1. Tài chính

Lãi lớn, cổ đông Sacombank vẫn 'đói' cổ tức

Trình phương án xử lý khoản nợ liên quan ông Trầm Bê

Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) đã trình phương án xử lý và đang chờ sự phê duyệt từ Ngân hàng Nhà nước liên quan đến các khoản nợ được đảm bảo bằng cổ phiếu Sacombank của ông Trầm Bê và người có liên quan, theo tài liệu đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên 2025 vừa công bố.

Theo đó, việc xét duyệt để Sacombank xử lý lô cổ phiếu cũng như ghi nhận hoàn thành tái cơ cấu cần có thời gian.

Tuy nhiên, với kết quả kinh doanh hiện tại, Sacombank tự tin có thể hoạt động hiệu quả và gia tăng giá trị cho cổ đông, nhà đầu tư, khách hàng và đối tác.

Sacombank đã trích lập dự phòng 100% đối với dư nợ gốc của khoản nợ xấu trên, cũng như đã thoái hoàn toàn lãi dự thu từ cuối quý II/2022.

Trước đó, năm 2021, ông Dương Công Minh - Chủ tịch HĐQT Sacombank, từng cho biết giá trị khoản nợ xấu được cầm cố bằng lô 32,5% cổ phần ngân hàng liên quan đến nhóm ông Trầm Bê vào khoảng 10.000 tỷ đồng.

Lượng cổ phần này của ông Trầm Bê được thế chấp tại Công ty Quản lý tài sản (VAMC) để vay 10.000 tỷ đồng với lãi suất ưu đãi, nhằm giúp Sacombank giải quyết khủng hoảng thanh khoản tại thời điểm sát nhập Ngân hàng TMCP Phươg Nam vào năm 2015.

Đối với các khoản nợ thuộc Khu công nghiệp Phong Phú, Sacombank đã bán đấu giá thành công sau 18 phiên đấu giá trong năm 2023, với giá bán 7.934 tỷ đồng, cao hơn so nghĩa vụ nợ của khách hàng.

Đến nay, Sacombank đã thực thu được 1.587 tỷ đồng, tương đương 20% trên tổng số tiền đấu giá và dự kiến thu hồi đầy đủ trong năm 2025.

Ngân hàng cho biết các khoản tồn đọng thuộc đề án tái cơ cấu đã giảm 80,5% về quy mô và 25,7% về tỷ trọng so với thời điểm bắt đầu triển khai, chỉ còn khoảng 2,4% tổng tài sản.

Về trích lập dự phòng, trong năm 2024, Sacombank đã trích lập 2.623 tỷ đồng dự phòng rủi ro và sử dụng 2.061 tỷ đồng dự phòng để xử lý rủi ro các khoản vay tín dụng và VAMC.

Nhà băng cũng hoàn thành 100% dự phòng rủi ro cho các khoản tồn đọng chưa xử lý, nâng quy mô bộ đệm dự phòng lên hơn 25.600 tỷ đồng.

Trong năm 2024, Sacombank ghi nhận tổng thu nhập hoạt động và lợi nhuận trước thuế đạt lần lượt 28.677 tỷ đồng, tăng 9,6% và 12.730 tỷ đồng, tăng 32,6% so với cùng kỳ.

Trong đó, thu nhập lãi thuần ghi nhận 24.532 tỷ đồng, tăng 11% so với cùng kỳ, tương đương tốc độ tăng trưởng tín dụng khi Sacombank.

Thu nhập ngoài lãi hơn 4,1 nghìn tỷ đồng, tăng nhẹ so với cùng kỳ với đóng góp chủ yếu từ thu nhập phí dịch vụ gần 3.000 tỷ đồng, tăng 13,8% so với cùng kỳ.

Chi phí hoạt động đạt gần 14.000 tỷ đồng, tăng 8,5% so với cùng kỳ, tỷ lệ chi phí hoạt động (CIR) đạt 48%, cải thiện so với năm 2023.

Tỷ lệ nợ xấu nội bảng đạt 2,4%, cao hơn so với cuối 2023. Tỷ lệ nợ nhóm 2 duy trì thấp ở mức 0,7%. Chi phí dự phòng ghi nhận gần 2.000 tỷ đồng, giảm 46% so với cùng kỳ, tỷ lệ bao phủ nợ xấu đạt 68%.

Điều kiện để Sacombank trở lại “đường đua”

Năm 2025, Sacombank đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế đạt 14.650 tỷ đồng, tăng 15% so với kết quả 2024.

Dự kiến đến cuối năm, tổng tài sản đạt 819.800 tỷ đồng, tăng 10% so với đầu năm. Nguồn vốn huy động đạt 736.300 tỷ đồng và dư nợ tín dụng đạt 614.000 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu kiểm soát dưới 2%.

Để đạt được mục tiêu đề ra, HĐQT Sacombank đề ra một số định hướng trọng tâm. Trong đó quyết liệt nhất là việc tác tái cấu trúc mạng lưới, khu vực, chi nhánh, phòng giao dịch và định biên nhân sự không đủ trình độ chuyên môn, không có năng lực điều hành nhằm nâng cao hiệu quả, năng suất lao động của ngân hàng.

