1. Chứng khoán

Không vượt được mốc 1.300, VN-Index quay đầu giảm gần 10 điểm

VN-Index tiếp tục giảm gần 10 trong phiên giao dịch

Tuy nhiên, một lần nữa áp lực bán từ vùng điểm số này khiến VN-Index quay đầu giảm. Ngoài một số mã Ngân hàng duy trì được dòng tiền mua chủ động, hầu hết thị trường đều chuyển sang giảm điểm, kéo chỉ số chung hạ dần. Sự giằng co diễn ra trong nửa sau phiên chiều, trước khi lực mua yếu dần và VN-index đóng cửa với mức giảm 9,74 điểm. Trên HoSE, thanh khoản tăng lên 23.270,3 tỷ đồng; khối ngoại mua ròng 575,33 tỷ đồng.

Nhận định thị trường cơ sở, các chuyên gia chứng khoán cho biết, cổ phiếu châu Á đã giảm từ mức đỉnh 32 tháng vào thứ năm khi đà tăng mạnh ở Hồng Kông tạm dừng, trong khi Nikkei của Nhật Bản tăng vọt khi rủi ro thắt chặt chính sách tiền tệ hơn nữa trong năm nay giảm dần. Trong nước, VN-Index giảm gần 10 điểm sau lần thứ 4 thất bại tại ngưỡng 1.300 điểm chỉ trong vài phiên.

Dưới góc nhìn của mình, VBCS cho biết, lực cầu hưng phấn đầu phiên cùng sự đồng thuận ở nhóm cổ phiếu Ngân hàng tạo động lực tốt giúp VN-Index tiến lên tiệm cận mốc 1.300 điểm. Tuy nhiên, đà tăng dần suy yếu do áp lực chốt lời gia tăng áp đảo và một số mã vốn hóa lớn như VHM, VIC điều chỉnh. Diễn biến chốt lời mạnh ở vùng điểm cao cho thấy tâm lý dao động của nhà đầu tư và dường như thị trường chưa sẵn sàng cho sự bứt phá toàn diện.

Đầu phiên chiều là thời điểm lực bán mạnh nhất trong phiên khiến nhiều cổ phiếu ngân hàng cũng không thoát khỏi áp lực điều chỉnh, rung lắc chung như TCB, BID, VCB. Sắc đỏ lan tỏa nhanh chóng và VN-Index trượt sâu nhất gần 11 điểm so với tham chiếu. Trong khi khối nội liên tục chốt lời thì khối ngoại vẫn duy trì mua ròng với tổng giá trị ròng đạt 573,85 tỷ, tập trung mua TCB, STB, FUEVFVND.

Phân tích kĩ thuật, VCBS cho biết, VN-Index ghi nhận phiên điều chỉnh rung lắc mạnh do áp lực chốt lời gia tăng mạnh vùng kháng cự 1.290-1.300 điểm. Ở khung đồ thị ngày, hai chỉ báo RSI và MACD đều cho tín hiệu hình thành phân kỳ âm và chỉ báo CMF tiếp tục neo ở vùng thấp dưới mốc 0 cho thấy sự chững lại của dòng tiền. Tuy nhiên, dải mây xanh Ichimoku vẫn mở rộng lên trên, chỉ số chung vẫn đang vận động trên đường MA20, đồng thời mốc 0.618 của Fibonacci thoái lui là vùng điểm quanh 1.275 nên xác suất về những biến động lớn hơn phần nào được giảm thiểu. Nếu thị trường quay trở lại tích lũy sideway với sự đồng thuận của dòng tiền và thanh khoản thì kỳ vọng sẽ sớm có nhịp hồi phục trong ngắn hạn.

Ở khung đồ thị giờ, VN-Index đi vào dải mây dày Ichimoku nên hiện tượng rung lắc biên độ 10-15 điểm là điều khó tránh. Hai chỉ báo RSI và MACD sau khi tạo phân kỳ âm thì đã kéo xuống vùng thấp và đây có thể là cơ hội để giải ngân giúp hình thành mặt bằng giá mới.

Trần Hương

Tin khác