Kiểm soát nợ thuế
Tuy nhiên, theo đánh giá của Tổng cục Thuế, tỷ lệ người nợ thuế vẫn còn ở mức cao. Trong đó, nợ thuế từ các khoản liên quan đến đất và khoáng sản tăng khá mạnh. Nhiều doanh nghiệp (DN) vi phạm nợ thuế đã bị ngành thuế công khai danh sách hàng tháng. Biện pháp mạnh hơn nữa là cưỡng chế, khoanh nợ yêu cầu rút giấy phép kinh doanh…
Xử lý hàng loạt người nợ thuế
Từ đầu năm đến nay, ngành thuế Đồng Nai đã công bố hàng loạt DN, cá nhân vi phạm nợ thuế quá hạn, bị xử lý cưỡng chế nợ thuế, khoanh nợ thuế yêu cầu rút giấy phép kinh doanh… Trong số các DN, người nợ thuế bị xử lý, nhiều DN đã có nhiều năm nợ thuế quá hạn, từng bị áp dụng cưỡng chế nợ thuế. Nợ thuế liên quan đến đất đai, khoáng sản tăng vọt, do ảnh hưởng của thị trường bất động sản đóng băng.
Thống kê của Cục Thuế tỉnh, đến hết tháng 10-2024, tổng tiền thuế nợ ngành thuế quản lý trên 3,4 ngàn tỷ đồng. Trong đó, nợ các khoản liên quan đến đất và khoáng sản trên 1,4 ngàn tỷ đồng. Do đó, tỷ lệ tổng tiền thuế nợ ngành thuế quản lý trên tổng thực thu ngân sách nhà nước sau khi trừ các khoản liên quan đến đất, khoáng sản thì còn gần 2 ngàn tỷ đồng.
Trong 10 tháng của năm 2024, ngành thuế đã công khai thông tin trên 288 ngàn người nộp thuế nợ thuế quá hạn với số tiền trên 25,5 ngàn tỷ đồng; cưỡng chế trên 4,6 ngàn trường hợp với số tiền nợ trên 1,8 ngàn tỷ đồng. Ngoài ra, ngành thuế còn xử lý khoanh nợ, xóa nợ trên 7,4 ngàn người nộp thuế với số tiền nợ 373 tỷ đồng.
Ông Vũ Anh Cường, Trưởng phòng Quản lý nợ và cưỡng chế nợ thuế, Cục Thuế tỉnh Đồng Nai, cho biết để thu hồi nợ thuế, ngành thuế đã tập trung các giải pháp cưỡng chế, khoanh nợ. Đến hết tháng 10-2024, tổng thu nợ đạt được trên 7,6 ngàn tỷ đồng (bao gồm nợ cũ năm 2023 chuyển sang trên 1,3 ngàn tỷ đồng và nợ phát sinh trong năm trên 6,3 ngàn tỷ đồng). Ngành thuế đang tiếp tục thực hiện các biện pháp cưỡng chế đối với các DN có nợ lớn, kéo dài, rủi ro cao.
Ngoài ra, thời gian qua, đã có hàng ngàn trường hợp bị thông báo tạm hoãn xuất cảnh, cưỡng chế hóa đơn, trích tiền từ tài khoản, khoanh nợ yêu cầu rút giấy phép hoạt động với số tiền nợ thuế hàng trăm triệu đồng.
Tập trung các giải pháp xử lý nợ thuế
Nợ thuế tăng cao và nhiều trường hợp bị xử lý nợ thuế không chỉ diễn ra ở Đồng Nai mà tình trạng này đang diễn ra trên cả nước. Nguyên nhân là do nhiều DN gặp khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 vẫn chưa phục hồi nên đã phát sinh nợ thuế kéo dài và phát sinh thêm tiền chậm nộp thuế. Nhiều khoản thuế thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất chậm nộp còn do chủ đầu tư gặp vướng mắc về thủ tục đất đai khiến dự án chưa thể triển khai. Ngoài những nguyên nhân trên, còn do DN cố tình chây ỳ không thanh toán khiến phát sinh tiền nợ thuế.
Trước thực trạng nợ thuế tăng cao, cuối tháng 9-2024, Tổng cục Thuế đã yêu cầu cục thuế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tập trung triển khai các nhóm biện pháp để thu hồi nợ thuế. Theo đó, Tổng Cục thuế trực tiếp phân công, giao nhiệm vụ và gắn trách nhiệm thu hồi nợ thuế, xử lý nợ đọng thuế cho từng lãnh đạo cấp cục, phòng, các chi cục thuế và từng công chức quản lý. Đồng thời, yêu cầu các đơn vị theo dõi, giám sát, kiểm tra chặt chẽ tiến độ thực hiện các biện pháp đôn đốc, cưỡng chế để đảm bảo việc thực hiện các chỉ tiêu thu nợ và hạn chế phát sinh thêm nợ mới.
Ngoài ra, các đơn vị quản lý thuế phải rà soát, phân loại nợ thuế đảm bảo theo đúng tính chất của khoản nợ và có đầy đủ hồ sơ phân loại theo đúng hướng dẫn tại quy trình quản lý nợ. Trường hợp hồ sơ chưa đầy đủ thì phải kịp thời thực hiện phân loại lại theo đúng tính chất khoản nợ. Thường xuyên theo dõi, hạch toán đầy đủ, chính xác các khoản nợ của người nộp thuế vào ứng dụng quản lý thuế tập trung (TMS), tạo điều kiện thuận lợi để thực hiện điện tử hóa công tác quản lý nợ và cưỡng chế nợ thuế. Triển khai các biện pháp đôn đốc và công khai thông tin theo đúng quy định của Luật Quản lý thuế và các văn bản hướng dẫn thi hành để thu hồi tiền thuế nợ vào ngân sách nhà nước đối với người nợ thuế.
Cục trưởng Cục Thuế tỉnh Đồng Nai Nguyễn Toàn Thắng cho biết, Cục Thuế đã tập trung tuyên truyền, cập nhật những chính sách mới liên quan đến thuế, triển khai, hướng dẫn thực hiện tốt các giải pháp hỗ trợ về thuế. Đồng thời, Cục Thuế tăng cường các biện pháp quản lý, chống thất thu thuế và thu hồi nợ thuế. Cụ thể, là tăng thanh tra, kiểm tra về thuế; rà soát kiểm tra thuế đối với các trường hợp thuộc diện miễn, giảm thuế do chính sách ưu đãi đầu tư, các DN thua lỗ nhiều năm trên địa bàn. Đặc biệt là theo dõi sát sao các khoản thuế, phí được gia hạn để tổ chức đôn đốc người nộp thuế nộp đầy đủ, kịp thời, tránh phát sinh nợ mới và tiền chậm nộp. Đối với công tác thu hồi nợ thuế, ngành thuế sẽ phân loại các khoản nợ thuế và có giải pháp quản lý, đôn đốc phù hợp. Các trường hợp bị cưỡng chế nợ thuế, ngành thuế sẽ rà soát, thực hiện bảo đảm đúng đối tượng theo quy định.
Ngọc Liên