1. Tài chính

Kho bạc Nhà nước đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính

Hoạt động nghiệp vụ tại Kho bạc nhà nước thành phố Cần Thơ. Ảnh: Vũ Sinh - TTXVN

Nội dung, hình thức thực hiện, đẩy mạnh cải cách hành chính trên nhiều lĩnh vực, trong đó đặc biệt là cải cách thủ tục hành chính.

Kho bạc Nhà nước đã đẩy mạnh cải cách hành chính đồng bộ trên cả 6 lĩnh vực cải cách thể chế; cải cách thủ tục hành chính; cải cách tổ chức bộ máy; cải cách chế độ công vụ; cải cách tài chính công và hiện đại hóa hành chính góp phần xây dựng Chính phủ điện tử, Chính phủ số. Trong số đó, tập trung cải cách thủ tục hành chính theo quan điểm đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và lấy người dân, doanh nghiệp là trung tâm, là chủ thể, là mục tiêu và là động lực của cải cách hành chính.

Đại diện Kho bạc Nhà nước cho biết, thủ tục hành chính được cải cách theo hướng vừa lấy khách hàng là trung tâm, lấy sự hài lòng của cá nhân, tổ chức là thước đo quan trọng trong việc cung cấp dịch vụ vừa đảm bảo thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị của Kho bạc Nhà nước.

Đối với thủ tục kiểm soát chi ngân sách nhà nước, quy trình, thủ tục được đơn giản hóa, rút ngắn thời gian kiểm soát (từ 7 ngày xuống còn 3 ngày làm việc đối với các khoản chi đầu tư; 1 ngày làm việc đối với các khoản chi "thanh toán trước, kiểm soát sau") và phân định rõ trách nhiệm, quyền hạn của các cơ quan, đơn vị trong chu trình chi ngân sách nhà nước.

Kho bạc Nhà nước cũng đã thực hiện kiểm soát chi theo rủi ro; kiểm soát chi theo cơ chế khoán chi; cơ chế kiểm soát cam kết chi từng bước được hoàn thiện, tiệm cận với thông lệ quốc tế, góp phần ngăn chặn tình trạng nợ đọng trong thanh toán.

“Điểm sáng” trong cái cách hành chính của Kho bạc Nhà nước phải kể đến là việc hệ thống Kho bạc Nhà nước triển khai tiếp nhận và trả kết quả qua dịch vụ công trực tuyến từ năm 2018. Qua 5 năm triển khai, sau nhiều lần cải cách, cập nhật, Hệ thống Dịch vụ công trực tuyến của Kho bạc Nhà nước đã góp phần rút ngắn thời gian giải ngân, tạo thuận lợi cho đơn vị sử dụng ngân sách trong quá trình nộp hồ sơ thanh toán, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 như thời gian vừa qua, công khai, minh bạch trong quá trình giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính và từng bước hướng tới kiểm soát chi điện tử.

Tại Kho bạc Nhà nước tỉnh Quảng Bình, đến tháng 4/2023 đã có 1.236 đơn vị sử dụng ngân sách tham gia dịch vụ công trực tuyến, đạt tỷ lệ 99,5% (trừ khối an ninh-quốc phòng) số lượng giao dịch qua dịch vụ công trực tuyến, trung bình khoảng 20.000 hồ sơ chứng từ/tháng. Từ khi tham gia dịch vụ công trực tuyến, các đơn vị sử dụng ngân sách không phải gửi hồ sơ, chứng từ bản giấy.

Bên cạnh đó, thực hiện dự án hiện đại hóa thu ngân sách, Kho bạc Nhà nước Quảng Bình đã đẩy mạnh phối hợp thu ngân sách nhà nước qua ngân hàng, trao đổi thông tin thu ngân sách giữa Kho bạc Nhà nước, cơ quan thuế với ngân hàng thương mại. Đến nay, đơn vị đã kết nối với 9 hệ thống ngân hàng thương mại, qua đó, các ngân hàng đã thực hiện thu trên 90% các khoản thu ngân sách nhà nước.

Kho bạc Nhà nước Quảng Bình cũng đã triển khai chuyển đổi số trong thực hiện dịch vụ công trực tuyến, bước đầu cung cấp cổng trao đổi dữ liệu qua internet với các nhà cung cấp dịch vụ điện, nước và viễn thông để tự động thanh toán cho các đơn vị sử dụng ngân sách..

Đồng thời, nhờ đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, những hệ thống thanh toán Kho bạc Nhà nước trên nền tảng công nghệ thông tin hiện đại được Kho bạc Nhà nước Quảng Bình triển khai hiệu quả. Cụ thể, đơn vị đã hoàn thành triển khai liên thông chương trình dịch vụ công trực tuyến, TABMIS (hệ thống thông tin quản lý ngân sách và kho bạc) và thanh toán điện tử liên ngân hàng, điện tử song phương, đáp ứng yêu cầu thanh toán nhanh chóng, chính xác và an toàn, nâng cao chất lượng dịch vụ, tiết kiệm chi phí thanh toán…

Việc ứng dụng công nghệ thông tin đã góp phần quan trọng vào quản lý nội bộ Kho bạc Nhà nước như tài chính nội bộ, văn phòng, tổ chức cán bộ, giám sát tình hình tiếp nhận, giải quyết hồ sơ, thủ tục hành chính ….

