1. Chứng khoán

Kế hoạch mua tàu mới hơn 10.000 tỷ đồng, 'thủy thủ' Vosco sẵn sàng ra khơi

Vosco có kế hoạch bổ sung 10 tàu mới để mở rộng đội tàu và thay thế tàu cũ, hỏng. Ảnh: Vosco.

Lãnh đạo mới - đội tàu mới

Cuối tháng 1/2025, Công ty CP Vận tải biển Việt Nam (Vosco) cho biết đã nhận bàn giao tàu cỡ Supermax đầu tiên là Vosco Starlight. Sau khi nhận tàu mới, Vosco sẽ thực hiện thanh lý tàu Vosco Star đã 26 năm tuổi, khai thác không còn hiệu quả.

Trước đó, trong năm 2024, Vosco đã thuê được hai tàu hóa chất cỡ 13.00 DWT là Đại Thành, Đại Hưng. Đầu năm nay, công ty nhận thêm tàu Đại Quang theo hình thức thuê trần.

Mua và thuê tàu hàng mới nằm trong kế hoạch nâng cấp đội tàu quy mô lớn của Vosco.

Cuối năm ngoái, công ty bất ngờ họp đại hội đồng cổ đông bất thường với nội dung xoay quanh việc thông qua đầu tư phát triển đội tàu mới với 10 tàu.

Cụ thể, Vosco dự kiến mua hai tàu hàng rời Supramax, trọng tải 56.000 – 58.000 DWT/tàu. Công ty cũng sẽ đóng mới bốn tàu Ultramax, trọng tải 62.000 – 66.000 DWT/tàu và đóng mới bốn tàu dầu MR, trọng tải 50.000 DWT/tàu.

Tổng giá trị của khoản đầu tư này có thể lên tới hơn 410 triệu USD, tương đương với hơn 10.000 tỷ đồng.

Ban lãnh đạo Vosco thông qua kế hoạch tham vọng trong bối cảnh Vosco đã không có tàu mới kể từ 2013. Vosco hiện sở hữu 12 tàu gồm 7 tàu hàng khô, hàng rời, 2 tàu container và 3 tàu dầu sản phẩm.

Đa phần trong số này đều đã nhiều năm tuổi, được ban lãnh đạo Vosco tính toán thanh lý dần và thay thế bằng tàu mới hiện đại hơn.

Trong năm ngoái, công ty còn đưa ra quyết định về kế hoạch đầu tư vốn để thành lập công ty con hoạt động trong lĩnh vực quản lý tàu. Mặc dù vậy, kế hoạch này vẫn chưa được thực hiện và dự kiến chuyển sang năm 2025.

Kế hoạch “thay máu” toàn diện đội tàu của Vosco đi cùng với loạt biến động lớn trong bộ máy nhân sự cấp cao. Quý III năm ngoái, ông Nguyễn Quang Minh đã rời ghế Chủ tịch Vosco để chuyển sang vị trí Tổng giám đốc thay thế ông Cao Minh Tuấn về hưu theo chế độ nhà nước.

Tiếp đó, ông Hoàng Long – thành viên Hội đồng quản trị (HĐQT) Vosco được bầu giữ chức Chủ tịch thay thế cho ông Nguyễn Quang Minh.

Ông Nguyễn Quang Minh sinh năm 1973 và có gần 30 năm công tác tại Vosco. Từ năm 2011 đến 2021, ông Minh giữ chức Phó tổng giám đốc Vosco và làm Thành viên HĐQT công ty này giai đoạn từ 2012 đến 2018. Ông Nguyễn Quang Minh được bầu làm Chủ tịch HĐQT Vosco vào tháng 3/2024.

Trong khi đó, tân Chủ tịch HĐQT Hoàng Long đại diện cho 10% vốn của Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (VIMC) tại Vosco.

Dư dả tiền mặt - không nợ vay

Từng là đơn vị thành viên của Vinalines, ở thời kỳ huy hoàng của vận tải biển, Vosco là một trong những doanh nghiệp đi đầu giới tàu biển tại Việt Nam. Công ty từng nổi danh là những "thủy thủ" với nhiều cái nhất.

Với đội tàu hùng mạnh, công ty đã nhanh chóng chinh phục các cung đường vận tải và là đơn vị đầu tiên chuyển hàng từ Việt Nam sang Mỹ, Ấn Độ, Australia, Đông Phi, Nam Âu…

Mặc dù vậy, cùng với sự sụp đổ của Vinalines và suy thoái ngành vận tải biển toàn cầu, hơn một thập kỷ qua, Vosco không mở rộng hoạt động mà chỉ tập trung xử lý các khoản thua lỗ.

Phải đến hết năm 2022, Vosco mới khắc phục hết các khoản lỗ lũy kế từ giai đoạn thị trường vận tải biển chìm trong khó khăn, từ 2013 – 2020.

