1. Chứng khoán

Khối ngoại bán ròng kỷ lục có đáng lo?

Từ đầu tháng 11 đến nay, cụm từ “khối ngoại bán ròng” liên tục xuất hiện mỗi khi đóng cửa các phiên giao dịch.

Nhiều yếu tố áp lực

Tính từ đầu năm 2024 đến nay, khối ngoại đã bán ròng hơn 85.000 tỷ đồng trên HoSE, tương đương hơn 3,3 tỷ USD - con số kỷ lục trong hơn 24 năm hoạt động. Trong 20 tháng qua, khối ngoại chỉ tạm dừng xả hàng duy nhất tháng 1/2024.

Theo các chuyên gia, chưa bao giờ trong lịch sử thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam ghi nhận đà bán ròng của khối ngoại lớn đến vậy. Động thái rút vốn của khối ngoại trước hết được cho là đến từ áp lực tỷ giá.

Tính từ đầu năm 2024 đến nay, khối ngoại đã bán ròng hơn 85.000 tỷ đồng trên HoSE.

Từ đầu năm 2024, tỷ giá USD được ví như đi “tàu lượn” bởi mức độ biến động lớn. Giá đồng bạc xanh khi quy đổi ra VND tăng mạnh trong quý II và lập đỉnh vào cuối tháng 6, tăng hơn 4% so với đầu năm. Tuy nhiên, chỉ vài tháng sau đó, sức ép của tỷ giá bất ngờ hạ nhiệt nhanh chóng, có thời điểm chỉ tăng chưa tới 2% so với đầu năm. Dù vậy, mức này cũng không duy trì được lâu. Đến đầu tháng 11, tỷ giá tiếp tục là mối lo ngại của thị trường khi tăng vọt trở lại, trước lo ngại về chính sách của ông Donald Trump khi trở lại Nhà trắng có thể khiến đồng bạc xanh đi lên.

Việc VND mất giá so với USD tác động đến hiệu suất của các quỹ ngoại, làm hạn chế khả năng hút vốn. Đáng chú ý, xu hướng này được nhiều tổ chức dự báo sẽ còn tiếp diễn trong thời gian tới.

Trong báo cáo mới cập nhật, Dragon Capital cho biết tổng tiền gửi bằng USD trong hệ thống ngân hàng Việt Nam đã giảm từ 42 tỷ USD vào năm 2022 xuống còn 39,5 tỷ USD vào năm 2024. Dự trữ ngoại hối cũng giảm hơn 20 tỷ USD từ mức đỉnh 110 tỷ USD. Đồng thời, khoản trái phiếu quốc tế trị giá 1,1 tỷ USD sắp đáo hạn, cùng với việc doanh nghiệp và người dân gia tăng nắm giữ USD đã tạo áp lực ngắn hạn.

Báo cáo mới nhất của KIM cũng cho rằng, các chính sách hỗ trợ tăng trưởng của ông Donald Trump sẽ làm USD mạnh lên, gây áp lực lớn với VND. Bên cạnh đó, tốc độ và mức độ cắt giảm lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có thể bị hạn chế bởi các đề xuất của ông Donald Trump và kịch bản này có thể hạn chế khả năng tiếp tục giảm lãi suất của Việt Nam.

Số liệu kinh tế Mỹ mới đây cho thấy doanh số bán lẻ nước này trong tháng 10 tăng 0,4%. Mức tăng của tháng 9 cũng được điều chỉnh cao gấp đôi, lên 0,8%. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Mỹ trong tháng 10 tăng 2,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Các nhà kinh tế học nhận định tốc độ hạ nhiệt lạm phát đang chậm lại. Chủ tịch Fed Jerome Powell tuần trước cho biết nền kinh tế vẫn ổn định, đồng nghĩa họ không gấp rút hạ lãi suất.

Bên cạnh yếu tố tỷ giá, dòng vốn ngoại dịch chuyển còn do chênh lệch hiệu suất hoạt động giữa các thị trường. TTCK Việt Nam đang được 2 tổ chức là MSCI và FTSE Russell xếp vào nhóm 3 - thị trường cận biên. Trong đó, FTSE Russell đưa Việt Nam vào danh sách chờ nâng hạng lên nhóm 2 - thị trường mới nổi. Nếu xét về mức tăng của chỉ số chứng khoán, những thị trường cận biên và mới nổi có hiệu suất thấp hơn hẳn nếu so với khu vực phát triển.

Ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc phân tích Chứng khoán Yuanta cho rằng trong bối cảnh các thị trường như Phố Wall (Mỹ) hay Nhật Bản, Hàn Quốc tăng trưởng vượt bậc, áp lực dịch chuyển dòng vốn là điều khó tránh.

"Áp lực phải đạt tăng trưởng của các quỹ là không hề nhỏ, bắt buộc họ phải tìm tới những thị trường hấp dẫn để giữ danh mục đầu tư của mình vượt qua mức tăng của chỉ số chính hoặc không thua các đối thủ khác", ông Minh nói.

Ngoài ra, việc thiếu cơ hội đầu tư dài hạn đủ hấp dẫn do thiếu hàng hóa chất lượng là nguyên nhân chính khiến nhà đầu tư nước ngoài không mặn mà với TTCK Việt Nam. Số lượng doanh nghiệp mới lên sàn rất ít, những cái tên thực sự đáng chú ý lại càng khan hiếm. Hoạt động đấu giá cũng diễn ra ảm đạm. Điều này làm thu hẹp lựa chọn của dòng vốn ngoại.

"Việc bình thường", chưa phải hiện tượng tiêu cực

Từ đầu tháng 11, quy định mới theo Thông tư 68/2024/TT-BTC cho phép các nhà đầu tư tổ chức nước ngoài có thể giao dịch mua cổ phiếu không cần ký quỹ trước (non-prefunding) được kỳ vọng sẽ thúc đẩy nhà đầu tư nước ngoài giao dịch nhiều hơn.

Thế nhưng, với những gì đang diễn ra có thể thấy hiệu ứng của những quy định mới này dường như khá mờ nhạt trong bức tranh chung hiện nay, đặc biệt là chỉ mới có một số công ty chứng khoán thuộc top đầu thị trường triển khai. Nhiều ý kiến cho rằng rất khó để chờ đợi vào một sự thay đổi rõ rệt trong ngắn hạn.

Theo thống kê của Chứng khoán Yuanta, quy mô vốn hóa toàn thị trường hiện là hơn 260 tỷ USD, trong đó khối ngoại đang sở hữu 16%, khoảng 10-15% trong số đó là nhà đầu tư chiến lược nắm giữ, 1% còn lại tương đương khoảng 2 tỷ USD có thể mua bán liên tục và nhiều khả năng sẽ bị rút ra tiếp.

Tuy nhiên, về dài hạn, ông Barry Weisblatt David – Giám đốc Khối Phân tích VNDIRECT cho rằng khi Việt Nam chính thức được FTSE nâng hạng vào tháng 9/2025 và các công ty Việt Nam được đưa vào các chỉ số thị trường mới nổi, có thể kỳ vọng dòng vốn lớn từ các quỹ ETF vào thị trường mới nổi, ước tính khoảng 500 triệu đến dưới 1 tỷ USD.

Trước đó, trong một sự kiện đầu tháng 7, bình luận về động thái bán ròng của khối ngoại, Phó Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước Bùi Hoàng Hải đánh giá việc bán ròng, rút vốn chưa phải hiện tượng tiêu cực. Nhà đầu tư nước ngoài trên thị trường Việt Nam hiện sở hữu danh mục đầu tư khoảng 46 - 49 tỷ USD.

Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi cũng nhìn nhận khối ngoại điều chỉnh cơ cấu danh mục đầu tư là "việc bình thường". "Đâu đó có chuyện quỹ này, quỹ kia của nước ngoài thay đổi khẩu vị rủi ro do cách quản trị của họ" - Thứ trưởng nhận xét và khẳng định bệ đỡ quan trọng nhất của TTCK là tính ổn định vĩ mô của nền kinh tế.

Trong khi đó, ông Nguyễn Thế Minh cho rằng việc rút ròng có thể do thời điểm này chưa phải lúc thích hợp để “xuống tiền”, nhưng cơ bản “khối ngoại vẫn thích thị trường Việt Nam”.

Hải Giang

Tin khác