Khắc phục hậu quả bão lũ không thể chỉ trông vào ngân hàng
“Một phiên chất vấn thành công!”
- Theo dõi phiên chất vấn và trả lời chất vấn đối với lĩnh vực ngân hàng ngày 11.11, cảm nhận của ông thế nào?
- Trước hết, có thể thấy, phiên chất vấn diễn ra rất sôi động, với hơn 50 đại biểu đăng ký đặt câu hỏi và tranh luận. Nội dung được các đại biểu chất vấn tập trung vào việc điều hành chính sách tiền tệ; công tác quản lý nhà nước về thị trường vàng, thị trường ngoại hối; hỗ trợ vay vốn cho người dân, doanh nghiệp khắc phục hậu quả của cơn bão số 3 (bão Yagi) cũng như tín dụng cho nhà ở xã hội. Đây đều là những vấn đề rất nóng, sát sườn, nhận được sự quan tâm của cả xã hội hiện nay. Các câu hỏi rất ngắn gọn, trực diện. Câu trả lời của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cũng rất rõ ràng, đưa ra được các giải pháp cụ thể cả trong trước mắt và lâu dài mà nếu thực hiện được, chắc chắn sẽ tạo những chuyển biến tích cực trong thực tế.
Phiên chất vấn thành công hay không có vai trò rất quan trọng của người điều hành. Tôi rất ấn tượng với cách điều hành của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn khi đã rất linh hoạt, điều tiết nhịp nhàng, bảo đảm tối đa số đại biểu được đặt câu hỏi (43 đại biểu và 1 đại biểu tranh luận) và cơ bản đều có câu trả lời thỏa đáng nhưng vẫn tuân thủ thời gian đặt ra. Và bởi lẽ đó, tôi cho rằng đây là một phiên chất vấn thành công!
Sàn giao dịch vàng nên là chuyện của tương lai
- Một trong những nội dung được nhiều đại biểu quan tâm là quản lý thị trường vàng, trong đó có việc vì sao ngân hàng chỉ bán vàng mà không mua vàng đã gây khó khăn cho người dân khi có nhu cầu mà không bán được. Ông nhận xét thế nào về phần trả lời của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước?
- Tôi rất tán thành câu trả lời của Thống đốc. Cần nhắc lại rằng, từ khoảng tháng 6.2024, giá vàng thế giới lập đỉnh cao, chênh lệch giá vàng thế giới và trong nước tăng cao, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ trong việc bảo đảm bình ổn thị trường vàng, Ngân hàng Nhà nước đã tổ chức 9 phiên đấu thầu vàng miếng, sau đó chuyển sang bán vàng SJC trực tiếp tại 4 ngân hàng. Với việc Ngân hàng Nhà nước đã bán ra hơn 13 tấn vàng đã giúp tăng cung và kéo giảm khoảng cách chênh lệch giữa giá vàng trong nước với quốc tế từ khoảng 15 - 18 triệu đồng/lượng xuống còn khoảng 3 - 4 triệu/lượng. Như vậy, có thể nói, mục tiêu bình ổn thị trường vàng đã đạt được.
Còn về hoạt động thông thường của thị trường vàng (mua - bán) phải là do hệ thống các doanh nghiệp, cửa hàng kinh doanh vàng, chứ không phải là trách nhiệm của Ngân hàng Nhà nước. Bởi thế, việc ngân hàng không mua lại vàng bán ra là hoàn toàn phù hợp với mục tiêu chúng ta đề ra: bình ổn thị trường vàng và hướng dòng tiền vào sản xuất kinh doanh. Nếu yêu cầu ngân hàng phải mua lại vàng thì họ cần phải có lực lượng, máy móc để kiểm định, mà không phải ngân hàng nào cũng đáp ứng sẵn.
Thêm vào đó, thời gian qua, áp lực của đồng USD so với đồng Việt Nam rất lớn, Ngân hàng Nhà nước đã phải bán ra 8 tỷ USD để giữ ổn định giá đồng Việt Nam. Nếu ngân hàng đổ tiền ra mua lại vàng thì áp lực sẽ càng lớn. Vì thế, Ngân hàng Nhà nước phải tính toán để đưa ra lượng vừa đủ nhằm giải tỏa “cơn khát” vàng của thị trường, nhưng cũng phải bảo đảm áp lực tỷ giá hối đoái không căng thẳng. Ngoài ra, việc ngân hàng chỉ bán vàng miếng mà không mua lại, theo tôi, còn nhằm tránh đầu cơ, bởi nếu có đầu cơ thì thị trường sẽ càng phức tạp.