Ngoài ra, trong cải cách hành chính nhằm thay đổi nhận thức với mục tiêu lấy khách hàng làm trọng tâm phục vụ, Kho bạc Nhà nước Quảng Bình đã thực hiện cải cách hành chính phải xuất phát từ lợi ích của người dân, tổ chức; lấy người dân, tổ chức làm trung tâm; lấy sự hài lòng của người dân, tổ chức là thước đo đánh giá chất lượng phục vụ của các đơn vị Kho bạc Nhà nước tỉnh, huyện.

Cùng với đó, các Kho bạc Nhà nước tỉnh, huyện phải thường xuyên rà soát, đánh giá, đơn giản hóa thủ tục hành chính trong quá trình thực hiện, cắt giảm các thành phần hồ sơ và các mẫu đơn, tờ khai không cần thiết hoặc đã tích hợp trên cơ sở dữ liệu sẵn có.

Đối với hoạt động kiểm soát chi ngân sách nhà nước, Kho bạc Nhà nước Quảng Bình đã tăng cường cải cách thủ tục hành chính theo hướng đơn giản hóa hồ sơ kiểm soát chi, rút ngắn thời gian kiểm soát chi đầu tư xây dựng cơ bản, thực hiện kiểm soát thanh toán theo nguyên tắc “thanh toán trước, kiểm soát sau” cho từng lần thanh toán. Nhờ đó, đơn vị đã rút ngắn thời gian thanh toán từ 3 ngày xuống còn 1 ngày làm việc kể từ khi nhận đủ hồ sơ, chứng từ hợp pháp, hợp lệ.

Chị Lê Thị Huệ, kế toán tại một cơ quan nhà nước tại Quảng Bình cho biết, nếu trước đây, khi chuyển chứng từ từ trường đến kho bạc huyện, phải mất nửa ngày, nhiều lần chứng từ cần chỉnh sửa thì phải về cơ quan làm lại, rồi mang trở lại kho bạc. Nhưng từ khi thực hiện dịch vụ công trực tuyến, chỉ cần làm việc tại cơ quan, chứng từ còn thiếu sót, hệ thống sẽ báo, có thể chỉnh sửa, bổ sung kịp thời. Nhờ áp dụng dịch vụ công trực tuyến mà đỡ rất nhiều thời gian đi lại.

Kho bạc nhà nước tỉnh Thanh Hóa cũng đẩy mạnh triển khai dịch vụ công trực tuyến và thực hiện tốt liên thông các ứng dụng nghiệp vụ bằng các giải pháp triển khai thực hiện chuẩn kết nối và tích hợp phần mềm ứng dụng của các cơ quan, tổ chức vào hệ thống dịch vụ công trực tuyến Kho bạc Nhà nước.

Đây là cơ sở để các cơ quan, đơn vị sử dụng ngân sách có thể kết nối, tích hợp dữ liệu trực tiếp từ phần mềm ứng dụng của đơn vị vào hệ thống dịch vụ công trực tuyến, giúp giảm thiểu việc nhập, xử lý dữ liệu trùng lặp nhiều lần.

Kho bạc Nhà nước Thanh Hóa cũng đã tổ chức hạch toán đầy đủ, kịp thời, chính xác các khoản thu, chi ngân sách nhà nước các loại vốn, quỹ, tài sản của Nhà nước.

Hiện nay hệ thống Kho bạc Nhà nước Thanh Hóa đã cung cấp 11/11 thủ tục hành chính (theo Nghị định 11/2020/NĐ-CP ngày 20-1-2020 của Chính phủ) thực hiện qua dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 đến 3.537 đơn vị sử dụng ngân sách (trừ các đơn vị khối an ninh, quốc phòng), đạt 100% các đơn vị bắt buộc tham gia. Thông qua dịch vụ công trực tuyến, giao dịch viên kho bạc xử lý công việc nhanh chóng và hiệu quả; quy trình thực hiện công việc được kiểm tra chặt chẽ; bảo đảm hồ sơ thủ tục hành chính được giải quyết đúng quy định và đúng hạn, công khai và minh bạch, tạo thuận lợi cho khách hàng.

Để tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, Kho bạc Nhà nước cho biết sẽ tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách quy định thủ tục hành chính và các quy trình nghiệp vụ theo hướng giảm thành phần hồ sơ, đơn giản hóa quy trình, thực hiện hoàn toàn trên môi trường điện tử, trên cơ sở kết nối, chia sẻ dữ liệu số các giao dịch thủ tục hành chính giữa các bộ, ban, ngành và liên thông hệ thống giữa Kho bạc Nhà nước với các đơn vị sử dụng ngân sách nhà nước.

Cùng với đó là tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số vào quy trình nội bộ xử lý hồ sơ thủ tục hành chính; trong đó triển khai việc ký số, gửi, nhận văn bản và xử lý hồ sơ công việc hoàn toàn trên môi trường điện tử tại từng đơn vị, bộ phận./.

Hà An/BNEWS/TTXVN

Tin khác