1. Tài chính

Lãi suất cho vay có tiếp tục giảm?

Theo báo cáo từ các ngân hàng, tính trong 9 tháng năm nay, dư nợ cho vay khách hàng tăng trưởng mạnh.

Cụ thể, Ngân hàng BIDV đã tăng 9,9%, lên 1.953 triệu tỷ đồng. Tại VietinBank, dư nợ cho vay khách hàng tăng từ 1.473,3 triệu tỷ đồng đầu năm 2024 lên 1.605,3 triệu tỷ đồng cuối quý III vừa qua. Dư nợ cho vay khách hàng của Vietcombank cũng tăng mạnh từ 1.270,3 triệu tỷ đồng đầu năm 2024 lên 1.401,1 triệu tỷ đồng cuối quý III.

Ở nhóm ngân hàng thương mại cổ phần, MB và VPBank là hai ngân hàng có quy mô cho vay khách hàng cao nhất lần lượt đạt 702.020 tỷ đồng và 635.345 tỷ đồng, tăng 14,9% và 12,2% so với đầu năm. Techcombank cũng đã vươn lên bám đuổi sát nút với tổng dư nợ 626.291 tỷ đồng.

Lãi suất cho vay khó giảm từ nay đến cuối năm.

Theo các chuyên gia Công ty Chứng khoán VCBS, động lực cho vay trong 9 tháng năm 2024 đến từ phân khúc khách hàng doanh nghiệp trong khi cho vay bán lẻ chưa có sự phục hồi rõ nét. Nhu cầu vốn tín dụng được dự báo tiếp tục có xu hướng tăng trong những tháng cuối năm 2024 khi hoạt động sản xuất, kinh doanh, xuất nhập khẩu theo đà phục hồi của nền kinh tế.

Theo số liệu mới nhất từ Ngân hàng Nhà nước, đến ngày 30/9, tín dụng tăng 9%, cao hơn so với cùng kỳ năm 2023. Trong quý III, tăng trưởng tín dụng ngân hàng có tín hiệu hồi phục rõ nét, phản ánh nhu cầu tín dụng của nền kinh tế đã có sự cải thiện.

Các chuyên gia dự báo, tín dụng sẽ tăng mạnh vào những tháng cuối năm, vì vậy mục tiêu tăng trưởng 15% trong năm là hoàn toàn khả thi.

Mặc dù nhu cầu vốn của doanh nghiệp và người dân được dự báo sẽ tăng nhưng mặt bằng lãi suất cho vay khó có thể giảm sâu trong những tháng cuối năm nay.

Theo các chuyên gia của Ngân hàng UOB, rủi ro lạm phát và bối cảnh quốc tế hiện tại khiến Ngân hàng Nhà nước có thể sẽ áp dụng cách tiếp cận hỗ trợ theo trọng tâm hơn vào các cá nhân và doanh nghiệp bị ảnh hưởng, thay vì triển khai một công cụ hỗ trợ rộng rãi trên toàn quốc như cắt giảm lãi suất. Do đó, khả năng cao Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục giữ nguyên mức lãi suất điều hành hiện tại, đồng thời tập trung vào việc thúc đẩy tăng trưởng tín dụng và các biện pháp hỗ trợ khác.

Trong báo cáo mới nhất gửi đến Quốc hội Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cũng thừa nhận lãi suất cho vay khó giảm thêm bởi “lãi suất cho vay đã có xu hướng giảm sâu thời gian qua (năm 2023 giảm hơn 2,5%/năm và tính đến 20/10/2024 tiếp tục giảm 0,76%/năm so với cuối năm 2023)”.

Tuy nhiên, Ngân hàng Nhà nước cho biết, sắp tới sẽ điều hành các công cụ chính sách tín dụng chủ động, linh hoạt, bám sát diễn biến kinh tế vĩ mô, góp phần ổn định thị trường tiền tệ, sẵn sàng hỗ trợ thanh khoản cho hệ thống tổ chức tín dụng, hỗ trợ điều hành chính sách tiền tệ. Đồng thời, điều hành lãi suất, tỷ giá phù hợp với cân đối vĩ mô, lạm phát và mục tiêu chính sách tiền tệ; tiếp tục chỉ đạo các tổ chức tín dụng tiết giảm chi phí để giảm mặt bằng lãi suất cho vay.

Trước đó, đã có 32/40 ngân hàng đăng ký gói tín dụng mới, với tổng số tiền lên tới 405.000 tỷ đồng, lãi suất giảm 0,5-2%/năm để hỗ trợ doanh nghiệp và người dân bị ảnh hưởng bởi cơn bão số 3.

Cụ thể, Ngân hàng Vietcombank giảm lãi suất cho vay 0,5-2%/năm giai đoạn từ nay đến hết ngày 31/12 đối với tất cả các khách hàng bị thiệt hại nặng nề do bão số 3 mà không phải chờ làm đơn đề nghị. Tổng dư nợ hỗ trợ khoảng 160.000 tỷ đồng.

Agribank)giảm 0,5-2%/năm lãi suất cho vay và miễn giảm 100% lãi quá hạn, lãi chậm trả trong thời gian từ ngày 6/9 đến 31/12/2024 cho khách hàng hiện hữu. Đối với khoản vay mới phát sinh, Agribank giảm 0,5%/năm lãi suất cho vay theo từng đối tượng, lĩnh vực.

BIDV giảm lãi suất tối đa lên đến 2%/năm tùy theo mức độ thiệt hại và kỳ hạn vay vốn của các khách hàng. Tổng quy mô dư nợ áp dụng giảm lãi suất là 100.000 tỷ đồng, trong đó 60.000 tỷ đồng dành cho các khoản vay mới.

Ngọc Mai

Tin khác