1. Chứng khoán

Khối ngoại trở lại bán ròng phiên giao dịch chứng khoán cuối cùng quý III

Đáng chú ý, sau 3 phiên mua ròng liên tiếp, khối ngoại đã trở lại bán ròng trong phiên giao dịch hôm nay (30/9).

Chốt phiên giao dịch ngày 30/9, VN-Index giảm 2,98 điểm xuống 1.287,94 điểm. Khối lượng giao dịch đạt hơn 748,3 triệu đơn vị, tương ứng trên 16.288,5 tỷ đồng. Toàn sàn có 153 mã tăng giá, 241 mã giảm giá và 70 mã đứng giá.

HNX-Index giảm 0,8 điểm xuống 234,91 điểm. Khối lượng giao dịch đạt hơn 56,7 triệu đơn vị, tương ứng hơn 1.147 tỷ đồng. Toàn sàn có 61 mã tăng giá, 98 mã giảm giá và 64 mã đứng giá.

UPCOM-Index giảm 0,34 điểm xuống 93,56 điểm. Khối lượng giao dịch đạt hơn 45,2 triệu đơn vị, tương ứng hơn 654,1 tỷ đồng. Toàn sàn có 113 mã tăng giá, 159 mã giảm giá và 101 mã đứng giá.

Khối ngoại trở lại bán ròng phiên giao dịch chứng khoán cuối cùng quý III. Ảnh: Đức Duy/BNEWS/TTXVN

Nhóm cổ phiếu ngân hàng diễn biến tiêu cực với sắc đỏ chiếm ưu thế, tạo áp lực giảm điểm lên VN-Index. Theo đó, các mã trụ cột ngân hàng như ACB, BID, CTG, HDB, STB, VCB… đều ở chiều giảm giá.

Cùng đó, một loạt cổ phiếu đầu ngành như VHM giảm 1,38%, VRE giảm 1,55%, VNM giảm 1,27%, BCM giảm 1,54%, SAB giảm 1,2%...

Ngành viễn thông có mức giảm mạnh do VGI giảm 1,38%, YEG giảm 0,87%, CTR giảm 0,47% và FOX giảm 1,12%).

Cổ phiếu của các ngành còn lại chủ yếu diễn biến phân hóa với sắc xanh, đỏ đan xen.

Khối ngoại trở lại bán ròng mạnh tay 579 tỷ đồng trên toàn thị trường, chấm dứt chuỗi 3 phiên mua ròng trước đó.

Cụ thể, khối ngoại bán ròng mạnh tay hơn 505 tỷ đồng trên HOSE. HPG bị khối ngoại bán ròng lên tới 291 tỷ đồng. Tiếp đến, STB bị bán ròng hơn 100 tỷ đồng. Khối ngoại cũng bán ròng 79 tỷ đồng trên HNX và chỉ mua ròng khoảng 5 tỷ đồng trên UPCOM.

Theo ông Đinh Quang Hinh, Trưởng bộ phận vĩ mô và chiến lược thị trường, Công ty cổ phần chứng khoán VNDirect (VNDirect), xu hướng giảm lãi suất của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) sẽ có tác động tích cực tới nền kinh tế và thị trường tài chính-tiền tệ.

Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) ngày 18/9 đã chính thức khởi động nới lỏng chính sách tiền tệ, động thái được thị trường chờ đợi từ lâu, với quyết định cắt giảm 0,5 điểm phần trăm lãi suất điều hành.

Việc Fed giảm lãi suất sẽ hỗ trợ nền kinh tế Mỹ và thúc đẩy nhu cầu tiêu dùng, qua đó tác động tích cực tới triển vọng xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ. Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, chiếm gần 30% tổng giá trị nhập khẩu của nước ta. Việc Fed giảm lãi suất cũng khiến chỉ số đô la Mỹ (DXY) suy yếu, giúp hạ nhiệt áp lực tỷ giá và lạm phát, qua đó tạo điều kiện để Ngân hàng Nhà nước linh hoạt hơn trong điều hành chính sách tiền tệ, chuyển hướng ưu tiên sang hỗ trợ thanh khoản hệ thống và duy trì môi trường lãi suất thấp để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Nghiệp vụ thị trường mở (OMO) và mua vào dự trữ ngoại hối để cung tiền đồng ra thị trường nhằm cải thiện tăng trưởng cung tiền, vốn rất chậm kể từ đầu năm nay. Với những kỳ vọng trên, ông Hinh duy trì quan điểm tích cực đối với thị trường chứng khoán Việt Nam trong trung hạn từ nay tới cuối năm.

“Tôi duy trì quan điểm tích cực đối với triển vọng của thị trường chứng khoán Việt Nam trong giai đoạn cuối năm và kịch bản VN-Index vượt mốc 1.300 điểm trong năm nay hoàn toàn khả thi nhờ chính sách tiền tệ theo hướng nới lỏng hơn, kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp niêm yết tiếp tục cải thiện và tiến triển mới trong câu chuyện nâng hạng thị trường”, ông Hinh nêu quan điểm.

Văn Giáp/BNEWS/TTXVN

Tin khác