1. Tài chính

Lãi suất cho vay về sát 8%, 4 tháng cuối năm sẽ giảm tiếp

Lãi suất cho vay giảm về 8%/năm

Mới đây, trả lời cử tri tỉnh Thanh Hóa về việc giảm lãi suất cho vay, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết nhiều chính sách về tiền tệ, tín dụng đã được cơ quan này ban hành và triển khai đồng bộ các chương trình, giải pháp tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp tiếp cận vốn. Từ đầu năm đến nay, NHNN đã điều chỉnh giảm liên tục 4 lần các mức lãi suất điều hành từ 0,5-2 điểm % trong bối cảnh lãi suất thế giới tiếp tục tăng và neo ở mức cao.

Để hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, NHNN cũng trình cấp có thẩm quyền triển khai chương trình tín dụng đặc thù đối với một số ngành, lĩnh vực với nhiều cơ chế ưu đãi về lãi suất, tài sản bảo đảm, cơ chế xử lý nợ đặc thù.

Qua đó, tiếp tục định hướng giảm mặt bằng lãi suất cho vay của thị trường, tăng khả năng tiếp cận vốn của doanh nghiệp và người dân. Trần lãi suất cho vay ngắn hạn đối với một số lĩnh vực ưu tiên, trong đó có doanh nghiệp nhỏ và vừa, ở mức 4%/năm.

NHNN cũng làm việc trực tiếp với tổ chức tín dụng, yêu cầu có biện pháp giảm lãi suất tiền gửi, tiết giảm chi phí, qua đó tạo dư địa để giảm lãi suất cho vay đối với khách hàng; phối hợp với Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam vận động sự thống nhất của ngân hàng hội viên giảm thêm lãi vay.

Cụ thể, hôm 15/8, NHNN đã có văn bản yêu cầu các tổ chức tín dụng giảm lãi suất cho vay đối với các khoản vay đang còn dư nợ hiện hữu và các khoản cho vay mới, phấn đấu mức giảm lãi suất tối thiểu từ 1,5-2%/năm nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh.

Nhiều ngân hàng đã triển khai liên tiếp các chương trình giảm lãi suất trực tiếp cho khách hàng hiện hữu và các khoản cho vay mới thông qua nhiều gói tín dụng ưu đãi.

Chẳng hạn, Agribank dành 25.000 tỷ đồng với lãi suất thấp hơn 1%/năm so với lãi vay thông thường dành cho doanh nghiệp xuất nhập khẩu; Vietinbank cho doanh nghiệp nhỏ và vừa vay với lãi suất ưu đãi từ 6,8%/năm…

Không chỉ tung các gói ưu đãi với lãi suất giảm sâu, nhiều ngân hàng còn hạ lãi suất trực tiếp cho các khoản vay hiện hữu như tại Vietcombank, BIDV toàn bộ khoản vay của khách hàng cá nhân và doanh nghiệp được giảm thêm 0,5%/năm, áp dụng từ nay đến hết năm.

Đại diện một ngân hàng lớn cho biết, ngay bản thân các ngân hàng cũng khá "sốt ruột", muốn đẩy tín dụng ra. Để đẩy tín dụng ra thì một trong những giải pháp là giảm lãi suất.

Hiện lãi suất cho vay bình quân đã về ngưỡng 8%/năm, tức là giảm 3% so với cuối năm 2022. Các ngân hàng kết hợp với đẩy mạnh và kích thích cho vay, trở thành động lực để các doanh nghiệp tìm kiếm đơn hàng, mở rộng thị trường.

Lãi suất cho vay còn nhiều dư địa giảm

Hiện nay, sức hấp thụ vốn của nền kinh tế vẫn chậm. Tăng trưởng tín dụng toàn ngành ngân hàng vào cuối tháng 7 được ghi nhận là 4,3%, giảm nhẹ so với mức 4,73% được công bố vào cuối tháng 6. Tăng trưởng tín dụng giảm so với tháng trước đó, tiếp tục cho thấy khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế ở mức thấp.

"Các ngân hàng cam kết giảm lãi suất cho vay khoảng 0,2-2,5 điểm % trong 6 tháng cuối năm 2023, tùy đối tượng khách hàng và lĩnh vực. Với tác động của độ trễ chính sách và cam kết giảm lãi suất, dự kiến mặt bằng lãi suất cho vay đối với nền kinh tế sẽ tiếp tục giảm trong thời gian tới", NHNN khẳng định.

Với thực tế này, hiều chuyên gia kinh tế, tài chính nhận định, mặt bằng lãi suất từ giờ đến cuối năm sẽ tiếp tục giảm, đặc biệt lãi suất cho vay có thể giảm nhanh hơn.

PGS.TS Ngô Trí Long cho rằng, mặt bằng lãi suất từ giờ đến cuối năm sẽ giảm khoảng 0,5 điểm phần trăm. Lãi suất huy động sẽ giảm chậm hơn lãi suất cho vay vì lãi suất huy động đã giảm mạnh liên tục trong thời gian qua và hiện gần đến tận cùng. Trong khi đó, lãi suất cho vay vẫn ở mức cao và còn nhiều dư địa giảm.

Theo ông Long, rất có thể Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) sẽ tăng lãi suất một lần nữa trong dịp cuối năm nhưng với chính sách điều hành tiền tệ linh hoạt của NHNN, lãi suất trong nước sẽ có xu hướng ổn định và giảm dần.

TS. Nguyễn Trí Hiếu cho hay, một xu thế đang diễn ra trên thị trường tài chính và sẽ tiếp diễn đến cuối năm đó là lãi suất huy động tiếp tục giảm. Tuy nhiên, lãi suất cho vay khó giảm sâu tương ứng với lãi suất huy động vì còn phải đảm bảo cho sự an toàn của toàn hệ thống.

Ngoài ra, việc giảm lãi suất ở thị trường trong nước còn tùy thuộc vào tình hình tài chính thế giới. Nếu Fed tăng lãi suất vào tháng 9 thì Việt Nam khó giảm sâu lãi suất. Bởi khi đó nếu giảm lãi suất thì tiền đồng sẽ giảm, đẩy tỷ giá với USD lên cao, tạo sự bất ổn ở thị trường ngoại hối.

Trong khi đó, PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh nhận xét mặt bằng lãi suất từ giờ đến cuối năm sẽ giảm nhiều. Ông Thịnh dự báo mặt bằng lãi suất từ nay đến cuối năm sẽ giảm khoảng từ 1,5-2%.

Công ty Chứng khoán VnDirect nhận định, mặt bằng lãi suất cho vay có thể tiếp tục giảm mạnh hơn trong những tháng tới do chi phí vốn của các ngân hàng đang giảm nhờ tác động từ việc giảm lãi suất điều hành của NHNN trong 6 tháng đầu năm và Thông tư 02 về trích lập dự phòng rủi ro nợ xấu.

VnDirect dự báo lãi suất cho vay sẽ giảm thêm từ 100-150 điểm cơ bản trong năm nay. Lãi suất giảm sẽ là yếu tố thúc đẩy tiêu dùng, sản xuất và kinh doanh.

Minh Anh

Tin khác