Đến nay, Vosco đã sở hữu bức tranh tài chính tương đối lành mạnh. Công ty có lượng dữ trữ dồi dào với lượng tiền gửi ngân hàng tính đến cuối năm 2024 vào khoảng 1.300 tỷ đồng, chiếm gần một nửa tổng tài sản.

Đáng chú ý, doanh nghiệp hoàn toàn không sử dụng nợ vay và cũng không chi trả cổ tức kể từ năm 2011 đến nay. Đây là yếu tố thuận lợi cho kế hoạch nâng cấp đội tàu quy mô của Vosco.

Ban lãnh đạo công ty cho biết, nguồn vốn đầu tư cho đội tàu mới sẽ đến từ vốn tự có của doanh nghiệp và vốn vay với tỷ lệ theo từng dự án.

“Công ty đã hoàn thành việc tái cơ cấu tài chính với các ngân hàng và tập trung vào quản trị hiệu quả dòng tiền, đồng thời tích cực làm việc với các tổ chức tín dụng để tìm kiếm nguồn vốn vay đầu tư phát triển đội tàu.

Năm 2024, công ty đã được nhiều ngân hàng trong nước chấp thuận và một số ngân hàng nước ngoài đang xem xét cho vay vốn trung, dài hạn để đầu tư tàu theo kế hoạch”, ban lãnh đạo Vosco cho biết.

Trong năm 2025, Vosco sẽ tiếp tục tìm kiếm, đánh giá tàu phù hợp để tiếp tục đẩy mạnh công tác đầu tư phát triển cả 3 đội tàu trong năm 2025 và các năm tiếp theo với các hình thức đa dạng như mua tàu đã qua sử dụng, đóng mới, thuê tàu...

Công ty chứng khoán An Bình đánh giá, kế hoạch đầu tư đội tàu mới tương đối tham vọng, đòi hỏi nguồn vốn lớn nhưng hứa hẹn mang lại nhiều lợi ích lâu dài, giúp Vosco cải thiện năng lực vận tải đồng thời tăng cường khả năng cạnh tranh trên cả thị trường nội địa và quốc tế.

Mặc dù vậy, với tổng quy mô đầu tư lên tới hơn 10.000 tỷ đồng, con số này đã gấp 4 lần tổng tài sản của Vosco. Theo nguyên tắc, tại cuộc họp đại hội đồng cổ đông năm 2025 sắp tổ chức tới đây, công ty sẽ phải xin ý kiến cổ đông để phê duyệt chủ trương đầu tư tham vọng này.

Kế hoạch đầu tư mới cũng có điều chỉnh, khi ban lãnh đạo Vosco cho biết, bên cạnh việc đóng hoặc mua tàu mới, doanh nghiệp có thể thuê hoặc mua lại tàu cũ đã qua sử dụng.

Nói về kế hoạch này, lãnh đạo Vosco cho biết, giá tàu đã qua sử dụng đang ở mức hợp lý và thị trường tàu biển về dài hạn được đánh giá tương đối ổn định, là thời điểm thích hợp để bổ sung tàu mới, thay thế những tàu đã quá cũ, không đảm bảo hiệu quả cũng như tiêu chuẩn phát thải.

Thận trọng

Năm 2025, Vosco đặt kế hoạch doanh thu 6 nghìn tỷ đồng, tương đương năm 2024. Lợi nhuận trước thuế dự kiến 376 tỷ đồng, giảm 10%.

Theo Vosco, thị trường tàu hàng khô, tàu container và tàu dầu sản phẩm dự kiến vẫn sẽ tiếp tục biến động phức tạp và khó lường do căng thẳng địa chính trị và những bất ổn trong chuỗi cung ứng

Bản thân công ty cũng đang phải đối diện với một số thách thức khi đội tàu bị thu hẹp do đang trong giai đoạn tái cấu trúc và chi phí sửa chữa, bảo quản các tàu cũ đang tăng lên. Bên cạnh đó, các quy định, tiêu chuẩn về tàu biển ngày càng khắt khe hơn, bao gồm cả tiêu chuẩn liên quan đến chống ô nhiễm, giảm phát thải carbon.

Trước tình hình này, Vosco cho biết sẽ tiếp tục theo dõi sát diễn biến thị trường, tối ưu hóa khai thác, tăng cường quản lý nhiên liệu, phụ tùng, vật tư để nâng cao hiệu quả. Đồng thời, chủ động xây dựng kế hoạch đáp ứng các tiêu chuẩn mới của thị trường khó tính hoặc của Tổ chức hàng hải quốc tế (IMO).

Bên cạnh đó, Vosco sẽ tìm kiếm đối tác có tiềm lực để liên doanh mở rộng quy mô, đa dạng hóa ngành nghề, đẩy mạnh phát triển kinh doanh ở những thị trường xa hơn, tiềm năng hơn và mở rộng danh mục hàng hóa vận chuyển. Phối hợp với các dịch vụ losgitcs khác như đường bộ, đường sắt để kéo dài chuỗi cung ứng.

Phạm Sơn

Tin khác