Không để ngành hàng nông sản ĐBSCL thiếu vốn
Ngày 18-11, tại TP Cần Thơ, Báo Đại biểu Nhân dân tổ chức hội thảo "Thúc đẩy tín dụng cho ngành hàng nông sản chủ lực, đưa ĐBSCL phát triển nhanh, bền vững".
TS Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế, thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách tài chính - Tiền tệ quốc gia, cho biết tại ĐBSCL, dư nợ tín dụng vùng đến tháng 9-2024 đạt 1,18 triệu tỉ đồng, trong đó dư nợ nông nghiệp, nông thôn chiếm 54%. Dù tín dụng ngành lúa gạo tại ĐBSCL tăng 18% so với cuối năm 2023 nhưng mức tăng trưởng đầu tư vào nông nghiệp vẫn thấp hơn so với nhiều ngành khác.
Công bố mới đây của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho thấy kết quả triển khai một số chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn chưa được như kỳ vọng. Đơn cử như việc cho vay không có tài sản bảo đảm mới chiếm khoảng 20% dư nợ nông nghiệp, nông thôn; tài sản bảo đảm khoản vay là đất nông nghiệp có giá trị thấp, công trình xây dựng trên đất chậm được cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu, khó định giá, vẫn là vướng mắc lớn.
"Thời gian tới, quan điểm chỉ đạo của NHNN là về nguồn vốn, để kiểm soát lạm phát và bảo đảm an toàn hệ thống nhưng với nông nghiệp, nông thôn và đặc biệt ĐBSCL là không để thiếu vốn. Nếu ngân hàng thương mại thiếu vốn thì NHNN sẽ có biện pháp tái cấp vốn hoặc có hình thức cụ thể để hỗ trợ nguồn lực" - ông Đào Minh Tú, Phó Thống đốc Thường trực NHNN, nhấn mạnh.
Đồng thời, NHNN tiếp tục chỉ đạo các tổ chức tín dụng rà soát, đơn giản hóa thủ tục hồ sơ vay vốn, tài sản bảo đảm, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng.
C.Linh