1. Tài chính

Kiên định mục tiêu, linh hoạt điều hành, hóa giải áp lực

Ngay sau chiến thắng của ông Donald Trump, giá vàng thế giới đã giảm mạnh, mất hơn 100 USD/oz, trong khi chỉ số đô la Mỹ (DXY) đạt mức 105,4 điểm, đánh dấu mức cao nhất trong gần bốn tháng qua. Tuy nhiên, khi Fed đưa ra quyết định giảm lãi suất, giá vàng đã phục hồi tăng trở lại và chỉ số DXY điều chỉnh giảm từ 105,4 điểm xuống còn 104,46 điểm.

Là một nền kinh tế mở, Việt Nam chịu ảnh hưởng không nhỏ trước biến động tài chính toàn cầu trong suốt thời gian qua. Trước thực tế đó, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã triển khai những chính sách linh hoạt và thận trọng để duy trì ổn định kinh tế vĩ mô.

Với cơ chế tỷ giá trung tâm biến động linh hoạt theo hai chiều tăng/giảm và biên độ tỷ giá USD/VND hàng ngày +/-5%, từ đầu năm đến nay, NHNN điều hành tỷ giá diễn biến linh hoạt, phù hợp với điều kiện thị trường, góp phần hấp thụ các cú sốc từ bên ngoài. Bên cạnh đó, NHNN linh hoạt áp dụng các biện pháp mua/bán can thiệp ngoại tệ trên thị trường khi cần thiết. Đồng thời, NHNN phối hợp đồng bộ, chặt chẽ với công tác truyền thông, các công cụ chính sách tiền tệ khác như lãi suất, thanh khoản VND… cũng như các biện pháp quản lý ngoại hối nhằm ổn định thị trường ngoại tệ, góp phần kiểm soát lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô.

Trong một số giai đoạn, mặc dù đồng tiền của nhiều nước trong khu vực biến động rất mạnh trước các áp lực trên thị trường tài chính thế giới, nhưng mức mất giá của VND so với USD phù hợp và tương đối ổn định so với xu hướng chung của các đồng tiền. Thực tế thời gian qua, các doanh nghiệp rất ít khi “than phiền” về tỷ giá, cho thấy họ tin tưởng vào điều hành chính sách của NHNN.

Đối với giá vàng, thị trường trong nước về cơ bản phụ thuộc vào diễn biến của giá kim loại quý trên thế giới và quan hệ cung - cầu trên thị trường. Ngoài ra, cũng không loại trừ có yếu tố tâm lý, kỳ vọng, khả năng có sự tồn tại của các hành vi thao túng thị trường, vi phạm các quy định liên quan của pháp luật về thuế, cạnh tranh… đã dẫn đến tình trạng chênh lệch cao giữa giá vàng trong nước, đặc biệt là vàng SJC và thế giới.

Thời gian vừa qua, để kiểm soát và giảm chênh lệch giữa giá vàng trong nước so với giá thế giới ở mức phù hợp, NHNN đã triển khai đồng bộ, linh hoạt nhiều giải pháp. Đến thời điểm này, chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới thu hẹp đáng kể. Sự kiên định nhưng linh hoạt trong điều hành chính sách đã mang lại kết quả tích cực, hóa giải áp lực cho cơ quan điều hành chính sách, đặc biệt góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.

Tại báo cáo gửi tới đại biểu quốc hội liên quan đến một số vấn đề phục vụ phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, NHNN cho biết tiếp tục bám sát diễn biến thị trường, tình hình kinh tế trong và ngoài nước để điều hành chính sách tiền tệ kịp thời, hiệu quả. Cụ thể, NHNN điều hành các công cụ chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, bám sát diễn biến kinh tế vĩ mô, góp phần ổn định thị trường tiền tệ, sẵn sàng hỗ trợ thanh khoản cho hệ thống TCTD; điều hành lãi suất, tỷ giá phù hợp với cân đối vĩ mô, lạm phát và mục tiêu chính sách tiền tệ.

NHNN cho biết sẽ can thiệp thị trường vàng nếu cần thiết với khối lượng, tần suất phù hợp nhằm mục tiêu ổn định thị trường; tiến hành tổng kết đầy đủ việc thực hiện Nghị định 24/2012/NĐ-CP, đề xuất sửa đổi, bổ sung phù hợp với tình hình thực tiễn, góp phần ngăn chặn tình trạng vàng hóa nền kinh tế, không để biến động giá vàng ảnh hưởng đến tỷ giá, lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô…

Từ các biện pháp điều hành tỷ giá, kiểm soát thị trường vàng đến sự điều phối đồng bộ với các công cụ chính sách tiền tệ, NHNN đã khẳng định vai trò quan trọng trong việc bảo vệ nền kinh tế Việt Nam trước những biến động từ bên ngoài. Đây là nỗ lực to lớn trong bối cảnh nhiều thách thức, thể hiện sự nhất quán trong chính sách nhưng vẫn linh hoạt để đạt hiệu quả cao nhất, từ đó bảo đảm môi trường ổn định và hỗ trợ tăng trưởng kinh tế bền vững cho Việt Nam.

Nguyễn Vũ

Tin khác