1. Tài chính

Kinh tế thế giới sẽ ra sao sau chiến thắng của Tổng thống Mỹ Donald Trump?

Ảnh hưởng lớn tới nước Mỹ và thế giới

"Các cam kết về tài chính của ông Trump thực sự gây rắc rối đối với nền kinh tế Mỹ và thị trường tài chính toàn cầu vốn đã khó khăn, trong khi có thể đe dọa làm suy yếu các thể chế quan trọng", Erik Nielsen - Cố vấn kinh tế trưởng của Tập đoàn UniCredit, nhận xét.

Ông Nielsen cũng cho rằng, thị trường trái phiếu Kho bạc Mỹ cũng đứng trước nguy cơ nghiêm trọng do những thay đổi chính sách tiềm tàng, và từ đó kéo theo sự ổn định tài chính toàn cầu.

Ông Trump cam kết giúp kinh tế Mỹ bùng nổ, thông qua các chính sách như tăng thuế nhập khẩu, trục xuất người nhập cư bất hợp pháp và tăng khai thác dầu khí. Ảnh: DW.

Theo các chuyên gia kinh tế, thuế nhập khẩu, bao gồm mức thuế quan phổ cập 10% đối với hàng nhập khẩu từ tất cả các quốc gia nước ngoài và thuế quan 60% đối với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc, là một chính sách then chốt của ông Trump và có khả năng sẽ có tác động toàn cầu lớn nhất.

Thuế quan cản trở thương mại toàn cầu, làm giảm tăng trưởng cho các nhà xuất khẩu và gây áp lực lên tài chính công của tất cả các bên liên quan. Chúng có khả năng làm tăng lạm phát ở Mỹ, buộc Cục Dự trữ Liên bang (Fed) phải hành động với chính sách tiền tệ chặt chẽ hơn.

Một báo cáo từ Viện Kinh tế Quốc tế Peterson ước tính nếu các đề xuất của Trump được thực hiện, lạm phát Mỹ có thể lên 6-9,3% năm 2026. Mức hiện tại là hơn 2%. Nếu không có chính sách của Trump, lạm phát Mỹ có thể về 1,9%.

Điều này có nghĩa các sản phẩm hàng ngày, từ điện tử đến thực phẩm thiết yếu, đều có thể trở nên đắt đỏ hơn. Theo báo cáo này, chi phí hàng năm với một hộ gia đình trung bình ở Mỹ có thể tăng thêm khoảng 2.600 USD vì các chính sách của ông Trump. Trong khi đó, theo một số ước tính khác, con số này có thể lên đến 7.600 USD.

Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã mô tả tăng trưởng toàn cầu hiện nay là yếu, với hầu hết các quốc gia đều có sự mở rộng "yếu ớt". Trong bối cảnh đó, một tác động tiếp theo đối với thương mại toàn cầu có khả năng gây ra rủi ro sụt giảm đối với mức dự báo tăng trưởng GDP 3,2% của quỹ này cho năm tới.

Trong khi đó, các công ty chủ yếu chuyển chi phí nhập khẩu sang khách hàng, vì vậy thuế quan có khả năng gây lạm phát cho người mua ở Mỹ, buộc Fed phải giữ lãi suất cao trong thời gian dài hơn hoặc thậm chí đảo ngược hướng đi và tăng chi phí đi vay một lần nữa.

Điều này thậm chí còn có khả năng xảy ra hơn nếu ông Trump giữ nguyên các cam kết về chi tiêu và thuế - hành động có thể làm tăng nợ của Mỹ thêm 7,75 nghìn tỷ USD cho đến năm 2035, theo Ủy ban Ngân sách Liên bang có Trách nhiệm, một ủy ban phi đảng phái.

"Lạm phát cao hơn sẽ gây áp lực lên nhu cầu trong nước, đặc biệt là khi nó đòi hỏi phải có phản ứng chính sách tiền tệ hạn chế, với tác động tiêu cực đến tăng trưởng", chuyên gia Anis Bensaidani tại BNP Paribas cho biết.

Khó khăn bủa vây các thị trường mới nổi

Đối với các thị trường mới nổi phụ thuộc vào nguồn quỹ bằng USD, sự kết hợp chính sách như vậy sẽ khiến chi phí vay nợ trở nên đắt đỏ hơn, gây ra tác động kép lên lượng hàng hóa xuất khẩu bị tổn thất (do tăng thuế quan).

Lực tác động đẩy lạm phát của Mỹ lên cao cũng có thể gây áp lực lên giá cả ở những nơi khác, đặc biệt là nếu ông Trump áp thuế quá cao đối với Trung Quốc như đề xuất trước đó.

Thuế quan của Mỹ sẽ khiến nhiều nền kinh tế chao đảo. Ảnh: Internet.

Là nước xuất khẩu lớn nhất thế giới, Trung Quốc đang rất muốn phục hồi tăng trưởng, vì vậy họ có thể tìm kiếm thị trường mới cho hàng hóa bị ép ra khỏi Mỹ và bán phá giá sản phẩm ở nơi khác, đặc biệt là châu Âu.

Các ngân hàng trung ương có thể sẽ phản ứng nhanh chóng vì tâm lý kinh doanh (đặc biệt là đối với các nền kinh tế mở phụ thuộc vào thương mại) sẽ nhanh chóng xấu đi.

