1. Tài chính

Khuyến nghị mô hình Trung tâm tài chính quốc tế cho Việt Nam

Quang cảnh Hội thảo Trung tâm tài chính quốc tế.

Việt Nam có sự khác biệt về khung pháp lý

Trung tâm tài chính quốc tế (TTTCQT) được thiết kế để thu hút các loại vốn khác nhau. Theo ông Richard D. McClellan - Cố vấn độc lập chuyên về chính sách kinh tế, phát triển khu vực tài chính và chiến lược đầu tư, hiện nay, trên thế giới, có nhiều mô hình mà Việt Nam có thể tham khảo, lựa chọn. Ví dụ, TTTC tại Singapore mạnh về giao dịch tài sản và ngoại hối quốc gia, tại Dubai thì mạnh tài chính cá nhân còn Malaysia thì tập trung vào lĩnh vực bảo hiểm và chứng khoán phái sinh. Nhưng, để khuyến nghị cho Việt Nam, ông Richard D. McClellan cho rằng nên theo mô hình của Singapore, tự do hóa hầu hết các dịch vụ tài chính.

Ông này khẳng định, ông biết việc Việt Nam khá cẩn trọng trong việc quản lý tài chính, điều này cũng đã mang lại nhiều lợi ích cho Việt Nam trong việc không gây ra nhiều rủi ro nhưng điều này cũng sẽ không được các nhà đầu tư quốc tế đánh giá cao, bởi khi tham gia vào TTTC, hầu hết đều mong muốn khả năng lưu động vốn dễ dàng hơn, nguồn tiền có thể tự do lưu chuyển từ bên ngoài vào Việt Nam và từ Việt Nam ra ngoài.

Ông Nguyễn Đức Long - Cục trưởng Cục An toàn các tổ chức tín dụng, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam khẳng định, chủ trương thành lập TTTC là một chủ trương lớn và cũng là vấn đề khó, phức tạp đối với Việt Nam. Có thể có nhiều cách thức, điều kiện khác nhau để thành lập TTTC ở các quốc gia nhưng đối với Việt Nam, việc thành lập TTTC còn khó và khác biệt hơn với các nước không chỉ ở quy mô dân số, địa lý… mà còn khác biệt về khung pháp lý.

Theo ông Long, các TTTC vận hành lâu đời ở các quốc gia phát triển có hành lang pháp lý khá thông thoáng; Thậm chí, đối với các nước có xuất phát điểm thấp hơn, khi thành lập TTTC cũng sẽ có khung pháp lý thông thoáng hơn. Nhưng ở Việt Nam quy định chặt chẽ để bảo đảm an toàn kinh tế vĩ mô. Đơn cử như về quy định giao dịch vốn, tự do hóa dòng vốn là một điều kiện lớn để thành lập TTTC nhưng hiện Việt Nam đang quy định chặt chẽ về vấn đề này.

Ngoài ra, các cam kết quốc tế của Việt Nam với đối tác thương mại vẫn có những yêu cầu về bảo vệ thị trường, trong điều kiện của Việt Nam hiện nay, việc mở thêm định chế tài chính, ngân hàng thương mại rất chặt chẽ. “Đối chiếu theo những yêu cầu như vậy, nếu chúng ta có ưu đãi hơn nữa về điều kiện mở định chế tài chính tại TTTC thì cũng là một bài toán. Làm sao để tạo ra một khung pháp lý bảo đảm TTTC hoạt động hiệu quả nhưng vẫn phải bảo đảm an toàn kinh tế vĩ mô là điều cần phải tính toán” - ông Long nói.

Nên chọn thế mạnh nào để phát triển TTTC?

Ông Ryu Je Eun - Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng Shinhan Việt Nam (Shinhanban) cho biết, Shinhanbank hoạt động chủ yếu ở Hàn Quốc với 2 TTTCQT. Trong đó, TTTC Seoul được thành lập năm 2011 và đã phát triển một cơ cấu tài chính toàn diện mang tính toàn cầu, thu hút các công ty toàn cầu cũng như công ty trong nước, hiện là nền tảng cho các dịch vụ tài chính của Hàn Quốc. Còn TTTC Busan thì phát triển tập trung vào hàng hải và các ngành có liên quan.

