1. Tài chính

Lãi suất ngân hàng tháng 9 giảm đồng loạt, người gửi tiết kiệm có sợ hụt lãi?

Lãi suất ngân hàng nào cao nhất thị trường hiện nay?

PVCombank đang niêm yết lãi suất ngân hàng huy động cao nhất lên đến 11%/năm. Mức lãi suất này áp dụng cho khách hàng gửi tiền kỳ hạn 12 và 13 tháng nếu đáp ứng được điều kiện số dư tiền gửi từ 2.000 tỷ đồng trở lên. Dưới mức này, PVCombank áp dụng lãi suất 6,3%/năm.

Tại HDBank, lãi suất tiết kiệm cao nhất có thể lên tới 9,1%/năm cho tiền gửi kỳ hạn 13 tháng khi khách hàng gửi từ 300 tỷ đồng trở lên.

Còn tại DongABank, với số dư tiền gửi từ 1 tỷ đồng, khách hàng đã nhận lãi suất 8%/năm khi gửi tiền kỳ hạn 13 tháng.

Lĩa suất ngân hàng một số đơn vị giữ ở mức cao với điều kiện số tiền gửi lớn.

Lãi suất ngân hàng nào đang giảm?

Thông tin mới nhất, Ngân hàng TMCP Sài Gòn Hà Nội (SHB) công bố giảm 0,4%/năm lãi suất các kỳ hạn từ 6 tháng trở lên kể từ ngày 8/9.

Theo đó, lãi suất huy động online còn 6,1%/năm đối với tiền gửi kỳ hạn 6-8 tháng, còn 6,2%/năm đối với tiền gửi kỳ hạn 9-11 tháng và 6,4%/năm đối với tiền gửi kỳ hạn từ 12 tháng trở lên. Tại quầy, SHB trả lãi suất thấp hơn 0,2%/năm so với online.

Ngân hàng Dầu khí Toàn Cầu (GPBank) cũng giảm đồng loạt lãi suất huy động kỳ hạn 6-36 tháng kể từ hôm nay. Sau lần giảm này, lãi suất tiền gửi tại GPBank thấp hơn 6%.

Theo biểu lãi suất huy động online, lãi suất kỳ hạn 6 tháng chỉ còn 5,65%/năm; kỳ hạn 7-8 tháng còn 5,7%/năm; kỳ hạn 9 tháng còn 5,75%/năm. Kỳ hạn 12 tháng còn 5,85%/năm và kỳ hạn từ 13 đến 36 tháng còn 5,95%/năm. Các ngân hàng còn lại không điều chỉnh lãi suất.

Kể từ đầu tháng 9, hàng loạt ngân hàng giảm lãi suất huy động gồm: SHB, GPBank, Techcombank, Eximbank, ACB, Nam A Bank, KienLongBank.

Tính đến thời điểm hiện tại, nhóm các ngân hàng đưa lãi suất huy động tất cả các kỳ hạn về dưới 6%/năm gồm Agribank, BIDV, VietinBank, Vietcombank, SeABank, Eximbank, ACB, Techcombank, VPBank, GPBank, và ABBank.

Hiện còn 3 ngân hàng có lãi suất huy động 7%/năm đối với một số kỳ hạn tiền gửi online.

Cụ thể, HDBank duy trì lãi suất 7%/năm cho tiền gửi online kỳ hạn 13 tháng. CBBank cũng áp dụng mức lãi suất này cho tiền gửi online các kỳ hạn từ 13-36 tháng. Nam A Bank áp dụng lãi suất 7,1%/năm cho tiền gửi online kỳ hạn 12-14 tháng.

Hàng loạt ngân hàng thông báo giảm lãi suất đầu tháng 9.

Bảng lãi suất ngân hàng chi tiết nhất

Nên gửi tiết kiệm ngân hàng ngắn hạn hay dài hạn?

Hiện tại, các ngân hàng có nhiều loại kỳ hạn gửi tiết kiệm linh hoạt, bao gồm 1 tháng, 2 tháng, 3 tháng, 6 tháng, 9 tháng, 12 tháng, 18 tháng, 24 tháng và không kỳ hạn.

Nếu tình hình tài chính của bạn không ổn định thì nên chọn gửi tiết kiệm ngân hàng ngắn hạn vì khi cần có thể rút tiền ngay. Ngoài ra, với những mục tiêu ngắn hạn có định trước như đi du lịch, mua xe thì việc lựa chọn gửi tiết kiệm ngân hàng ngắn hạn sẽ giúp bạn hiện thức hóa mục tiêu nhanh chóng.

Nếu bạn có một kế hoạch tài chính cụ thể với sự phân chia giữa chi tiêu và tiết kiệm, bạn nên lựa chọn hình thức tiết kiệm dài hạn. Bạn nên chọn kỳ hạn 12 - 24 tháng để nhận được mức lãi suất tiết kiệm tốt nhất.

Nếu có ý định gửi tiết kiệm ngân hàng nên cập nhật thông tin để có lựa chọn phù hợp nhất.

Gửi tiết kiệm ngân hàng 1 tỷ nhận về bao nhiêu lãi?

Công thức tính tiền lãi: Tiền lãi = Tiền gửi x lãi suất/12 tháng x số tháng gửi

Ví dụ, nếu khách hàng gửi tiết kiệm 1 tỉ đồng vào ngân hàng A kỳ hạn 13 tháng với lãi suất tiết kiệm 8%, tiền lãi nhận được như sau: 1 tỉ đồng x 8%/12 x 13 tháng = 86,66 triệu đồng.

Cùng số tiền và kỳ hạn trên, nếu gửi tiết kiệm ở Ngân hàng B có lãi suất 6,1%/năm, số tiền bạn có thể nhận được sẽ là: 1 tỉ đồng x 6,6%/12 x 13 tháng = 66 triệu đồng.

Lưu ý: Thông tin về lãi suất ngân hàng chỉ mang tính chất tham khảo và có thể thay đổi trong từng thời kỳ. Vui lòng liên hệ điểm giao dịch ngân hàng gần nhất hoặc hotline để được tư vấn cụ thể.

Diễm Hằng

Tin khác