Việc xử lý nợ xấu và tài sản tồn đọng, kéo giảm về dưới 3% cũng là mục tiêu ưu tiên của Sacombank vìđây là cơ sở trình ngân Ngân hàng nhà nước phê duyệt hoàn thành đề án tái cơ cấu sau sáp nhập.

Ngoài ra, giám sát chặt tiến độ đầu tư các dự án chuyển đổi số và công nghệ thông tin, đảm bảo hoàn thành và đưa vào khai thác, triển khai hiệu quả. Đồng thời, một trong những mục tiêu cổ đông kỳ vọng gần thập kỷ là Sacombank sẽ thực hiện các thủ tục chia cổ tức từ nguồn lợi nhuận giữ lại.

Tỷ lệ nợ xấu và dự phòng rủi ro của Sacombank. Nguồn VCBS

Đánh giá về Sacombank, công ty chứng khoán VCBS dự báo tăng trưởng tín dụng kỳ vọng của Sacombank đạt 14% trong năm 2025, thấp hơn mức trung bình ngành khi vốn chủ sở hữu của ngân hàng tăng trưởng hạn chế trong giai đoạn tái cơ cấu với tỷ lệ CAR hiện ở mức 10,1%.

Động lực tăng trưởng đến từ hai phân khúc cho vay chính là bán lẻ phục vụ sản xuất kinh doanh và doanh nghiệp vừa và nhỏ đang trên đà hồi phục.

Thêm vào đó, trong trường hợp ngân hàng đủ điều kiện hoàn nhập thu nhập lãi từ các khoản nợ lớn, biên lãi ròng cũng như lợi nhuận của Sacombank sẽ có sự tăng trưởng đột biến.

Đặc biệt, thu nhập từ thu hồi nợ cũng kỳ vọng sẽ tăng trưởng tốt khi thị trường bất động sản sôi động và được tăng cường hỗ trợ về mặt pháp lý với việc luật hóa Nghị quyết 42.

“Hiện áp lực trích lập dự phòng của Sacombank đang ở mức thấp trong 2025”, VCBS nhận định.

Nguyên nhân là do ngân hàng đã trích lập, xử lý, thu hồi 100% trái phiếu VAMC (trích lập 100% cho trái phiếu chưa xử lý, phần còn lại đã xử lý và thực thu tiền mặt, chờ hoàn tất thủ tục tất toán).

Kỳ vọng Sacombank có thể hoàn nhập trích lập từ các khoản nợ lớn với triển vọng rõ ràng nhất từ khoản nợ liên quan đến KCN Phong Phú với dư nợ gốc được hoàn nhập là 5.134 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, chất lượng danh mục cho vay ổn định với các khoản nợ quá hạn và nợ tái cơ cấu giảm dần, rủi ro tập trung và nợ liên đới qua CIC ở mức thấp. Đồng thời, kỳ vọng tiến độ xử lý tài sản tồn đọng của Sacombank sẽ hoàn thành trong 2025-2026.

Các chuyên gia của VCBS kỳ vọng, trong năm 2025 Sacombank sẽ hoàn thành trích lập xử lý toàn bộ nợ xấu thuộc Đề án tái cơ cấu và tất toán toàn bộ trái phiếu VAMC.

“Việc hoàn thành tái cấu trúc và tất toán trái phiếu VAMC là tiền đề quan trọng giúp Sacombank trở lại “đường đua””,VCBS nhận định.

9 năm liền không chia cổ tức

Năm 2024, lợi nhuận sau thuế hợp nhất của Sacombank đạt 10.087 tỷ đồng. Sau khi trích lập các quỹ, ngân hàng còn hơn 7.013 tỷ đồng. Cộng với 18.339 tỷ đồng lợi nhuận hợp nhất giữ lại từ những năm trước, Sacombank hiện đang có hơn 25.352 tỷ đồng lợi nhuận hợp nhất giữ lại lũy kế.

Mặc dù ghi nhận lợi nhuận đáng kể trong năm 2024, Sacombank không có kế hoạch chia cổ tức. Nếu không có động thái nào tại Đại hội cổ đông diễn ra ngày 25/4 tới, đây sẽ là năm thứ 9 liên tiếp Sacombank không chia cổ tức.

Giá trị trái phiếu còn lại tại VAMC của Sacombank. Nguồn VCBS

Trước đó, tại ĐHĐCĐ thường niên 2024, ông Dương Công Minh, Chủ tịch HĐQT cho biết, Sacombank là ngân hàng tái cơ cấu, sáp nhập. Hiện nay, Sacombank đã xử lý nợ xấu cơ bản và chỉ còn lại khoản phần cổ phiếu của ông Trầm Bê.

Sacombank đã trình Ngân hàng Nhà nước cho phép ngân hàng mua lại để bán đấu giá, hiện đang chờ được phê duyệt. Điều kiện để chia cổ tức là Sacombank phải tái cơ cấu thành công.

“Tôi là cổ đông lớn của ngân hàng, tôi cũng mong được chia cổ tức lắm chứ”, ông Minh chia sẻ thời điểm đó.

Cũng như ông Minh, cổ đông Sacombank năm nay có thể vẫn phải tiếp tục chờ cho việc tái cơ cấu hoàn tất để có thể hưởng những đồng cổ tức đầu tiên.

An Nhiên

Tin khác