Kinh doanh trong thời đại 'BANI'
“Thay đổi là điều không thể tránh khỏi” chẳng phải là chuyện gì mới mẻ. Thật vậy, từ thế kỷ 6 TCN, triết gia Hy Lạp Heraclitus đã nói rằng: “Hằng số duy nhất trong cuộc sống là sự thay đổi”. Tuy nhiên, tốc độ, chiều sâu và chiều rộng của quá trình chuyển đổi được kích hoạt bởi công nghệ kỹ thuật số, được tăng tốc bởi đại dịch, và được làm trầm trọng hơn bởi sự biến động của bối cảnh kinh tế vĩ mô đã tập hợp đủ điều kiện cho một sự thay đổi mô hình không thể chối cãi được.
Cộng đồng doanh nghiệp từ lâu đã sử dụng cụm từ viết tắt VUCA - không ổn định (volatile), không chắc chắn (uncertain), phức tạp (complex) và mơ hồ (ambiguous) - để mô tả trạng thái thay đổi liên tục. Trạng thái này thay thế cho cảm giác chắc chắn, ổn định và quen thuộc mà trước đây mọi người vốn từng quen.
Tuy nhiên, còn một từ viết tắt khác mô tả đúng hơn cuộc sống hiện nay của chúng ta, đó là BANI: dễ đổ vỡ (brittle), lo lắng (anxious), phi tuyến tính (nonlinear) và khó hiểu (incomprehensible). Thuật ngữ này được Jamais Cascio, nhà nhân chủng học, nhà tương lai học và tác giả người Mỹ, đặt ra vào năm 2016. BANI nhấn mạnh hơn nữa sự ngu ngốc của việc lệ thuộc vào khái niệm “ổn định”.
Theo lời của Cascio: “Đó là một khuôn mẫu thể hiện rõ các tình huống ngày càng phổ biến, trong đó sự biến động hay phức tạp đơn giản là những lăng kính không đủ để hiểu được những gì đang diễn ra. Đó là các tình huống trong đó các điều kiện không chỉ bất ổn mà là hỗn loạn. Kết quả của các tình huống này không chỉ khó dự đoán, mà chúng hoàn toàn không thể đoán trước. Hoặc, nói theo ngôn ngữ cụ thể của các khuôn mẫu mới, trong các tình huống này, những gì xảy ra không chỉ đơn giản là mơ hồ, mà là không thể hiểu nổi!”.
Ổn định là một khái niệm không tưởng trong mọi thời đại. Ảnh: LetterPile.
Trên thực tế, tương lai không còn là sự tối ưu hóa cận biên của quá khứ; thay vào đó, nó là một kịch bản thay đổi liên tục và phát triển với tốc độ chưa từng có. Trường hợp điển hình: vào năm 2022, các biên tập viên của Từ điển tiếng Anh Collins đã chọn từ permacrisis (khủng hoảng vĩnh viễn) làm “từ của năm”. Permacrisis được định nghĩa là “một giai đoạn bất ổn và bất an kéo dài”.
Kịch bản này đặt ra một mối đe dọa nghiêm trọng đối với các tổ chức công và tư nhân, làm suy yếu khả năng lập kế hoạch cho tương lai của chính họ. Các giả định kinh tế vĩ mô và sự chắc chắn về địa chính trị, vốn đã tồn tại trong nhiều thập kỷ, nay bị lung lay đáng kể. Chúng ta không thể tiếp tục cho rằng những đường biên giới là bất khả xâm phạm, vật liệu thô luôn sẵn có với chi phí hợp lý, sản xuất có thể được phi địa phương hóa ở hầu hết các khu vực thuận tiện trên thế giới, chuỗi cung ứng sẽ ổn định, nguồn cung năng lượng được đảm bảo, lạm phát sẽ được kiềm chế và GDP toàn cầu sẽ được duy trì bởi các nền kinh tế mới nổi.
Trong cuốn sách The Age of Discontinuity: Guidelines to Our Changing Society (Thời đại gián đoạn: Hướng dẫn cho xã hội đang thay đổi của chúng ta), Peter F. Drucker - người được xem là cha đẻ của quản trị học - là một trong những tác giả đầu tiên kêu gọi chú ý đến sự bất khả thi của việc dự đoán tương lai trong bối cảnh mà việc dự báo từ các xu hướng hiện tại có nguy cơ không đưa chúng ta đến đâu, hoặc thậm chí tệ hơn, là đến sai vị trí.
Trong một kịch bản khó lường như vậy, làm thế nào các nhà quản lý có thể chia sẻ với các cổ đông một dự báo chính xác, đưa ra kết quả có thể dự đoán được và đáp ứng nhu cầu của khách hàng tốt hơn so với đối thủ cạnh tranh? Câu trả lời ngắn gọn là họ không thể, ít nhất là nếu như họ vẫn sử dụng những “cẩm nang” cũ. Vấn đề là không có lãnh đạo một tổ chức hoặc lãnh đạo nhóm nào từng được đào tạo về cách xử lý sự bất ổn.
Trên thực tế, điều ngược lại mới đúng. Các nhà quản lý được đào tạo để đạt được tính kinh tế theo quy mô, phạm vi và học tập trong một bối cảnh tương đối ổn định, cho phép tỷ suất lợi nhuận và lợi tức đầu tư tối đa. Hầu hết các khóa đào tạo không dạy cách đối phó với sự biến động cực đoan.
Giải pháp duy nhất là làm những gì mà sự “bình thường mới” yêu cầu: phát triển một cách tiếp cận linh hoạt, học tập thông qua công việc, tuân theo các nguyên tắc hướng dẫn mới được thiết kế riêng cho thế giới này và do đó, có khả năng thích nghi. Drucker diễn giải rằng cách duy nhất để giải mã sự phức tạp này là hiểu bản chất sâu sắc của sự gián đoạn đằng sau nó.
Philip Kotler, Giuseppe Stigliano/NXB Trẻ