Để tham gia vào mạng lưới nhà đầu tư quốc tế thì các TTTC này đã đưa ra các ưu đãi cho các công ty trong TTTC như giảm giá thuê, giảm thuế thu nhập và cơ chế thuế ưu đãi hơn so với bên ngoài để hỗ trợ cho các doanh nghiệp, bảo đảm các chuyên gia nước ngoài có thể vào làm việc tại các khu vực này một cách thuận lợi. Đồng thời có nhiều chính sách thu hút lực lượng lao động tài năng nước ngoài.

Dẫn câu chuyện về các lĩnh vực mà TTTC tại Hàn Quốc đã xây dựng, ông Ryu Je Eun đã đưa ra một số đề xuất với Việt Nam. Theo đó, ông Ryu Je Eun cho rằng, Việt Nam cần phải có sự cân bằng giữa ngành tài chính với các ngành phát triển khác. Đây cũng là một trong những mục tiêu của Hàn Quốc. Bên cạnh đó, có các hình thức khuyến khích để thu hút, bảo đảm tính lưu động của dòng vốn và tạo điều kiện để thu hút các nhà đầu tư quốc tế tham gia vào trong ngành tài chính trong nước.

Bà Trương Thị Thu Ba - Phó Giám đốc Ban Định chế tài chính, Ngân hàng Thương mại Cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) đề xuất Việt Nam nên cân nhắc để lựa chọn và triển khai tại TTTC những dịch vụ phù hợp nhất với thế mạnh của Việt Nam. Ví dụ, hiện cần phải xác định Việt Nam đang có lợi thế là có một lượng lao động trẻ và có năng lực xử lý các vấn đề liên quan đến toán, thống kê; Từ đó sẽ có thể đưa ra các dịch vụ thực hiện tại TTTC như quản lý quỹ, kế toán quỹ hoặc kiểm toán nội bộ, hậu kiểm. Với các lợi thế của nhân lực Việt, trình độ ngoại ngữ cũng đã thay đổi và tốt hơn rất nhiều thì sẽ có mức chi phí thấp hơn nhiều so với TTTC ở Singapore hay Hong Kong (Trung Quốc). Do đó, trước mắt, trong giai đoạn đầu TTTC có thể tập trung đầu tư, tập trung triển khai trước những dịch vụ về phân tích tài chính, làm outsource (thuê ngoài) cho các công ty fintech hoặc những ngân hàng lớn trên thế giới.

Theo PGS.TS Hoàng Công Gia Khánh - Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế - Luật (Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh), hiện xu hướng liên quan đến tài chính bền vững và tài chính xanh đang gia tăng, do đó nên định hướng phát triển TTTC ở TP Hồ Chí Minh theo hướng của một TTTC công nghệ. Ở góc độ này TP Hồ Chí Minh cũng đang xếp hạng thứ 40 trong các thành phố có tiềm năng phát triển về công nghệ.

“Không thể nào dùng ý chí chủ quan của chúng ta để có thể buộc các nhà đầu tư hay các bên liên quan phải đến Việt Nam để thực hiện tham gia vào TTTC. Do đó, cần quan tâm đến yếu tố liên quan đến xây dựng thương hiệu. Có thể xây dựng danh tiếng cho TP Hồ Chí Minh hay Đà Nẵng nói riêng hoặc của Việt Nam nói chung. Từ đó, cần có các hoạt động hàng năm với sự tham gia của những lãnh đạo cao cấp để thể hiện sự đồng thuận của một chủ trương lớn của Chính phủ, thế giới vẫn thường gọi là “chính quyền thân thiện” để thu hút được niềm tin của các nhà đầu tư” - PGS.TS Khánh gợi ý.

Ông Richard D. McClellan.

Bà Trương Thị Thu Ba.

Hoàng Tú

Tin khác