1. Tài chính

Khai thác dữ liệu giúp tối ưu hóa các dịch vụ tài chính

Các chuyên gia chia sẻ tại tọa đàm "Sản phẩm dữ liệu và phân tích dữ liệu cho Tổ chức Tài chính"

Hiện nay, các tổ chức tài chính đang tận dụng nguồn dữ liệu lớn (big data) và trí tuệ nhân tạo (AI) để cung cấp dịch vụ tài chính hiệu quả, tối ưu hóa trải nghiệm khách hàng và đảm bảo tính minh bạch trong các giao dịch. Đồng thời, các quy định mới về bảo vệ dữ liệu và phát triển tài chính số cũng đặt ra những yêu cầu mới cần tuân thủ.

Chia sẻ thêm về xu thế này, tại tọa đàm "Sản phẩm dữ liệu và phân tích dữ liệu cho Tổ chức Tài chính" do FiinGroup, Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC) và Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA) tổ chức vào chiều 20/11, ông Jinchang Lai, Chuyên gia trưởng, Trưởng nhóm cơ sở Hạ tầng Tài chính, Bộ phận Tư vấn các Định chế Tài chính, Khu vực châu Á Thái Bình Dương IFC nêu quan điểm, khi đưa ra các quyết định về tín dụng cần phải kết hợp sử dụng dữ liệu của công ty thường dùng, cộng với dữ liệu khác để có quyết định tốt hơn. Bên ngoài công ty, thường có nhu cầu về dữ liệu lớn khác và phải căn cứ vào mục đích sử dụng dữ liệu để khai thác cho phù hợp.

Để đảm bảo tính chính xác của dữ liệu, ông Neli Munroe đại diện của Hiệp hội Thông tin Kinh doanh (BIIA) cho rằng, tính chính xác, phù hợp và minh bạch là ba từ khóa chính và quan trọng nhất trong việc sử dụng dữ liệu. Vì vậy ông Neli Munroe cho rằng, cần có cơ chế để đảm bảo điều này.

Nói về những thách thức mà các tổ chức tài chính gặp phải trong việc sử dụng dữ liệu, ông Đoàn Thanh Hải - Phó Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin NHNN cho biết, việc giữ được dữ liệu sạch, chuẩn xác rất quan trọng. NHNN đã có những yêu cầu làm sạch dữ liệu. Hiện các ngân hàng cũng đã tích cực triển khai làm sạch dữ liệu, tài khoản, hồ sơ khách hàng và điều này khá hiệu quả thể hiện qua việc tội phạm lợi dụng dữ liệu ngân hàng giảm đáng kể.

Hiện nay, Luật Dự thảo dữ liệu dự kiến có nhiều quy định để bảo vệ dữ liệu cá nhân chặt chẽ hơn. Trong đó yêu cầu, nếu ngân hàng muốn chia sẻ dữ liệu cá nhân với bên khác phải được sự đồng ý của cá nhân đó. Điều này rất có lợi cho người dân. Tuy nhiên, theo ông Hải, đây cũng là một thách thức đối với các ngân hàng vì quá trình làm việc, xử lý dữ liệu sẽ bị gián đoạn.

Khai thác dữ liệu và nâng cao năng lực phân tích nhằm cải tiến quy trình ra quyết định và tối ưu hóa kinh doanh.

Bàn về giải pháp cho vấn đề này, ông Jinchang Lai cho rằng, nếu tất cả đều dựa vào sự đồng thuận của tất cả các bên thì hiệu quả trong việc sử dụng dữ liệu sẽ không cao

“Cần phân cấp trong việc bảo vệ dữ liệu, xếp hạng dữ liệu theo cấp độ 1, 2, 3, 4 để tùy theo mức độ nhạy cảm của dữ liệu để khai thác cho phù hợp. Như dữ liệu cá nhân, phân loại dữ liệu cá nhân, dữ liệu tài chính, dữ liệu nhạy cảm", ông Jinchang Lai gợi ý.

Thông tin thêm tại Tọa đàm, bà Nguyễn Thu Trang – Trưởng phòng nghiên cứu phát triển CIC cho biết, hiện nay cơ sở dữ liệu của CIC đang thu thập thông tin từ 100% các TCTD, gần 1200 Quỹ tín dụng nhân dân, hơn 60 TCTD bao gồm các quỹ đầu tư phát triển, các công ty bán lẻ, bán hàng trả góp trả chậm trên cả nước. Hiện nay CIC cung cấp đầy đủ các sản phẩm dịch vụ liên quan đến TTTD, từ báo cáo tín dụng, chấm điểm tín dụng cá nhân, xếp hạng tín dụng doanh nghiệp, cảnh báo tín dụng.

Theo bà Trang, trong vòng 5 năm vừa qua, CIC đã phát triển khá mạnh kênh kết nối trực tiếp H2H, cho phép việc khai thác TTTD qua các API, tiết kiệm thời gian, giảm sự can thiệp của con người, giảm rủi ro sai sót dữ liệu. Vấn đề này không chỉ dừng lại ở các bản hỏi tin đơn lẻ, CIC cung cấp các gói dữ liệu lớn phục vụ các TCTD trong việc xây dựng các mô hình, thẻ điểm phục vụ nghiệp vụ phân tích, quản trị rủi ro của các TCTD.

Thái Hoàng

Tin khác