Kiểm soát tốt lạm phát, dốc lực hỗ trợ tăng trưởng kinh tế
Tâm thế sẵn sàng, ứng phó linh hoạt
Đặt vấn đề chất vấn, đại biểu Nguyễn Tâm Hùng (đoàn Bà Rịa -Vũng Tàu) đề nghị Thống đốc cho biết trước tình hình diễn biến lạm phát toàn cầu và xu thế thắt chặt chính sách tiền tệ của nhiều quốc gia lớn, NHNN có chiến lược nào để bảo đảm sự linh hoạt và duy trì khả năng tự chủ chính sách tiền tệ trong dài hạn? Đại biểu đề nghị Thống đốc NHNN cho biết giải pháp xử lý vấn đề này trong thời gian tới như thế nào?
Về vấn đề này, Thống đốc cho rằng, Việt Nam là một nền kinh tế có độ mở lớn, do đó các dòng thương mại, đầu tư luân chuyển nhanh, mạnh. Các dòng vốn ngắn hạn có thể tức thời đảo chiều, còn dòng vốn trung, dài hạn thì khó đảo chiều hơn. Vì thế, điều hành chính sách tiền tệ đối mặt với áp lực lớn, đòi hỏi NHTW các nước trong đó có Việt Nam phải luôn chuẩn bị tâm thế sẵn sàng để ứng phó linh hoạt với các diễn biến, đồng thời kiên định mục tiêu đề ra, thực hiện giải pháp đồng bộ, linh hoạt, đúng liều lượng, đúng thời điểm, góp phần kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, ổn định thị trường tiền tệ ngoại hối.
Để có thể chuẩn bị từ sớm, từ xa, NHNN và các bộ, ngành đã tăng cường công tác phân tích, dự báo. Tuy nhiên, với những diễn biến khó lường, phức tạp của kinh tế thế giới, thậm chí công tác dự báo cũng trở nên khó khăn hơn. Điều quan trọng hơn nữa, vì chính sách tiền tệ chỉ là một trong các chính sách điều hành kinh tế vĩ mô của Chính phủ, thường được sử dụng để giải quyết các vấn đề ngắn hạn, nên rất cần phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách vĩ mô khác để xác định được mức độ, liều lượng phù hợp của từng chính sách.
Từ nửa cuối năm 2023 đến nay, sau khi đánh giá tình hình kinh tế vĩ mô và tiền tệ, Chính phủ đã khẳng định trong giai đoạn này cần ưu tiên tăng trưởng kinh tế dựa trên chính sách tài khóa mở rộng hợp lý, có trọng tâm, trọng điểm; đồng thời chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt. Bằng cách đó, chúng ta sẽ có phản ứng nhanh nhạy để thích nghi và hóa giải, chứ không thể ngăn ngừa được hết các tác động của kinh tế thế giới.
Phối hợp chính sách tiền tệ và tài khóa rất tốt
Trong khi đó tiếp cận ở góc độ khác, đại biểu Nguyễn Văn Thi (đoàn Bắc Giang) đặt vấn đề với việc đặt mục tiêu tăng trưởng GDP trong thời gian tới ở mức 7% đến 7,5% mỗi năm có ảnh hưởng gì đến mục tiêu điều hành chính sách tiền tệ và NHNN sẽ dự kiến sẽ điều hành chính sách tiền tệ và phối hợp với chính sách tài khóa ra sao để đạt được mục tiêu này?
Trả lời câu hỏi này, Thống đốc cho biết, theo luật định, trong điều hành chính sách tiền tệ, một trong những mục tiêu quan trọng nhất là phải góp phần ổn định giá trị đồng tiền, mà biểu hiện qua chỉ tiêu về lạm phát. Nên trong thiết kế điều hành chính sách tiền tệ, mục tiêu lạm phát là căn cứ quan trọng. Bên cạnh đó, tăng trưởng kinh tế cũng là một chỉ tiêu để NHNN cân nhắc trong đưa ra định hướng về tăng trưởng tín dụng vào đầu mỗi năm, và chỉ tiêu này có thể điều chỉnh tùy theo tình hình thực tế.
