1. Tài chính

Kinh tế thế giới nổi bật (8-14/11): Nga-Iran bắt tay đối phó trừng phạt, Mỹ gây khó châu Âu, Trung Quốc lần đầu phát hành nợ bằng USD

Iran và Nga đã chính thức kết nối mạng lưới liên ngân hàng của hai nước, cho phép sử dụng thẻ ngân hàng Iran trong mạng lưới ATM của Nga. (Nguồn: Shutter stock)

Kinh tế thế giới

Doanh số bán xe điện toàn cầu tăng

Số liệu từ công ty nghiên cứu thị trường Rho Motion cho biết, doanh số bán xe điện và xe hybrid toàn cầu đã tăng 35% lên 1,72 triệu chiếc trong tháng 10/2024 so với cùng kỳ năm ngoái.

Tăng trưởng doanh số được ghi nhận ở tất cả các khu vực, dẫn đầu là mức tăng 54% tại Trung Quốc. Doanh số bán tại nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đạt mức cao kỷ lục 1,2 triệu xe.

Trong khi đó, doanh số bán tại châu Âu chỉ tăng 0,8%, đạt 260.000 chiếc, nhưng là tháng tăng thứ hai liên tiếp (so với cùng kỳ năm 2023). Ngành công nghiệp ô tô châu Âu đang phải đối mặt với nhiều thách thức bao gồm chi phí sản xuất cao, quá trình chuyển đổi sang xe điện và sự đổ bộ tràn lan của các loại xe điện giá rẻ hơn từ các đối thủ Trung Quốc. Mới đây, nhà sản xuất ô tô lớn nhất châu Âu Volkswagen cho biết họ có kế hoạch đóng cửa ít nhất ba nhà máy ở Đức.

Tại Mỹ và Canada, doanh số bán xe điện tăng 11,4% lên 160.000 triệu chiếc. Ở các khu vực còn lại trên thế giới, doanh số bán tăng 10,9%.

Kinh tế Mỹ

* Ngày 12/11, chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden đã hoàn tất việc xây dựng biểu phí khí thải methane đối với các công ty sản xuất khí đốt và dầu mỏ lớn trong nỗ lực khuyến khích các doanh nghiệp cắt giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính, nguyên nhân dẫn đến biến đổi khí hậu.

Theo đó, mức phí đối với khí thải methane sẽ tăng dần theo từng năm, từ 900 USD/tấn trong năm 2024, lên 1.200 USD/tấn và 1.500 USD/tấn lần lượt trong 2 năm tiếp theo.

Cơ quan Bảo vệ môi trường Mỹ (EPA) cho biết quy định thu phí khí thải này chỉ áp dụng với các cơ sở sản suất có lượng phát thải CO2 tương đương trên 25.000 tấn/năm.

* Theo một cuộc khảo sát của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed), các ngân hàng nước này nhận thấy nhu cầu vay kinh doanh yếu hơn trong quý III/2024, trong khi nhu cầu về thẻ tín dụng tiêu dùng và các khoản vay mua ô tô cũng giảm đi. Điều này cho thấy việc Fed hạ lãi suất vẫn chưa cải thiện nhu cầu tín dụng.

Theo Fed, tỷ lệ ròng các ngân hàng nhận thấy nhu cầu vay thương mại và công nghiệp của các khách hàng doanh nghiệp vừa và lớn tăng trong quý III/2024 đã giảm xuống âm 21,3% từ mức 0 trong quý II/2024 và của các doanh nghiệp nhỏ giảm xuống âm 18,6% từ mức 0.

Kinh tế Trung Quốc

* Trung Quốc đang chào bán trái phiếu định giá bằng đồng USD tại Saudi Arabia, đánh dấu lần phát hành nợ bằng đồng bạc xanh đầu tiên của quốc gia này kể từ năm 2021.

Kỳ hạn trái phiếu được chào bán là 3 năm và 5 năm, với lợi suất ban đầu dự kiến cao hơn khoảng 25 điểm cơ bản và 30 điểm cơ bản so với lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ tương ứng. Việc lựa chọn Saudi Arabia là địa điểm phát hành khá bất thường, bởi các giao dịch tương tự thường được thực hiện tại London, New York và Hong Kong (Trung Quốc).

* Thặng dư thương mại của Trung Quốc đang trên đà đạt mức kỷ lục mới trong năm nay. Điều này ngày càng đặt nước này vào thế đối đầu với một số nền kinh tế lớn trên thế giới bởi nó làm trầm trọng thêm sự mất cân bằng trong thương mại toàn cầu và có thể gây ra phản ứng từ Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump.

Nếu tốc độ tăng trưởng tiếp tục như hiện tại, Bloomberg ước tính thặng dư thương mại hàng hóa của Trung Quốc có thể đạt gần 1.000 tỷ USD trong năm 2024. Trong 10 tháng kể từ đầu năm nay, thặng dư thương mại của Trung Quốc đạt 785 tỷ USD, tăng gần 16% so với cùng kỳ năm ngoái và là mức cao nhất từng ghi nhận cho giai đoạn này.