Chuyên gia Greg Fuzesi tại JP Morgan cho biết: "Ngay cả trước khi các cuộc khảo sát giảm, Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) có thể đẩy nhanh việc cắt giảm lãi suất xuống mức trung tính 2% và khi các chính sách thuế quan của Mỹ trở nên rõ ràng hơn, việc cắt giảm lãi suất xuống mức dưới trung tính là hợp lý" (lãi suất trung tính là mức lãi suất không có tác dụng kích thích tăng trưởng kinh tế, nhưng cũng không gây áp lực suy giảm tăng trưởng).

Các chính phủ trên thế giới cũng có khả năng trả đũa bất kỳ khoản thuế nhập khẩu nào của Mỹ, qua đó kìm hãm thương mại hơn nữa và cắt giảm sâu hơn vào tăng trưởng toàn cầu.

Lãi suất cao của Fed và chi phí vay thấp hơn ở những nơi khác cũng sẽ thúc đẩy đồng đô la Mỹ gây ra nhiều đau đớn hơn nữa cho các thị trường mới nổi vì hơn 60% nợ quốc tế được tính bằng USD. Và bằng chứng là giá trị đồng euro và đồng yên đã giảm 1,5% qua đêm 5/11.

Mexico có thể là nước bị ảnh hưởng nặng nề nhất sau những phát ngôn của ông Trump về việc đóng cửa biên giới, trong lúc triển vọng kinh tế trong nước đang xấu đi.

Trong khi đó, cũng có những nước được hưởng lợi, và một trong số đó là Brazil, đắc lợi từ hoạt động thương mại lớn hơn với Trung Quốc vì Bắc Kinh đã thay thế toàn bộ đậu nành nhập khẩu từ Mỹ bằng đậu nành Brazil khi căng thẳng thương mại bùng phát trong nhiệm kỳ tổng thống đầu tiên của ông Trump.

Theo Al Jazeera, Ngân hàng Thụy Sĩ UBS ước tính rằng mức thuế 60% đối với hàng hóa Trung Quốc và mức thuế phổ cập 10% sẽ làm giảm tăng trưởng kinh tế toàn cầu 1% vào năm 2026.

Một nghiên cứu của các nhà phân tích tại Trường Kinh tế và Khoa học Chính trị London đã dự đoán tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Trung Quốc sẽ giảm 0,68% và GDP của Liên minh châu Âu sẽ giảm 0,11%. Trong khi đó, Ấn Độ, Indonesia và Brazil sẽ chứng kiến GDP giảm lần lượt 0,03%, 0,06% và 0,07%, theo nghiên cứu này.

Châu Âu chịu áp lực tài chính

Châu Âu cũng có thể chịu thêm đòn giáng của chi phí quốc phòng tăng nếu ông Trump giảm hỗ trợ cho NATO.

Nhiều quốc gia châu Âu lo ngại bị Mỹ áp thuế hàng hóa. Ảnh: AFP.

Châu lục này đã dựa vào sự hiện diện của quân đội Mỹ kể từ khi kết thúc Thế chiến thứ hai và khi cuộc xung đột ở Ukraine vẫn chưa có hồi kết, châu Âu sẽ buộc phải lấp đầy bất kỳ khoảng trống nào do một cuộc rút lui tiềm tàng của Mỹ để lại.

Nhưng nợ chính phủ ở châu Âu đã đạt mức gần 90% GDP, do đó, nền tài chính bị căng thẳng và các chính phủ sẽ phải vật lộn để kích thích nền kinh tế đang chịu nhiều rào cản thương mại trong khi vẫn phải rót tiền cho chi tiêu quân sự.

Bên cạnh những khó khăn về thương mại và thuế quan, một số quốc gia Đông Âu lo ngại rằng ông Trump có thể làm suy yếu hoặc thậm chí làm xói mòn sự ủng hộ thiết yếu của Hoa Kỳ đối với NATO. Nỗi sợ hãi này, cùng với những lo lắng về tương lai của cuộc chiến ở Ukraine và ai sẽ trả tiền, đã đẩy giá nhiều loại tiền tệ Đông Âu xuống như đồng forint của Hungary.

Để xoa dịu ông Trump, châu Âu có thể cần tăng chi tiêu quốc phòng nói chung và tăng hỗ trợ cho Ukraine nói riêng. Trên hết, nhiều chính sách của ông Trump có thể dẫn đến lạm phát bắt nguồn từ Hoa Kỳ và làm tổn hại đến khả năng vay tiền của các quốc gia khác.

Piotr Matys, nhà phân tích ngoại hối cấp cao tại In Touch Capital Markets, nói với hãng tin Bloomberg rằng xét về tổng thể, các chính sách như vậy "sẽ có hậu quả đặc biệt tiêu cực đối với Mexico, nhưng cũng đối với khu vực đồng euro và có mối tương quan chặt chẽ với khu vực Trung và Đông Âu".

"Nhiệm kỳ thứ hai của ông Donald Trump tại vị sẽ là thách thức lớn hơn đối với ngành công nghiệp Đức và châu Âu so với nhiệm kỳ đầu tiên của ông ấy", Thilo Brodtmann, người đứng đầu Hiệp hội Công nghiệp Kỹ thuật Cơ khí Đức, cảnh báo trong một tuyên bố.

Lê Na (Theo Al Jazeera, Bloomberg)

Tin khác