1. Tài chính

Không lơ là với lạm phát

Sự thận trọng này xuất phát từ việc CPI liên tục tăng khá mạnh trong những tháng qua. CPI tháng 7 tăng 0,45% so với tháng trước, tháng 8 tăng 0,88% và tháng 9 lên tới 1,08%. Công bố của Tổng cục Thống kê cho thấy, một số địa phương tăng học phí theo lộ trình của Nghị định số 81/2021/NĐ-CP, cùng với giá gạo, xăng dầu, gas trong nước tăng theo giá thế giới, giá thuê nhà ở tăng là những nguyên nhân chính đẩy CPI tháng 9 tăng khá lớn so với diễn biến giá cả thị trường những năm gần đây. Đây là mức tăng cao nhất của các tháng 9 trong 5 năm qua.

Thêm vào đó, diễn biến chỉ số CPI đang chứa đựng không ít rủi ro. Giá lương thực, thực phẩm đang tăng. Việc lương cơ bản tăng 20% từ ngày 1.7.2023 cũng sẽ tác động đến giá cả hàng hóa, dịch vụ tiêu dùng. Những tác động này có thể còn lớn hơn trong quý IV, khi vào dịp cuối năm, lễ, Tết, nhu cầu mua sắm hàng hóa, tiêu dùng dịch vụ sẽ tăng cao.

Một rủi ro khác là giá dầu trên thị trường thế giới đang tăng cao, hiện ở mức trên 90 USD/thùng. Dù ngày 2.10 vừa qua, giá xăng dầu trong nước đã được điều chỉnh giảm, qua đó bớt áp lực cho CPI tháng 10, nhưng giá dầu trên thị trường thế giới vẫn là ẩn số. Nhiều dự báo cho rằng, giá dầu có thể sẽ tăng tới 97 USD/thùng. Điều này nếu xảy ra sẽ tác động tới giá xăng dầu trong nước và ảnh hưởng đến lạm phát của nước ta.

Đó là chưa kể còn nhiều yếu tố được cho là sẽ tác động đến giá cả thị trường những tháng cuối năm 2023 và đầu năm 2024. Chẳng hạn, giá điện dự kiến tăng là một điểm đáng lưu ý. Vốn đầu tư công được đẩy mạnh trong những tháng cuối năm có thể cũng tác động tới lạm phát. Đặc biệt, chỉ số lạm phát cơ bản năm nay luôn ở mức cao. Bình quân 9 tháng, lạm phát cơ bản tăng 4,49% so với cùng kỳ năm 2022, cao hơn mức tăng CPI bình quân chung (tăng 3,16%).

Trong bối cảnh như vậy, dù lạm phát mục tiêu vẫn đang trong tầm kiểm soát song không thể không cẩn trọng. Bởi lẽ, chính sách luôn có độ trễ và kiểm soát lạm phát không chỉ là câu chuyện ngắn hạn mà còn xuyên suốt cả một quá trình. Khi lạm phát bùng lên, không dễ để kéo xuống và điều này sẽ tác động lớn tới nền kinh tế - vốn đang gặp rất nhiều khó khăn.

Trước nỗi lo này, hiện đã có những đề xuất về việc nghiên cứu điều chỉnh giá điện hợp lý, kéo dài thời gian miễn giảm một số loại thuế, phí, trong đó có thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu. Tương tự, Quỹ bình ổn giá xăng dầu đang dư hơn 7.000 tỷ đồng, có thể sử dụng để kéo giá xăng dầu trong nước xuống…

Sử dụng biện pháp nào là phụ thuộc vào các cơ quan hoạch định chính sách, dựa trên việc theo dõi, đánh giá tác động đến giá cả, lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô. Tuy nhiên, điều quan trọng là không bao giờ được lơ là, phải luôn cảnh giác trước những rủi ro chực chờ, bao gồm cả rủi ro về lạm phát cao quay trở lại. Bởi lẽ, trong bối cảnh hiện nay, để thúc đẩy tăng trưởng, ổn định kinh tế vĩ mô là nền tảng quan trọng - điều này Quốc hội luôn luôn nhấn mạnh.

Nguyễn Hà

Tin khác