1. Tài chính

Không loại trừ khả năng có hành vi thao túng thị trường vàng

Sáng nay (11/11), Quốc hội bắt đầu phiên chất vấn với Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng.

Báo cáo Quốc hội trước khi trả lời chất vấn, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết, đại dịch Covid-19 được kiểm soát nhưng hệ lụy và tác động vẫn còn dai dẳng. Căng thẳng chính trị, thương mại gia tăng, lạm phát tăng cao trên phạm vi toàn cầu. Chính sách tiền tệ thắt chặt nhanh và mạnh ở nhiều nước khiến mặt bằng lãi suất thế giới tăng cao.

Ngân hàng Nhà nước đã luôn kiên định mục tiêu, bình tĩnh, chủ động theo dõi sát diễn biến kinh tế, tiền tệ quốc tế và trong nước để điều hành các công cụ và giải pháp chính sách với liều lượng, thời điểm hợp lý với từng bối cảnh, phối hợp chặt chẽ chính sách tài khóa với các chính sách kinh tế vĩ mô khác. Hoạt động ngân hàng đã có đóng góp tích cực đối với việc ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm tăng trưởng kinh tế, ổn định thị trường tiền tệ ngoại hối.

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng trả lời chất vấn. Ảnh: Quốc hội

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước nêu rõ, bên cạnh những kết quả đáng ghi nhận, hoạt động ngân hàng không tránh khỏi thiếu sót, tồn tại, hạn chế, cần tiếp tục nhận diện để khắc phục, tiến tới điều hành chính sách tiền tệ và hoạt động ngân hàng hiệu quả hơn trong thời gian tới, đóng góp vào quá trình phát triển kinh tế xã hội...

Trước đó, trong báo cáo gửi các đại biểu Quốc hội, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết, thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước đã tổ chức việc thực hiện quản lý thị trường vàng trên cơ sở bám sát các quy định của Nghị định 24/2012/NĐ-CP, các văn bản hướng dẫn và các quy định khác của pháp luật có liên quan.

Hiện, số tổ chức tín dụng và doanh nghiệp được cấp Giấy phép kinh doanh mua, bán vàng miếng có 16 doanh nghiệp và 22 tổ chức tín dụng. Với thị trường vàng trang sức, mỹ nghệ đã tổ chức, sắp xếp lại, số doanh nghiệp được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất vàng trang sức mỹ nghệ là 6.681 doanh nghiệp.

Từ năm 2020 đến nay, giá vàng thế giới biến động rất phức tạp, khó lường theo xu hướng tăng là chủ đạo. Nguyên nhân chủ yếu khiến giá vàng quốc tế tăng mạnh trong thời gian gần đây là do căng thẳng địa chính trị, thương mại, xung đột vũ trang tại nhiều quốc gia trên thế giới leo thang khiến nhu cầu tiêu thụ vàng vật chất ở một số nước và dự trữ vàng tăng mạnh.

Trong nước, giá vàng biến động tăng mạnh cùng chiều với giá vàng thế giới. Từ đầu năm 2024 đến tháng 6/2024, chênh lệch giữa giá vàng trong nước và thế giới nới rộng, đặc biệt là đối với vàng miếng SJC.

Mức chênh lệch giá vàng miếng SJC so với giá vàng thế giới có những thời điểm lên đến 18 triệu đồng/lượng (tháng 5/2024). Biến động giá vàng trong nước cơ bản phụ thuộc vào diễn biến của giá vàng thế giới và quan hệ cung-cầu trên thị trường, cụ thể:

Từ năm 2014 đến năm 2023, Ngân hàng Nhà nước không tăng cung vàng miếng SJC ra thị trường. Tuy nhiên, từ tháng 4/2024 đến nay, trước xu hướng tăng mạnh của giá vàng thế giới, dư luận quan tâm, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt việc giảm chênh lệch giá vàng trong nước và quốc tế, Ngân hàng Nhà nước thực hiện can thiệp thị trường vàng qua đấu thầu và bán vàng miếng trực tiếp để bổ sung nguồn cung vàng miếng SJC cho thị trường, hạn chế tác động đến kinh tế vĩ mô, tiền tệ, ngoại hối.

“Nhu cầu mua vàng chủ yếu tập trung tại 2 địa bàn lớn là thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và có yếu tố tâm lý, kỳ vọng. Bên cạnh các lý do nêu trên, không loại trừ khả năng có sự tồn tại của các hành vi thao túng thị trường, vi phạm các quy định liên quan của pháp luật về thuế, cạnh tranh… đã dẫn đến tình trạng chênh lệch cao giữa giá vàng trong nước (đặc biệt là vàng SJC) và thế giới”, Thống đốc Ngân hành Nhà nước cho biết.

Để nhanh chóng kiểm soát và giảm chênh lệch giữa giá vàng trong nước so với giá thế giới, Ngân hàng nhà nước đã tiến hành bán vàng miếng với khối lượng phù hợp, và lựa chọn 4 ngân hàng thương mại Nhà nước và Công ty SJC.

Toàn cảnh phiên chất vấn. Ảnh: Quốc hội

Kết quả là từ ngày 3/06 đến 29/10/2024, Ngân hàng Nhà nước đã tổ chức 44 phiên bán vàng miếng SJC trực tiếp, cung ứng ra thị trường 305.600 lượng vàng SJC (tương đương khoảng 11,46 tấn vàng).

Trước thời điểm Ngân hàng Nhà nước thông báo chủ trương thực hiện bán vàng miếng SJC trực tiếp, vàng miếng SJC trên thị trường trong nước được mua bán ở mức 89-92 triệu đồng/lượng, chênh lệch so với giá thế giới hơn 18 triệu đồng/lượng (~25%).

Kể từ khi chính thức thông báo thực hiện phương án bán vàng miếng trực tiếp, chênh lệch giá bán vàng miếng trong nước so với giá thế giới đã giảm, hiện chỉ còn chênh khoảng 3-5 triệu đồng/lượng so với giá vàng thế giới (khoảng 5%-7%).

Về giải pháp trong thời gian tới, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết, cân nhắc can thiệp thị trường vàng (nếu cần thiết) với khối lượng, tần suất phù hợp nhằm mục tiêu ổn định thị trường và mục tiêu chính sách tiền tệ.

Đồng thời, phối hợp với các bộ, ngành liên quan để triển khai công tác thanh tra, kiểm tra hoạt động của các doanh nghiệp kinh doanh vàng, các cửa hàng, đại lý phân phối và mua bán vàng miếng và các chủ thể khác tham gia thị trường. Kịp thời phát hiện những sơ hở, bất cập để xử lý chủ động, tích cực, hiệu quả theo thẩm quyền và báo cáo đề xuất cấp có thẩm quyền các biện pháp xử lý phù hợp, đúng quy định đối với những vấn đề vượt thẩm quyền.

Tiến hành tổng kết đầy đủ việc thực hiện Nghị định 24/2012/NĐ-CP, đề xuất sửa đổi, bổ sung phù hợp với tình hình thực tiễn, góp phần ngăn chặn tình trạng vàng hóa nền kinh tế, không để biến động giá vàng ảnh hưởng đến tỷ giá, lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô...

Phương Thảo

Tin khác