Lãi suất cho vay khó có thể giảm thêm
Mặc dù được đánh giá mặt bằng lãi suất đang ở mức phù hợp nhưng thị trường vẫn kỳ vọng lãi suất cho vay tiếp tục giảm để hỗ trợ nền kinh tế. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, xu hướng tăng nhu cầu tín dụng và tình hình nợ xấu trong thời gian tới có thể tiếp tục gây áp lực lên lãi suất. Bởi lãi suất cho vay không chỉ phụ thuộc vào chi phí hoạt động của ngân hàng mà còn phản ánh khả năng xảy ra trong tương lai và đặt trong bối cảnh tỷ lệ nợ xấu ngày càng tăng. Hiện tỷ lệ nợ xấu nội bảng tính đến cuối tháng 9/2024 đạt mức 4,55%, gần bằng mức cuối năm 2023, nhưng tăng gấp đôi so với năm 2022. Theo đó, các ngân hàng phải trích lập dự phòng rủi ro nhiều hơn, ảnh hưởng đến lợi nhuận và hạn chế khả năng giảm lãi suất cho vay.
Ngoài ra, áp lực tỷ giá cũng ảnh hưởng lớn đến khả năng giảm lãi suất. Nếu NHNN giảm lãi suất, điều này có thể gây biến động tỷ giá mạnh hơn và làm giảm niềm tin của các nhà đầu tư nước ngoài, dẫn đến khả năng rút vốn. Trong bối cảnh này, NHNN đã yêu cầu các NHTM tiết giảm chi phí để có thể hạ lãi suất vay.
Đồng quan điểm, các chuyên gia của BSC cũng nhận định có nhiều yếu tố khiến tỷ giá và lạm phát tại Việt Nam gặp nhiều áp lực. Đơn cử, việc tái đắc cử Tổng thống Mỹ của ông Donald Trump có thể tác động mạnh đến thị trường tài chính toàn cầu, trong đó có Việt Nam. Các chính sách tài khóa mở rộng của ông Trump, đặc biệt là tăng thuế nhập khẩu, có thể tạo áp lực lên tỷ giá hối đoái và làm tăng sức mạnh của đồng USD, từ đó đẩy lạm phát nhập khẩu tại Việt Nam.
Theo BSC, chính sách lãi suất thấp hiện tại là lợi thế lớn cho Việt Nam, tạo điều kiện thúc đẩy nền kinh tế phát triển. Tuy nhiên, trong bối cảnh nhiều biến động quốc tế, Việt Nam cần điều hành linh hoạt và thận trọng. Các giải pháp hỗ trợ khác như cải cách thủ tục vay vốn, tăng cường đầu tư công và thúc đẩy xuất khẩu sẽ là những yếu tố quan trọng để duy trì đà tăng trưởng ổn định trong thời gian tới.
Các chuyên gia của Ngân hàng UOB cũng nhận định, rủi ro lạm phát và bối cảnh quốc tế hiện tại khiến NHNN có thể sẽ áp dụng cách tiếp cận hỗ trợ theo trọng tâm hơn vào các cá nhân và doanh nghiệp bị ảnh hưởng, thay vì triển khai một công cụ hỗ trợ rộng rãi trên toàn quốc như cắt giảm lãi suất. Do đó, khả năng cao NHNN sẽ tiếp tục giữ nguyên mức lãi suất điều hành hiện tại, đồng thời tập trung vào việc thúc đẩy tăng trưởng tín dụng và các biện pháp hỗ trợ khác.
Mặt khác, chuyên gia kinh tế PGS.TS Đinh Trọng Thịnh cho rằng, tỷ lệ NIM của các nhà băng đang ngày càng mỏng dần. Nguyên do các ngân hàng vẫn đang phải tăng lãi suất huy động để hút nguồn vốn phục vụ nhu cầu kinh doanh cuối năm cũng như đảm bảo cạnh tranh với các kênh đầu tư khác. Trong khi đó, lãi suất cho vay vẫn duy trì ở mức thấp. Nếu tiếp tục giảm lãi suất cho vay, NIM của nhiều ngân hàng sẽ dưới mức 3% nhất là các NHTMCP không có lợi thế nguồn vốn rẻ, hay tỷ lệ CASA thấp. Thực tế ngay cả NHTMCP lớn như Vietcombank NIM chỉ đạt 2,98% trong quý III/2024 thấp hơn mức 3,01% trong quý II/2024; VietinBank đạt 2,91% trong quý III/2024… Theo khuyến nghị của IMF, NIM của ngân hàng phải giữ ở mức 3-3,5% mới đảm bảo cho sự phát triển an toàn bền vững của hệ thống ngân hàng. Bên cạnh đó, dịp cuối năm, nhu cầu tín dụng tăng cũng sẽ là một yếu tố khiến mặt bằng lãi suất cho vay khó có thể giảm thêm.
Có thể thấy việc tiếp tục giảm lãi suất cho vay là một điều rất khó khăn đối với các ngân hàng. Tuy nhiên, mỗi NHTM đã đưa ra các gói vay ưu đãi, được thiết kế phù hợp với từng đối tượng doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp trong lĩnh vực ưu tiên. Đơn cử như tại SHB, ngân hàng này cũng công bố nâng quy mô gói tín dụng “Vay ưu đãi - Rồng phát tài” từ 29.000 tỷ đồng lên 43.000 tỷ đồng nhằm giúp khách hàng đẩy nhanh hoạt động sản xuất, kinh doanh những tháng cuối năm.
Quỳnh Trang