- Tại phiên chất vấn, có đại biểu cho rằng chúng ta cần phải thay đổi tư duy quản lý thị trường vàng. Việc lập sàn giao dịch vàng có phải là một sự thay đổi tư duy?
- Hiện, Ngân hàng Nhà nước đang sửa đổi Nghị định số 24/2012/NĐ-CP về quản lý hoạt động kinh doanh vàng. Việc tổng kết nghị định này là rất quan trọng, để biết chúng ta đã làm tốt những gì và những gì chưa làm tốt thì phải sửa đổi để phù hợp với tình hình mới. Đó chính là sự thay đổi về tư duy quản lý thị trường vàng.
Tôi đồng tình với đề xuất xem xét lập sàn giao dịch vàng để giúp thị trường minh bạch hơn, hoạt động mua bán của người dân, doanh nghiệp được thuận lợi hơn. Tuy nhiên, trước khi lập sàn này, chúng ta cần phải trả lời rõ cho các câu hỏi: Mục tiêu để làm gì? Có giúp tạo công ăn việc làm, có tạo ra năng lực cho nền kinh tế không?
Trước mắt, chúng ta chưa cần đến sàn giao dịch vàng, bởi như Thống đốc phát biểu, Việt Nam không phải là nước sản xuất vàng và để lập sàn này phải đầu tư cơ sở hạ tầng. Mặt khác, hiện, chúng ta đang rất cần ngoại tệ cho phát triển kinh tế, khi ngoại tệ dồi dào thì hẵng tính đến lập sàn vàng. Nếu có lập sàn thì nên là chuyện của tương lai lâu dài.
Tôi cũng rất tán thành quan điểm của Ngân hàng Nhà nước là về lâu dài, phải thực hiện các giải pháp để vàng không phải là mặt hàng hấp dẫn để đầu cơ. Muốn vậy, quan trọng nhất là phải thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh, để người dân thấy đổ tiền vào sản xuất, kinh doanh có lợi thì họ sẽ không còn tâm lý đổ tiền vào vàng. Điều này đòi hỏi cần tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp lý, tạo môi trường kinh doanh thực sự thông thoáng, cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng, minh bạch để sản xuất, kinh doanh phát triển.
Nên có khoản ngân sách riêng hỗ trợ khắc phục hậu quả bão số 3
- Việc hỗ trợ vốn cho người dân, doanh nghiệp khắc phục hậu quả cơn bão số 3 cũng sẽ giúp họ khôi phục hoạt động, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh. Tuy nhiên, hiện nay, việc tiếp cận vốn vẫn còn nhiều khó khăn. Theo ông, cần gỡ vấn đề này thế nào?
- Có thể thấy, ngay sau bão số 3, dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Ngân hàng Nhà nước đã rất nhanh chóng, kịp thời chỉ đạo hệ thống ngân hàng tháo gỡ khó khăn về vốn nhằm hỗ trợ người dân, doanh nghiệp khắc phục hậu quả sau bão. Tuy nhiên, ngân hàng hoạt động cũng phải có lợi nhuận, họ không thể cho vay nếu không có phương án sản xuất, kinh doanh khả thi, chứng minh được khả năng trả nợ của bên đi vay. Do vậy, dù vốn tín dụng ngân hàng rất quan trọng, song không thể chỉ trông chờ vào hệ thống ngân hàng!
Theo tôi, trước tiên, người dân, doanh nghiệp cần phải có phương án kinh doanh rõ ràng, phương án trả nợ khả thi. Do thiên tai nên có thể người dân, doanh nghiệp không còn tài sản bảo đảm mà phải vay tín chấp, như vậy rất cần vai trò của chính quyền địa phương trong việc xác nhận khả năng trả nợ của doanh nghiệp, làm cơ sở để ngân hàng cho vay. Chính phủ cũng cần chỉ đạo các bộ, ngành có liên quan đưa ra những quy định mang tính pháp quy theo hướng thuận lợi hơn trong trường hợp cho vay tín chấp, để cán bộ ngân hàng yên tâm giải ngân.
Theo tôi, cần có một khoản ngân sách để hỗ trợ cho người dân, doanh nghiệp khắc phục hậu quả thiên tai cũng như đầu tư cho nhà ở xã hội, thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội. Nếu chỉ trông chờ vào sự sẻ chia của các ngân hàng thương mại thì sẽ không đủ.
- Xin cảm ơn ông!
Đan Thanh thực hiện