1. Tài chính

JPMorgan: Đầu tư vào vàng tăng mạnh nhất từ năm 2012

JPMorgan chỉ ra rằng các nhà giao dịch trên toàn cầu đã đầu tư ít hơn vào các loại hàng hóa không phải vàng trong năm qua. Cùng với đó, lượng vốn đầu tư vào vàng đã tăng lên mức cao nhất kể từ năm 2012.

Từ khi xung đột Nga - Ukraine xảy ra vào đầu năm 2022, ngân hàng trung ương nhiều nước đã tăng lượng vàng dự trữ nhằm giảm bớt sự phụ thuộc vào đồng USD. Nhưng trong khi các ngân hàng trung ương tăng thêm 228,4 tấn vàng dự trữ trong quý 1, tăng 176% so với cùng kỳ năm ngoái, JPMorgan dự báo đà tăng này chưa chắc sẽ tiếp diễn, khi tốc độ mua vàng đã chậm lại trong quý 2, với lượng vàng mua ròng của các ngân hàng trung ương về mức bình thường khoảng 100 tấn.

Dù có thể chỉ là tạm thời nhưng xu hướng bình thường hóa này cũng có thể giúp phục hồi sự cân bằng cố hữu giữa giá vàng và lợi suất trái phiếu chính phủ thực tế. Nhu cầu của các ngân hàng trung ương đã đẩy giá vàng vượt quá mức tương xứng với lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm.

JPMorgan nhắc lại rằng trước đại dịch, hoạt động giao dịch của các quỹ giao dịch vàng là yếu tố cấu thành nhu cầu thể hiện mối quan hệ mật thiết nhất với giá vàng. Vì thế, đây là dòng dịch chuyển quan trọng nhất đối với vàng. Nhưng sau đại dịch, hoạt động giao dịch vàng của các ngân hàng trung ương mới là yếu tố có quan hệ mật thiết nhất với vàng.

Một báo cáo mới đây từ Hội đồng Vàng thế giới cảnh báo giá vàng có thể bắt đầu giảm xuống khi lợi suất trái phiếu chính phủ dài hạn của của Mỹ tiếp tục tăng, thường là một tín hiệu xấu với giá vàng. Đây cũng là một nguyên nhân khiến giá vàng giảm 1% trong tháng Tám, và đóng góp vào mức giảm 3 tỷ USD trong lượng vàng mà các quỹ giao dịch vàng nắm giữ trong tháng trước.

Như Hằng/Bloomberg

Tin khác