1. Chứng khoán

Khối ngoại bán ròng 3,6 tỷ USD, kỷ lục buồn của chứng khoán Việt

Khối ngoại bán không ngơi tay từ đầu năm đến nay. Ảnh: Nam Khánh.

VN-Index vừa kết thúc phiên giao dịch 20/11 với việc tăng 11,39 điểm (+0,95%) lên 1.216,54 điểm. Nhờ hiệu ứng "bắt đáy" từ các nhà đầu tư, chỉ số đại diện sàn HoSE nhanh chóng có động lực hồi phục và chấm dứt chuỗi giảm 4 phiên liên tiếp trước đó.

Đà hưng phấn giúp sắc xanh chiếm ưu thế trên bảng điện tử. Toàn thị trường ghi nhận tổng cộng 497 mã tăng (gồm 26 mã tăng trần), 843 mã giữ tham chiếu và chỉ 268 mã giảm (gồm 21 mã giảm sàn).

Tuy nhiên, điểm trừ của phiên hôm nay là khối ngoại vẫn bán ròng 1.400 tỷ đồng. Đây là phiên thứ 4 liên tiếp nhóm này xả danh mục với quy mô trên 1.000 tỷ đồng.

Hơn 3,6 tỷ USD bị bán ra

Tính từ đầu năm đến nay, khối ngoại đã bán ròng gần 92.000 tỷ đồng trên cả 3 sàn. Với riêng sàn HoSE, giá trị giao dịch ròng là âm 90.000 tỷ đồng, mức cao nhất từ trước đến nay.

Trong đó, cổ phiếu VHM dẫn đầu danh mục hạ tỷ trọng với giá trị gần 18.400 tỷ đồng, cao gấp đôi mã đứng sau là VIB (-8.140 tỷ đồng).

Nhìn chung, danh mục bán ra của các nhà đầu tư nước ngoài hầu hết là cổ phiếu trụ. Ngoài 2 mã kể trên còn có chứng chỉ quỹ ETF FUEVFVND (-7.205 tỷ đồng), FPT (-6.956 tỷ đồng), MSN (-6.600 tỷ đồng), VRE (-5.049 tỷ đồng), HPG (-4.707 tỷ đồng), VPB (-4.279 tỷ đồng), VIC (-3.319 tỷ đồng) và VNM (-3.129 tỷ đồng).

Trong khi đó ở chiều mua, tiền ngoại chỉ chảy nhỏ giọt vào một số cổ phiếu có câu chuyện riêng như MWG (+1.528 tỷ đồng). Đây cũng là mã chứng khoán duy nhất duy trì được giá trị mua ròng trên 1.000 tỷ đồng từ khối ngoại.

Trước khi quay đầu điều chỉnh từ đầu tháng 9 đến nay, cổ phiếu MWG đã chứng kiến nhịp tăng giá lên tới 63% tính từ đầu năm.

Bên cạnh câu chuyện tái cơ cấu, doanh nghiệp bán lẻ này được nhiều nhà đầu tư kỳ vọng sẽ hưởng lợi từ xu hướng phục hồi của ngành tiêu dùng cũng như việc một số mảng kinh doanh như Bách Hóa Xanh, EraBlue bắt đầu đem về lợi nhuận.

Bên cạnh MWG, một số cổ phiếu được khối ngoại gom mạnh còn có SBT (+933 tỷ đồng), HVN (+807 tỷ đồng), NLG (+797 tỷ đồng), MBB (+495 tỷ đồng), PNJ (+480 tỷ đồng), EIB (+422 tỷ đồng), SIP (+409 tỷ đồng), HAH (+400 tỷ đồng) và PC1 (+379 tỷ đồng).

Khi nào khối ngoại ngừng bán ròng?

Theo ông Trần Đình Minh, chuyên gia phân tích tại New World Group, tình trạng tỷ giá leo thang là một trong những nguyên nhân kích thích làn sóng bán ròng của nhà đầu tư nước ngoài thời gian vừa qua.

Khi USD tăng giá, các công ty xuất khẩu sẽ gặp khó khăn khi bán hàng ra quốc tế vì sản phẩm sẽ trở nên đắt đỏ hơn. Chi phí mua nguyên liệu từ các quốc gia khác cũng tăng lên, gây suy giảm kết quả kinh doanh và phản ánh vào tiềm năng của cổ phiếu.

Áp lực tỷ giá cũng làm tăng lạm phát, một trong những yếu tố tác động tiêu cực đến thị trường chứng khoán.

“Một số nhà đầu tư có thể chuyển đổi các khoản đầu tư từ các quốc gia có tiền tệ giảm giá sang quốc gia có tiền tệ tăng giá để tối ưu hóa lợi nhuận”, ông Minh nhận định.

Đồng quan điểm, chuyên gia phân tích Phạm Trần Đức Thắng cũng tại New World Group đánh giá chiến thắng của ông Trump khiến các doanh nghiệp Mỹ trở nên hấp dẫn hơn và có lợi thế thu hút dòng vốn từ các thị trường mới nổi hoặc thị trường cận biên như Việt Nam.

Về tỷ giá, cặp USD/VND đã đạt mức cao nhất trong năm, vượt qua vùng cản của giai đoạn tháng 4-8. Việc tỷ giá tăng cao khiến lợi nhuận tiềm năng từ việc đầu tư vào các thị trường sử dụng đồng tiền khác không phải USD giảm đi.

Đồng thời, trong giai đoạn tỷ giá chưa có dấu hiệu dừng tăng như hiện nay, tính rủi ro và chi phí đền bù tỷ giá gia tăng khiến VN-Index trở nên kém hấp dẫn đối với dòng tiền ngoại.

Tỷ giá căng thẳng cũng khiến Ngân hàng Nhà nước không còn nhiều dư địa về việc nới lỏng chính sách tiền tệ, dẫn tới dự báo về việc tín dụng khó được mở rộng và dòng tiền trên thị trường bị hạn chế.

Theo ông Đinh Quang Hinh, Trưởng bộ phận vĩ mô và chiến lược thị trường Công ty Chứng khoán VNDirect, đà tăng của chỉ số USD Index và lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ đã gây sức ép lên tỷ giá VND và dư địa điều hành chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước.

Việc tỷ giá trung tâm liên tục được điều chỉnh tăng trong tuần qua và tỷ giá liên ngân hàng gần quay lại mức đỉnh hồi giữa năm, cộng với mặt bằng lãi suất liên ngân hàng tăng trở lại vượt mốc 5% đã tác động xấu tới tâm lý của giới đầu tư.

Đây cũng là tác nhân ảnh hưởng tiêu cực đến diễn biến của nhóm cổ phiếu ngân hàng, chứng khoán, thép vốn có độ nhạy cao với biến động tỷ giá và lãi suất.

Đà bán ròng của khối ngoại tập trung ở những mã bluechip cũng làm gia tăng áp lực lên các chỉ số chứng khoán.

Minh Khánh

Tin khác