Kênh gửi tiết kiệm 'hút' dòng tiền
Lãi suất tiết kiệm nhích tăng
Mặt bằng lãi suất huy động đang có xu hướng tăng nhẹ. Tính chung cả năm 2024, các tổ chức tín dụng dự tính, mặt bằng lãi suất huy động tăng 0,1%. Xu hướng tăng này được áp dụng với nhiều kỳ hạn.
Đáng chú ý, sang tháng 11, một số ngân hàng tiếp tục điều chỉnh lãi suất huy động. Chẳng hạn MB vừa chính thức tăng lãi suất huy động cho hàng loạt kỳ hạn tiền gửi. Theo biểu lãi suất huy động cập nhật mới nhất, các kỳ hạn 1 - 4 tháng được điều chỉnh tăng thêm 0,2%/năm. Cụ thể, lãi suất kỳ hạn 1 tháng hiện là 3,5%/năm, kỳ hạn 2 tháng là 3,6%/năm, và kỳ hạn 3 - 4 tháng là 3,9%/năm.
Tương tự, VIB cũng tiến hành điều chỉnh lãi suất huy động tại tất cả kỳ hạn. Cụ thể, ngân hàng này tăng lãi suất kỳ hạn 1 - 5 tháng thêm 0,3%/năm và kỳ hạn 6 - 36 tháng thêm 0,2%/năm. Biểu lãi suất huy động trực tuyến của VIB mới nhất cho thấy, lãi suất kỳ hạn 1 - 2 tháng là 3,5%/năm, kỳ hạn 3 - 5 tháng là 3,8%/năm, và kỳ hạn 6 - 11 tháng lên tới 4,8%/năm.
Giới chuyên gia phân tích, quý cuối năm là thời điểm mùa kinh doanh sôi động, nhu cầu vay vốn tăng cao. Sự phục hồi của tăng trưởng tín dụng trong bối cảnh sản xuất và đầu tư tăng tốc mạnh hơn trong những tháng cuối năm sẽ phần nào gây áp lực lên thanh khoản của hệ thống từ đó dẫn đến việc tăng lãi suất đầu vào. Thông thường, các ngân hàng đẩy mạnh huy động vốn nhằm đảm bảo cung ứng tín dụng cho nền kinh tế.
Đường đi của lãi suất cho vay ra sao?
Ghi nhận từ thực tế cho thấy nhiều người dân vẫn chuộng kênh gửi tiết kiệm ngân hàng.
“Năm ngoái, gửi tiết kiệm kỳ hạn 12 tháng ở ngân hàng của nhà nước chỉ 4,6%/năm thì năm nay tôi chuyển sang ngân hàng tư nhân hiện tại đã tăng lên 5,3%/năm. Thời điểm này, mặc dù lãi suất thấp nhưng tôi vẫn gửi tiền vào ngân hàng vì độ an toàn cao hơn, chờ các kênh đầu tư khác ổn định trở lại sẽ tính tiếp” - chị Phương Linh (khu đô thị Linh Đàm, Hà Nội) chia sẻ.
Một số người cũng cho biết, việc lựa chọn kênh gửi tiền thời điểm này vẫn an toàn hơn cả. Có thể thấy, nguyên nhân chính khiến người dân ưu tiên gửi tiền vào ngân hàng thay vì các kênh đầu tư khác là do sự an toàn và ổn định mà ngân hàng mang lại, đặc biệt trong giai đoạn nền kinh tế còn nhiều biến động.
Theo ông Phan Lê Thành Long, CEO của AFA Group, trong bối cảnh kinh tế bất định, dòng tiền thông minh sẽ chọn quay về ngân hàng để chờ đợi các cơ hội đầu tư tốt hơn trong tương lai.
Trong khi đó, chuyên gia kinh tế - PGS.TS Nguyễn Hữu Huân nêu quan điểm, giai đoạn này nhiều nhà đầu tư sợ thị trường chứng khoán, bởi sự biến động tích lũy trong biên độ hẹp, nhà đầu tư rất khó kiếm tiền, thậm chí còn mất tiền nhiều hơn.
“Chứng khoán đang có nhiều yếu tố tích cực nhưng chưa đủ tạo cú hích giúp thị trường bật tăng. Lãi suất gửi tiết kiệm cũng nhích lên thời gian qua tạo thêm nhiều sự lựa chọn cho khoản tiền nhàn rỗi” – ông Huân nhận định.
Trong giai đoạn cuối năm 2024, các chuyên gia khuyến nghị nhà đầu tư nên ưu tiên giữ tỷ trọng cao vào các tài sản có tính thanh khoản cao như tiền mặt và tiền gửi ngân hàng. Trong bối cảnh nền kinh tế thế giới có thể đi vào suy thoái, việc giữ tiền mặt hoặc các tài sản thanh khoản giúp nhà đầu tư dễ dàng nắm bắt cơ hội khi thị trường phục hồi.
Theo nhận định của TS Nguyễn Trí Hiếu, cuối năm với các hoạt động sản xuất kinh doanh khởi sắc hơn, các ngân hàng sẽ đẩy mạnh cho vay để dòng vốn chảy vào sản xuất kinh doanh mạnh hơn. Với kịch bản này, các ngân hàng sẽ tăng lãi suất tiền gửi để tăng huy động và tăng cho vay, kéo theo lãi suất cho vay tăng.
H.Hương