Khi đặt ra mục tiêu tăng trưởng kinh tế, các chính sách phải phối hợp tốt, không chỉ giữa chính sách tiền tệ, tài khóa mà cả các chính sách kinh tế vĩ mô khác như chính sách đầu tư, chính sách thương mại… “Trong quá trình tổ chức triển khai, để góp phần tăng trưởng kinh tế thì việc điều hành về lãi suất hay là về tín dụng và các công cụ khác, chúng tôi luôn theo dõi và như tôi đã báo cáo với Quốc hội, trong trường hợp lạm phát mà đảm bảo kiểm soát được theo mục tiêu của Quốc hội đề ra, NHNN sẵn sàng thực hiện các giải pháp để hỗ trợ cho tăng trưởng kinh tế như những giải pháp đã triển khai thời gian vừa qua”, Thống đốc khẳng định.
“Ví dụ, chúng tôi đưa ra gói để hỗ trợ cho vay nhà ở đối với người có thu nhập thấp là 120.000 tỷ đồng và đến nay quy mô là 145.000 tỷ đồng, hay các gói hỗ trợ cho ngành thủy sản trước đây là 30.000 tỷ đồng, đến nay là 60.000 tỷ đồng,… Rất nhiều các giải pháp có thể thực hiện nhưng không chủ quan với lạm phát và nếu lạm phát quay trở lại, NHNN sẽ phải điều chỉnh để làm sao đạt được mục tiêu tổng thể về kiểm soát lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô cũng như đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế”, Thống đốc nói.
Đặc biệt, Thống đốc nhấn mạnh đến sự phối hợp giữa chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa, đây là 2 chính sách quan trọng và trên thực tế NHNN và Bộ Tài chính có sự phối hợp rất tốt. Điều này thể hiện trước tiên ở sự phối hợp, chia sẻ thông tin. Bởi hệ thống ngân hàng nắm giữ tài khoản của ngân sách nhà nước, nên tất cả những biến động về thu - chi của ngân sách nhà nước sẽ tác động đến thanh khoản của hệ thống, NHNN sẽ nắm bắt thông tin để điều hành hàng ngày.
Cùng với đó, hiện nay chúng ta đang đặt mục tiêu ưu tiên tăng trưởng kinh tế với chính sách tài khóa mở rộng có trọng tâm, trọng điểm, hợp lý để tránh sự lệ thuộc quá nhiều vào chính sách tiền tệ. Bởi nếu tăng trưởng kinh tế phụ thuộc quá nhiều vào chính sách tiền tệ, nhất là phần tín dụng mở rộng ra quá sẽ tiềm ẩn rủi ro đối với hệ thống các tổ chức tín dụng (quy mô dư nợ tín dụng trên GDP của Việt Nam đã rất cao, trên 120% GDP).
Chính vì thế, thời gian vừa rồi Chính phủ chỉ đạo rất quyết liệt và tổ chức rất nhiều cuộc họp, có cả những cuộc họp liên quan, đánh giá về thị trường tài chính làm sao để thúc đẩy các phân khúc khác của thị trường tài chính, như trong thị trường chứng khoán có thị trường trái phiếu doanh nghiệp. Đây là những thị trường giải quyết được vốn dài hạn cho doanh nghiệp và người dân. Nếu như giải quyết được nhu cầu vốn dài hạn trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp, thị trường chứng khoán… sẽ bớt áp lực đối với rủi ro của hệ thống các tổ chức tín dụng. Bởi bản chất hoạt động của hệ thống ngân hàng là cung ứng nguồn vốn ngắn hạn, chủ yếu là nguồn vốn lưu động cho doanh nghiệp và người dân.
Lê Đỗ