Kinh tế châu Âu

* Ngân hàng Goldman Sachs dự đoán chính sách bảo hộ thương mại của Tổng thống đắc cử Donald Trump sẽ gây bất lợi cho nền kinh tế châu Âu, đặc biệt là Đức vốn đã rơi khủng hoảng. Trên cơ sở đó, ngân hàng đầu tư này đã hạ dự báo tăng trưởng cho khu vực châu Âu.

Theo Goldman Sachs, căng thẳng thương mại mới với Mỹ, áp lực tăng chi tiêu quốc phòng lên châu Âu và niềm tin kinh doanh sụt giảm do rủi ro địa chính trị gia tăng sẽ là những trở lực lớn nhất đối với khu vực.

Goldman Sachs dự báo Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của 20 nước Khu vực sử dụng đồng euro (Eurozone) sẽ tăng 0,8% trong năm tới, giảm so với mức dự báo 1,1% trước đó.

* Ngày 11/11, Iran và Nga đã chính thức kết nối mạng lưới liên ngân hàng của hai nước, cho phép sử dụng thẻ ngân hàng Iran trong mạng lưới ATM của Nga.

Bước đi quan trọng này nhằm mục đích đơn giản hóa các giao dịch tài chính cho du khách Iran và Nga, đánh dấu một cột mốc trong hợp tác kinh tế giữa hai quốc gia. Iran và Nga đã nỗ lực củng cố hệ thống ngân hàng của mình, kể từ khi các lệnh trừng phạt được áp đặt đối với Moscow trong hơn một thập niên. Các kế hoạch đang được tiến hành để giải quyết những thách thức mà các doanh nghiệp ở cả Iran và Nga đang phải đối mặt.

* Truyền thông Nga ngày 13/11 đưa tin, Bộ trưởng Năng lượng Nga Sergei Tsivilev cho biết, việc dỡ bỏ hạn chế xuất khẩu xăng là khả thi do giá nhiên liệu đã ổn định.

Trước đó, hồi tháng 8/2024, Nga đã gia hạn các hạn chế xuất khẩu xăng đến cuối năm nay. Chính phủ Nga đã ra lệnh cấm xuất khẩu các sản phẩm dầu mỏ từ mùa Thu năm 2023 do cuộc khủng hoảng giá cả trên thị trường nhiên liệu đạt đỉnh, giữa lúc tình trạng khan hiếm nhiên liệu phát sinh ở nhiều nơi.

* Theo số liệu do Tổng cục Hải quan Liên bang Nga công bố, trong giai đoạn từ tháng 1-9/2024, thặng dư thương mại của LB Nga tăng lên tương đương 114,9 tỷ USD, tăng 11,55% so với năm 2023. Trong giai đoạn từ tháng 1-9/2024, nhập khẩu vào Nga giảm 10,6 tỷ USD xuống còn 203,3 tỷ USD, trong khi xuất khẩu đạt 318,2 tỷ USD, tăng 1,3 tỷ USD so với cùng kỳ năm trước. Do nhập khẩu giảm đáng kể và xuất khẩu tăng nhẹ nên kim ngạch thương mại của Nga năm nay giảm nhẹ (1,75%), đạt 521,5 tỷ USD.

Theo Tổng cục Hải quan Liên bang Nga, xuất khẩu sang các nước châu Á và châu Phi tăng nhưng lại giảm sang các nước châu Âu và châu Mỹ Latinh.

* Thông báo của Cơ quan Thống kê CH Czech (CSU) ngày 11/11 cho biết, tỷ lệ lạm phát tại quốc gia Trung Âu này trong tháng 10 vừa qua đã tăng lên 2,8% so với mức 2,6% trong tháng 9. Giới phân tích dự báo, tỷ lệ lạm phát của CH Czech sẽ tiếp tục tăng tốc trong thời gian tới và lên trên 3% vào cuối năm 2024.

Nhà kinh tế trưởng Vit Hradil của Cyrrus cho rằng, trong tháng 10 vừa qua, giá cả hàng hóa và một số dịch vụ tại CH Czech tăng giá “tương đối” nhưng giá nhà đất lại tăng mạnh “bất thường”. Tỷ lệ lạm phát tháng 10 ở mức 2,8% trùng hợp với dự báo của Ngân hàng Quốc gia Czech (CNB) trước đó.

* Theo báo cáo dự báo thường niên do Hội đồng chuyên gia kinh tế Đức công bố ngày 13/11, nền kinh tế nước này dự kiến sẽ trì trệ trong năm 2024.

Báo cáo cho biết nền kinh tế Đức vẫn đang trong tình trạng khó khăn. Tốc độ tăng trưởng yếu tiếp tục cho thấy nền kinh tế đầu tàu châu Âu đang tiếp tục chậm lại bởi cả các vấn đề kinh tế và cơ cấu. GDP chỉ tăng tổng cộng 0,1% theo giá trị thực trong 5 năm qua. Điều này có nghĩa tăng trưởng của kinh tế Đức tiếp tục tụt hậu so với quốc tế.

