Khoảng 27.000 tỷ đồng đã được 'bơm' cho người dân, doanh nghiệp phục hồi sản xuất, kinh doanh sau bão số 3
Sáng 11/11, tại Nhà Quốc hội, tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn nhóm vấn đề thứ nhất thuộc lĩnh vực ngân hàng. Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn chủ trì điều hành phiên họp.
Chất vấn Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng, đại biểu Ma Thị Thúy - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Tuyên Quang khẳng định: Cơn bão số 3 vừa qua ảnh hưởng nghiêm trọng tới mọi mặt của đời sống xã hội, gây thiệt hại lớn về người, tài sản, nhiều cây trồng, vật nuôi bị thiệt hại nặng nề.
Cụ thể, theo Báo cáo của Chính phủ, tổng thiệt hại về kinh tế do cơn bão số 3 gây ra ước tính trên 81.000 tỷ đồng, trong đó thiệt hại trong các lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản, lâm nghiệp gần 31.000 tỷ đồng, bằng 38% thiệt hại về kinh tế. Vì vậy, đại biểu đề nghị Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết, ngành ngân hàng có các chính sách hỗ trợ gì đối với các khách hàng vay vốn trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn bị ảnh hưởng bởi cơn bão số 3?
Trong báo cáo gửi tới Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, NHNN cho biết: Theo báo cáo của 26 NHNN chi nhánh tỉnh, thành phố, có khoảng 124.000 khách hàng bị ảnh hưởng, thiệt hại do cơn bão số 3 (Yagi) với dư nợ là khoảng 190.000 tỷ đồng, chiếm 3,1% tổng dư nợ trên địa bàn.
Trả lời đại biểu Ma Thị Thúy - Đoàn ĐBQH tỉnh Tuyên Quang, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết, sau khi cơn bão số 3 xảy ra và có tác động nghiêm trọng với doanh nghiệp và người dân ở 26 tỉnh, thành phố, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã cử lãnh đạo của NHNN trực tiếp đi khảo sát ở 2 tỉnh Hải Phòng và Quảng Ninh là hai tỉnh chịu sự tác động mạnh mẽ của cơn bão số 3 và xác định dư nợ của 2 tỉnh này chịu tác động của cơn bão số 3 là khoảng 12 nghìn tỷ đồng.
Sau đó, NHNN đã ban hành các văn bản chỉ đạo các tổ chức tín dụng tập trung quan tâm, rà soát các khách hàng vay vốn tại tổ chức mình để xác định, đánh giá được mức độ thiệt hại của các khoản dư nợ mà khách hàng, người dân vay tại các ngân hàng. "NHNN cũng tổng hợp và thống kê trên phạm vi của 26 tỉnh, thành phố thì số dư nợ của khách hàng và cá nhân bị thiệt hại vào khoảng 190.000 tỷ đồng", bà Hồng cho biết.
Trên cơ sở đó NHNN chỉ đạo các tổ chức tín dụng tập trung thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân, như: Cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ theo quy định hiện hành. Bở vì trước đó, sau khi đại dịch COVID-19 xảy ra, cũng như trong Chương trình phục hồi kinh tế thì NHNN đã ban hành 2 Thông tư cho phép các tổ chức tín dụng giữ nguyên nhóm nợ, cơ cấu lại thời hạn trả nợ. Các khách hàng này vẫn có thể tiếp cận các tổ chức tín dụng để thực hiện các giải pháp này.
Riêng đối với các khách hàng vay vốn mà chịu tác động của cơn bão số 3, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết, NHNN theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ đang trong quá trình hoàn thiện bước cuối cùng, ban hành Thông tư mới sẽ tiến hành cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ cho khoản vay của doanh nghiệp và người dân ở 26 tỉnh, thành phố.
Cùng với đó, NHNN cũng chỉ đạo các tổ chức tín dụng xem xét miễn, giảm lãi vay cho doanh nghiệp và người dân bị tác động bởi bão số 3; tích cực tham gia công tác an sinh xã hội với tổng giá trị hệ thống ngân hàng tham gia an sinh xã hội sau bão là 40 tỷ đồng.
Đáng chú ý, theo bà Nguyễn Thị Hồng, NHNN cũng tổ chức hội nghị, chỉ đạo các tổ chức tín dụng. Theo đó, mỗi tổ chức cũng xem xét cân đối nguồn vốn của mình để đưa ra cái gói tín dụng. Đến nay, có 35 tổ chức tín dụng đã công bố với tổng giá trị gói tín dụng là 405.000 tỷ đồng để tiếp tục cho vay mới đối với các doanh nghiệp, người dân bị tác động của bão số 3, cũng như những khoản cho vay thì lãi suất ưu đãi hơn.
"Tính đến ngày 31/10/2024, các Ngân hàng thương mại đã thực hiện cho vay mới theo chương trình ưu đãi với doanh số lũy kế khoản 27.000 tỷ đồng, hạ lãi suất cho các khoản hiện hữu với dư nợ được giảm lãi suất khoảng 82.000 tỷ đồng", bà Hồng thông tin và cho biết thêm, NHNN cũng chỉ đạo các tổ chức tín dụng thực hiện các giải pháp để hỗ trợ cho khách hàng cho khách hàng trong lĩnh vực nông thôn theo như Nghị định 55 và Nghị định 116 sửa đổi.
Có 35/40 ngân hàng thông báo và công bố quy mô hỗ trợ 405.000 tỷ đồng cho vay mới và hạ lãi suất, trong đó dành khoảng 300.000 tỷ đồng cho vay mới khôi phục sản xuất kinh doanh cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi cơn bão số 3. Mức giảm lãi suất cho vay đối với dư nợ hiện hữu từ 0,5- 2%/năm, mức lãi suất cho vay đối với các khoản giải ngân mới ngắn hạn từ 5- 6,7%, trung dài hạn từ 5,5 -8%/năm.
Gia Phát