi, bổ sung phù hợp.
Ùn ùn đổ tiền vào vàng do bế tắc kênh đầu tư
Theo Phó thủ tướng Hồ Đức Phớc, thị trường vàng trong nước “nóng” một phần do giá vàng thế giới, một phần do cung ít hơn cầu, một phần do yếu tố tâm lý. Thời gian qua, lãi suất tiền gửi thấp nên người dân không muốn gửi vào ngân hàng, trong khi bất động sản đóng băng, trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tiềm ẩn nhiều rủi ro... khiến vàng trở thành kênh trú ẩn của tiền nhàn rỗi.
Các chuyên gia kinh tế cũng cho rằng, sự bế tắc của các kênh đầu tư là nguyên nhân chính khiến dòng tiền rầm rộ chảy vào vàng. Theo TS. Đinh Thế Hiển, chuyên gia kinh tế, để người dân không đổ xô vào vàng, giải pháp quan trọng nhất là giữ được giá trị của đồng nội tệ và khôi phục các kênh đầu tư như bất động sản, trái phiếu…
Để giảm nhu cầu vàng vật chất, một số quốc gia vận hành mô hình sàn vàng. Tuy nhiên, ngoài đầu tư hạ tầng, công nghệ, vẫn cần lượng vàng vật chất lớn. Trong khi đó, Việt Nam là quốc gia hoàn toàn phụ thuộc vào nguồn vàng nhập khẩu. Do đó, lập sàn vàng không phải là giải pháp phù hợp, ít nhất trong bối cảnh hiện nay.
Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty luật Anvi cho rằng, vàng là mặt hàng đặc biệt, tác động trực tiếp đến tỷ giá, lạm phát, nên không thể quản lý như những mặt hàng thông thường. Nói cách khác, không thể để tự do hóa thị trường vàng, mà cần có sự can thiệp của NHNN, nếu không sẽ gây bất ổn kinh tế vĩ mô.
Tuy vậy, NHNN cũng không thể cấm người dân tích trữ, đầu tư vàng. “Giải pháp hiệu quả nhất là làm người dân chán vàng và tìm đến kênh đầu tư, tích lũy khác”, luật sư Trương Thanh Đức nhận định.
Ngoài việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, khôi phục thị trường chứng khoán, bất động sản, trái phiếu…, thì một trong các giải pháp để người dân bình tĩnh với vàng, theo giới chuyên gia, là phải ngăn chặn được hiện tượng thao túng, làm giá trên thị trường vàng.
Hà Tâm