Khoảng 800.000 tỷ đồng ngân sách nhàn rỗi đang gửi tại Ngân hàng Nhà nước
Sáng 11/11, Quốc hội tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn nhóm vấn đề thứ nhất thuộc lĩnh vực ngân hàng.
Tham gia chất vấn, đại biểu Hà Sỹ Đồng (đoàn Quảng Trị) nêu sự phối hợp giữa chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ trong điều hành kinh tế vĩ mô là hết sức quan trọng.
Theo đại biểu, hơn 1 triệu tỷ đồng tiền nhàn rỗi của ngân sách đang để tại Kho bạc Nhà nước thời gian qua. "Thống đốc đánh giá như thế nào về sự phối hợp giữa Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tài chính và Kho bạc Nhà nước để điều hành chính sách tiền tệ một cách tốt nhất", ông Đồng chất vấn.
Trả lời, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết, theo luật định, Ngân hàng Nhà nước là ngân hàng cung ứng dịch vụ cho Chính phủ. Các khoản tiền gửi của Chính phủ thì gửi tại Ngân hàng Nhà nước, tuy nhiên theo luật ngân sách, các khoản tiền ngân sách thì cũng cho phép gửi tại các ngân hàng trong hệ thống.
Qua đánh giá tình hình thực tiễn thì trước đây tiền gửi của Kho bạc Nhà nước chưa sử dụng thì chủ yếu gửi tại các ngân hàng thương mại. Tuy nhiên trong những năm gần đây chuyển về Ngân hàng Nhà nước.
"Với con số hơn 1 triệu tỷ đồng thì có khoảng 80% đang gửi tại Ngân hàng Nhà nước", Thống đốc nói.
Theo bà Hồng, với gửi tiền này cũng sẽ có tác động đối với hoạt động của ngân hàng cũng như chính sách tiền tệ vì gửi tiền ở hệ thống ngân hàng thì khi sử dụng, gửi với khối lượng lớn như vậy cũng có những tác động đến thanh khoản của hệ thống.
Vì vậy trong thời gian vừa qua Ngân hàng Nhà nước và Bộ Tài chính cũng đã có những quy chế phối hợp. Hai bên thường xuyên trao đổi thông tin để Ngân hàng Nhà nước chủ động điều tiết tiền tệ.
Bà Hồng nói thêm, đối với các tổ chức tín dụng họ cũng phải nắm bắt thông tin về những thu chi ngân sách, đặc biệt thu chi khối lượng lớn trong thời gian ngắn để bản thân các tổ chức tín dụng chủ động trong điều tiết tiền tệ.
Còn với kinh nghiệm các nước, cách thức điều chuyển tiền gửi của ngân sách Nhà nước tại hệ thống ngân hàng thương mại về Ngân hàng Nhà nước cũng là một giải pháp khi được thực hiện khi lạm phát tăng quá cao thì sẽ hút tiền về Ngân hàng Nhà nước, ngân hàng Trung ương. Trường hợp ngược lại khi hỗ trợ tăng trưởng kinh tế thì điều chuyển ngược lại.
Đối với hoạt động của hệ thống ngân hàng để tránh trường hợp ngân hàng sử dụng nguồn tiền này cho vay mà không thu nợ được thì sẽ rủi ro. Theo quy định pháp luật hiện hành thì các tổ chức tín dụng không được sử dụng những số tiền này để cho vay.
Tuy nhiên, cách gián tiếp số tiền này sẽ giúp các tổ chức tín dụng cân đối đảm bảo thanh khoản nên cũng cần theo dõi sát, không chủ quan, đảm bảo mỗi tổ chức tín dụng cân đối vốn an toàn cho hoạt động của mình.
Nguyễn Thu Huyền