Khó khăn về dòng tiền, Kinh doanh và Phát triển Bình Dương (TDC) phát hành 35 triệu cổ phiếu lấy tiền trả nợ
Kinh doanh và Phát triển Bình Dương (TDC) phát hành 35 triệu cổ phiếu lấy tiền trả nợ
CTCP Kinh doanh và Phát triển Bình Dương (Mã: TDC) là một thành viên của Becamex IDC, đơn vị chuyên về hoạt động đầu tư kinh doanh bất động sản, xây dựng và sản xuất, kinh doanh vật liệu xây dựng...
Vừa qua, TDC đã được cổ đông thông qua kế hoạch phát hành cổ phiếu để để lấy nguồn tiền trả nợ trái phiếu sắp đáo hạn.
Cụ thể, Kinh doanh và Phát triển Bình Dương sẽ phát hành 35 triệu cổ phiếu TDC, mức giá chào bán sẽ được ủy quyền cho HĐQT quyết định nhưng không thấp hơn 10.000 đồng/cổ phiếu. Dự kiến kế hoạch chào bán sẽ được triển khai từ Quý 4/2024 đến Quý 1/2025. Cổ phiếu được chào bán sẽ bị hạn chế chuyển nhượng trong 1 năm kể từ ngày kết thúc đợt chào bán.
Nguồn tiền huy động được từ đợt chào bán sẽ được sử dụng để mua lại trước hạn một phần của lô trái phiếu mã TDC.BOND.700.2020.
Đây là lô trái phiếu không tài sản đảm bảo được phát hành vào ngày 9/11/2020, dự kiến đáo hạn vào ngày 15/11/2025. Tổng mệnh giá của lô trái phiếu là 700 tỷ đồng. Tại thời điểm phát hành, mục đích huy động vốn trái phiếu là để chi trả cổ tức, lãi chậm cổ tức cho Công ty mẹ là Tổng Công ty Đầu tư và Phát triển Công nghiệp – CTCP Becamex IDC.
TDC thoát lỗ Quý 2 nhờ doanh thu tài chính
Về hoạt động kinh doanh, trong Quý 2/2024, Kinh doanh và Phát triển Bình Dương ghi nhận doanh thu 115 tỷ đồng, giảm 14,2% so với năm trước. Giá vốn hàng bán cao khiến lợi nhuận gộp chỉ còn 1,1 tỷ đồng, giảm 3% so với cùng kỳ. Mức lợi nhuận gộp này gần như không đủ để duy trì chi phí hoạt động.
Tuy nhiên, doanh thu hoạt động tài chính tăng đột biến tới 72 lần, đạt 124,9 tỷ đồng tại Quý 2 đã giúp TDC thoát lỗ trong Quý 2. Lượng gia tăng đột biến này ghi nhận bởi lợi nhuận từ hợp đồng hợp tác kinh doanh, chiếm 123,2 tỷ đồng.
Chi phí tài chính chỉ còn 56,2 tỷ đồng với toàn bộ là chi phí tài chính đều là chi phí lãi vay. Chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp lần lượt chiếm 13,9 và 14 tỷ đồng. Sau khi trừ đi các chi phí và thuế, TDC báo lãi sau thuế 74,2 tỷ đồng trong khi cùng kỳ đang lỗ 281,4 tỷ.
Lũy kế doanh thu 6 tháng đầu năm của TDC đạt 234,2 tỷ đồng, lãi sau thuế 50,1 tỷ đồng, chủ yếu đến từ lợi nhuận tài chính ghi nhận trong Quý 2. So sánh với mục tiêu kinh doanh cả năm, doanh thu 1.993 tỷ đồng, lãi sau thuế 218 tỷ thì hiện tại TDC mới hoàn thành 11,8% mục tiêu doanh thu cùng 22,9% mục tiêu lợi nhuận năm.
TDC liên tục chậm trả lãi trái phiếu
Một trong những nguyên nhân khiến TDC phải huy động nguồn tiền từ cổ đông để trả nợ trái phiếu nằm ở hoạt động kinh doanh thua lỗ hàng trăm tỷ đồng.
Tại năm 2023, công ty chỉ đạt doanh thu 301 tỷ nhưng lỗ tới 403 tỷ đồng. Đây là lần đầu tiên TDC báo lỗ và cũng là khoản lỗ kỷ lục, cao nhất trong suốt 13 năm lên sàn chứng khoán. Khoản lỗ này đã kéo lùi toàn bộ kết quả kinh doanh, ảnh hưởng tới khả năng trả nợ của công ty.
Theo đó, TDC đã liên tục chậm trả lãi trái phiếu 3 lần đối với lô trái phiếu TDC.BOND.2020.700. Trong đó, tiền lãi trái phiếu phải trả tại ngày 15/2/2023 là 23,8 tỷ đồng. TDC chỉ trả 7 tỷ đồng đúng hạn và sau đó trả toàn bộ vào ngày 23/2/2023.
Đến ngày 15/5/2023, tiền lãi tới hạn là 24,2 tỷ đồng tiền lãi tới hạn nhưng TDC chỉ trả 10,2 tỷ đồng. Phần còn lại được trả hết tại ngày 26/5/2023. Tương tự đến ngày 15/11/2023, công ty phải trả 20,29 tỷ đồng lãi trái phiếu nhưng cũng chỉ trả 3 tỷ đồng và hoàn tất trả tại ngày 17/11/2023.
Tuy thời gian chậm trả không lớn nhưng cũng cho thấy TDC đang gặp vấn đề lớn với dòng tiền.
Bích Diễm