1. Tài chính

Lãi suất giảm sâu, tiền vẫn vào ngân hàng, 'hãm phanh' với chứng khoán

Lãi suất huy động “thủng đáy” 6%/năm

Từ cuối năm 2022 đến nay, xu hướng giảm lãi suất ngày càng trở nên rõ nét. Từ mặt bằng chung 9%/năm cho kỳ hạn 12 tháng, hiện tại, mặt bằng này chỉ còn là 6%.

Cụ thể, hiện tại, nhóm Big4 (gồm các ngân hàng quốc doanh: Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam – Vietcombank, Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam – VietinBank, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam – BIDV và Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam – Agribank) cùng có mức lãi suất thấp nhất thị trường.

Tại nhóm này, mức cao nhất chỉ là 5,5%/năm áp dụng cho các kỳ hạn từ 12 tháng tới 36 tháng. Ở kỳ hạn 6 tháng và 9 tháng, lãi suất là 4,5%/năm. Mức 3,5%/năm được áp dụng cho một số kỳ hạn dưới 6 tháng.

Lãi suất huy động tiếp tục giảm mạnh và lập mặt bằng mới nhưng dòng tiền vào chứng khoán bất ngờ “hãm phanh” và vẫn “chảy mạnh” vào ngân hàng. Ảnh minh họa

Ở các ngân hàng thương mại cổ phần, mặt bằng lãi suất kỳ hạn dài là 6%/năm. Rất ít đơn vị niêm yết lãi suất trên 7%/năm. Một số đơn vị này có thể kể đến như Ngân hàng TMCP Đông Á – DongA Bank (7%/năm).

Chưa dừng lại ở đây, lãi suất huy động được dự báo sẽ còn tiếp tục giảm.

Điều đó khiến nhiều người lo ngại rằng dòng tiền sẽ “chảy” từ kênh có lợi nhuận thấp (tiền gửi ngân hàng) tới những kênh đầu tư rủi ro hơn như chứng khoán, bất động sản, vàng, tiền ảo,…

Tiền vẫn vào ngân hàng

Sau khi lãi suất huy động liên tục giảm và lập các đáy mới, xu hướng của dòng tiền hiện lên khá rõ nét. Bất động sản không phải là kênh lựa chọn của nhà đầu tư khi giá nhà đất được cho là vẫn cao và còn nhiều dư địa giảm tiếp. Chính vì vậy, giới đầu tư địa ốc chưa vội vàng “xuống tiền” mua nhà.

Chị Dương Thanh Bình, một nhà đầu tư chia sẻ về việc luân chuyển tiền của mình: “Khi lãi suất giảm, tôi rút bớt một phần tiền từ kênh gửi tiết kiệm để tìm nơi đầu tư mới. Theo đánh giá của tôi, thị trường bất động sản sẽ còn giảm tiếp khi mà chủ đầu tư vẫn còn rất nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, dòng tiền từ ngân hàng và trái phiếu cho bất động sản dù được nới hơn nhưng vẫn chưa thực sự sáng sủa. Vì vậy, sớm thì cuối năm 2024, muộn thì tới năm 2025 mới là thời điểm mua nhà”.

Còn về vàng, chị Bình phân tích cách đây khoảng 10 năm, vàng luôn nằm trong danh mục đầu tư của chị. Tuy nhiên, trong vài năm gần đây, do chênh lệch giữa giá vàng SJC và giá vàng thế giới quá cao nên rủi ro cho người mua là rất lớn. Chính vì vậy, chị không chọn vàng.

Và thời gian qua, chị Thanh Bình chọn chứng khoán làm nơi trú ẩn cho dòng tiền của mình. Thực tế cho thấy, chị đã kiếm được khoản lợi nhuận 24% trong nửa năm qua nhờ chốt lời cổ phiếu.

Nhiều người cùng quan điểm với chị Thanh Bình khi số lượng tài khoản chứng khoán mới liên tục được mở và lập kỷ lục mới.

Dữ liệu này cho thấy dòng tiền vào hệ thống ngân hàng gặp nhiều áp lực. Tuy nhiên, các số liệu cho thấy dòng tiền vẫn “chảy” vào ngân hàng.

Theo báo cáo mới nhất của Tổng cục thống kê, tính đến thời điểm 20/9/2023, tổng phương tiện thanh toán tăng 4,75% so với cuối năm 2022. Huy động vốn của các tổ chức tín dụng tăng 5,8%, trong khi tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế chỉ đạt 5,73%.

Đây không phải lần đầu tiên chỉ tiêu Huy động vốn tăng trưởng dương. Trước đó, dữ liệu của Ngân hàng Nhà nước cho thấy tổng huy động tiền gửi của hệ thống tổ chức tín dụng đến cuối tháng 6/2023 tăng 4,6% so với đầu năm.

Như vậy, từ tháng 7 đến nay, huy động vốn của hệ thống ngân hàng vẫn tiếp tục tăng trưởng dương, bất chấp lãi suất huy động xuống thấp kỷ lục.

Tiền “hãm phanh” với chứng khoán

Dòng tiền ồ ạt chảy vào chứng khoán đã tạo nên những phiên giao dịch tỷ đô la, thậm chí, có phiên, giá trị giao dịch chỉ tính trên Hose đã vượt mốc 30.000 tỷ đồng. Đây là mức cao kỷ lục của thị trường chứng khoán Việt Nam.

Tuy nhiên, trong những ngày cuối tháng 9/2023, dòng tiền bất ngờ “hãm phanh” với chứng khoán. Giá trị giao dịch có xu hướng giảm sốc.

Cụ thể, trong phiên 28/9, khối lượng giao dịch (bao gồm cả khớp lệnh và thỏa thuận” chỉ là 525 triệu cổ phiếu, tương đương 13.804 tỷ đồng. Trước đó, sàn TP HCM thường xuyên có khối lượng giao dịch trên 1 tỷ cổ phiếu.

Hoàng Tú

Tin khác