1. Tài chính

Kỳ III: Nguy cơ 'lỗi hẹn' mục tiêu tăng trưởng

Các chỉ số kinh tế của Trung Quốc vào tháng 7 làm gia tăng lo ngại về giảm phát. Ảnh: Reuters

Mới đây, Trung Quốc đã tạm dừng công bố dữ liệu về tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên, khi con số này gần đây đã tăng vọt lên mức cao kỷ lục. Các dữ liệu khác của nền kinh tế Trung Quốc trong tháng 7 cũng cho thấy tốc độ tăng trưởng chậm trên diện rộng do sự sụt giảm của thị trường bất động sản.

Bà Tao Wang, người đứng đầu bộ phận kinh tế châu Á, đồng thời là chuyên gia kinh tế trưởng Trung Quốc tại Ngân hàng Đầu tư UBS, cho biết: “Sự yếu kém kéo dài trong hoạt động xây dựng bất động sản của Trung Quốc sẽ làm tăng thêm áp lực hàng tồn kho trong lĩnh vực công nghiệp và làm giảm nhu cầu tiêu dùng”.

“Trong trường hợp như vậy, đà tăng trưởng kinh tế Trung Quốc có thể yếu đi trong những tháng còn lại của năm 2023, và Trung Quốc có thể bỏ lỡ mục tiêu tăng trưởng khoảng 5% trong năm nay”, bà Tao Wang nhận định.

Đồng quan điểm, nhóm các chuyên gia kinh tế của Nomura cho biết trong báo cáo mới công bố gần đây rằng: "Theo quan điểm của chúng tôi, Bắc Kinh nên đóng vai trò là bên cho vay cuối cùng để hỗ trợ một số nhà phát triển lớn và tổ chức tài chính gặp khó khăn, đồng thời cũng là bên chi tiêu cuối cùng để thúc đẩy tổng cầu trong nền kinh tế Trung Quốc".

“Chúng tôi cũng nhận thấy ngày càng có khả năng tăng trưởng GDP của Trung Quốc trong năm nay sẽ khó vượt mốc 5%”, các chuyên gia này nói thêm.

Bắc Kinh cũng đã thừa nhận những thách thức kinh tế và báo hiệu sẽ đưa ra nhiều chính sách hỗ trợ hơn. Trước đó, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc bất ngờ hạ lãi suất 0,15 điểm phần trăm đối với các khoản vay kỳ hạn 1 năm mà cơ quan này cấp cho các ngân hàng thương mại, tức lãi suất của cơ chế cho vay trung hạ (MLF), xuống còn 2,5%. Đây là lần thứ hai PBOC hạ lãi suất điều hành này kể từ tháng 6 đến nay.

Lãi suất mua lại đảo ngược kỳ hạn 7 ngày (vốn được coi là lãi suất chính sách ngắn hạn) giảm 10 điểm cơ bản, xuống còn 1,8%. Các chuyên gia kỳ vọng các biện pháp giảm lãi suất sẽ giúp kích thích nhu cầu của người dân và tăng niềm tin vào doanh nghiệp trong nước, qua đó kích thích tăng trưởng kinh tế Trung Quốc.

Mặc dù vậy, các động thái này cần thời gian để phát huy hiệu lực và cho đến nay, nó vẫn chưa đủ để củng cố niềm tin của thị trường. Ông Louise Loo, nhà kinh tế hàng đầu tại Oxford Economics dự đoán, một sự thay đổi chính sách mạnh mẽ và bền vững hơn ở Trung Quốc có thể diễn ra trong quý IV/2023, khi Hội nghị Trung ương 3 dự kiến sẽ được tổ chức.

Các chuyên gia kinh tế lo ngại Trung Quốc khó đạt được mục tiêu tăng trưởng 5% trong năm nay.

Trung Quốc cũng nhấn mạnh rằng, các biện pháp xoa dịu rủi ro trong lĩnh vực tài chính là một trong những ưu tiên của họ. Năm nay, quốc gia này cũng đang trong quá trình tái cơ cấu các cơ quan quản lý tài chính. Nhưng các nhà phân tích của Rhodium nhận định, năng lực tài chính yếu kém của các địa phương hiện nay đang ngăn cản Bắc Kinh sử dụng chính sách tài khóa để hỗ trợ nền kinh tế.

Có thể thấy, nền kinh tế Trung Quốc hầu như không tăng trưởng trong quý 2. Các dấu hiệu giảm phát đang trở nên rõ hơn, làm dấy lên lo ngại rằng Trung Quốc có thể bước vào thời kỳ trì trệ kéo dài.

Dựa trên kinh nghiệm của Nhật Bản trong những năm 1990, Trung Quốc đang có nguy cơ rơi vào "bẫy thanh khoản", một kịch bản trong đó chính sách tiền tệ phần lớn trở nên vô hiệu và người tiêu dùng tích trữ tiền mặt thay vì chi tiêu.

Quốc vụ viện Trung Quốc hồi tháng trước đã đưa ra kế hoạch 20 điểm để khuyến khích người dân chi tiêu nhiều hơn. Trong kịch bản lạc quan nhất, chính phủ Trung Quốc sẽ thiết kế quá trình chuyển đổi dần dần sang tăng trưởng chậm hơn, hy sinh một phần các việc làm trong nhà máy để ưu tiên cho những người làm trong ngành dịch vụ, đồng thời kiểm soát quy mô tổn thất bất động sản.

Theo Diễn đàn doanh nghiệp

Tin khác