Kinh tế Nhật Bản và Hàn Quốc

* Chính phủ Nhật Bản đang có kế hoạch tiếp tục trợ cấp giá xăng vào năm 2025, với các đợt cắt giảm theo từng giai đoạn.

Trong dự thảo kế hoạch kích thích kinh tế, các khoản trợ cấp sẽ được tiếp tục vào năm 2025. Tuy nhiên, giới hạn giá trần cho người tiêu dùng sẽ được nâng từ khoảng 175 Yyen (1,14 USD) một lít lên 185 Yen.

Trước đó vào tháng 6/2024, Chính phủ Nhật Bản đã quyết định gia hạn trợ cấp xăng cho đến cuối năm và tạm thời áp dụng lại biện pháp giảm giá hóa đơn tiện ích trong suốt mùa Hè.

* Chính phủ Nhật Bản sẽ đề xuất một kế hoạch trị giá 65 tỷ USD để thúc đẩy ngành công nghiệp bán dẫn trong nước bằng các khoản trợ cấp và hỗ trợ tài chính khác trong khoảng thời gian "nhiều năm".

Theo bản dự thảo được tiết lộ vào ngày 11/11, kế hoạch này, với sự hỗ trợ tài chính trị giá 10.000 tỷ Yen (65,1 tỷ USD) trở lên, được đưa ra trong bối cảnh các quốc gia tìm cách tăng cường kiểm soát chuỗi cung ứng bán dẫn sau những cú sốc toàn cầu bao gồm căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc.

* Hiệp hội các nhà kinh doanh Hàn Quốc (FKI) ngày 13/11 công bố phân tích về kết quả kinh doanh của 814 công ty ở lĩnh vực phi tài chính. Tổng doanh thu của các công ty này trong nửa đầu năm 2024 tăng 6,7% so với cùng kỳ năm trước.

Kết quả phân tích cho thấy trong số 814 doanh nghiệp, 194 doanh nghiệp xuất khẩu có doanh thu tăng 13,6%; 620 doanh nghiệp tiêu thụ nội địa có doanh thu giảm 1,9%. Đây là lần đầu tiên kể từ năm 2020, doanh nghiệp tiêu thụ nội địa có doanh thu giảm.

* Ngày 13/11, Phòng Thương mại và Công nghiệp Hàn Quốc (KCCI) thông báo Phó chủ tịch HS Hyosung Cho Hyun Sang sẽ đảm nhận vai trò lãnh đạo Hội đồng cố vấn kinh doanh của Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC).

Theo KCCI, ông Cho đã được bầu làm chủ tịch Hội đồng Tư vấn Kinh doanh APEC 2025 (ABAC) tại cuộc họp ABAC lần thứ 4 được tổ chức tại Lima, Peru vào tuần này. KCCI đóng vai trò là ban thư ký ABAC của Hàn Quốc.

Kinh tế ASEAN và các nền kinh tế mới nổi

* Chính phủ của tân Tổng thống Indonesia Prabowo Subianto nhấn mạnh, các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa (MSME) sẽ trở thành một trong những trụ cột trong nền kinh tế quốc gia.

MSME là một trong những trụ cột tăng trưởng kinh tế quốc gia, vì Indonesia có 66 triệu doanh nghiệp MSME, chiếm 99% tổng số đơn vị kinh doanh trong nước.

Chính sách kinh tế của ông Prabowo nhằm hiện thực hóa mục tiêu tăng trưởng kinh tế ở mức 8% và xóa đói giảm nghèo bằng cách tập trung vào đầu tư, xuất khẩu và các lĩnh vực chiến lược như nông nghiệp, sản xuất và công nghệ.

* Malaysia đã cam kết đạt được mục tiêu phát thải khí nhà kính bằng 0 vào năm 2050, xác định là một quốc gia có trách nhiệm trên toàn cầu trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu, mặc dù chỉ chiếm 0,8% lượng khí thải toàn cầu.

Trong một tuyên bố đưa ra ngày 13/11, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên thiên nhiên và Phát triển môi trường bền vững Nik Nazmi Nik Ahmad đã phác thảo khuôn khổ hành động khí hậu mới của đất nước, bao gồm một loạt mục tiêu đầy tham vọng về việc áp dụng năng lượng tái tạo và giảm phát thải carbon.

* Ngành du lịch Thái Lan vừa đón nhận một tin vui khi tạp chí du lịch có uy tín Travel + Leisure của Mỹ tuyên bố Thái Lan là “Điểm đến của năm 2025” vì sự phong phú về văn hóa, vẻ đẹp thiên nhiên ngoạn mục và ẩm thực tuyệt vời.

Việc lựa chọn Thái Lan cho năm 2025 phản ánh cam kết của tạp chí trong việc nâng cao trải nghiệm của du khách thông qua tính xác thực về văn hóa, sự đa dạng về ẩm thực và các sáng kiến du lịch có trách nhiệm bảo vệ di sản thiên nhiên và văn hóa.

Hải An

Tin khác